14/12/2016 16:49
14/12/2016 16:49
Hạn chế biến tướng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Cần giữ đúng các nghi lễ, nghi thức và không thể mượn tín ngưỡng thờ Mẫu để buôn thần bán thánh.
Di sản "Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt" vừa được ghi danh là Di sản văn hoá Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại. Đến nay, tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển ở hầu hết các địa bàn trong cả nước, với những biểu hiện, sắc thái khác nhau. Vấn đề đặt ra là cần phải làm cho người dân hiểu rõ tín ngưỡng thờ Mẫu ở các khu vực, từ đó xác định việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nó.
Ảnh: Quang Hùng.
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt có bề dày lịch sử lâu đời nhưng phát triển mạnh sau thế kỷ 16 với sự xuất hiện của Thánh mẫu Liễu Hạnh, trở thành thần chủ của đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ. Đạo Mẫu quan tâm trước hết đời sống trần gian của con người về nhiều mặt như sức khỏe, tiền tài, may mắn, hạnh phúc... Với việc lịch sử hóa hệ thống thần linh-hầu hết là những người có công trong quá trình dựng nước và giữ nước được nhân dân suy tôn là thánh, Đạo Mẫu đề cao chủ nghĩa yêu nước, đặc biệt là sự trân trọng với người phụ nữ.
Hiện nay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt có ở nhiều địa phương, nhiều nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, Đạo Mẫu và Hầu đồng, bên cạnh những giá trị kể trên, tùy từng thời kỳ cũng thể hiện những khía cạnh phản giá trị; Lợi dụng Đạo Mẫu và Hầu đồng để mưu cầu lợi ích cá nhân và làm giàu bất chính. Tính phân tán tản mạn, tùy tiện trong thực hành nghi lễ đang là thực tế nhức nhối của Đạo Mẫu trong xã hội hiện nay. Có một thực tế là tình trạng thương mại hóa, sân khấu hóa, làm sai lệch nghi lễ hầu đồng đã diễn ra.
Ảnh: Quang Hùng.
Thủ nhang Nguyễn Văn Minh, đền đức thánh Vua bà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Theo nghi thức, người bước chân lên hầu thánh là các thanh đồng, đạo quan, các đồng thầy, người ta chỉ là những người đại diện bước chân lên hầu thánh chứ không mang tính chất lạm dụng về kinh tế. Chính vì thế việc đòi hỏi lễ lạt với chi phí lớn là không đúng theo nguyên tắc hầu thánh”.
Bên cạnh đó, trong nhiều giá hầu, lễ phục, hoa văn trang trí, đồ trang sức trong hầu đồng được hiện đại hóa và sử dụng chưa hợp lý. Điều này khiến cho người xem không thể nhận ra đó là hình ảnh hóa thân của vị thánh nào trong mỗi giá hầu. Để hạn chế điều này, theo anh Võ Văn Nhất, Chủ nhiệm Diễn đàn Hát văn Việt Nam thì: trải qua nhiều thăng trầm nhưng tín ngưỡng Thờ Mẫu vẫn ở trong tâm thức người Việt. Vì thế những giá trị mà cha ông đã để lại cần được bảo tồn. "Mình phải nhìn vào những giá trị mà ngày xưa các cụ đã để lại. Ngày xưa khăn áo hầu đồng, nghi lễ và cách hầu đồng như thế nào thì các cụ đều có những quy chuẩn. Thời gian gần đây điều đó bị biến tướng đi. Do vậy mình phải tìm về những giá trị cốt lõi và gìn giữ nó trước khi tô vẽ thêm màu sắc để nó trở thành mê tín"- anh Nhất nói.
Hồi tưởng lại các nghệ nhân hát văn xưa, ông Vũ Ngọc Châu- nghệ nhân hát văn cho biết: "Ngày xưa vì sao gọi là "cung văn". "Cung" là cung chúc thánh chứ không phải hát chơi. Trong đền, trong điện, kể cả một hào tôi cũng hát bởi nó thuộc về cái nghiệp. Có người phải học đến 6-8 năm mới dám cầm dàn đi hát. Còn bây giờ, có nhiều cái cũng khó, các cậu cứ mua băng về học, dăm ba người khen hay là thành sao rồi".
Tín ngưỡng thờ Mẫu như một mạch ngầm chảy trong lòng nhân dân nhưng cũng có không ít người lợi dụng hoặc làm sai lệch nó. "Khi tôi hỏi "thế các cậu học của ai", nhiều người bảo rằng "con được nhà ngài mê, báo mộng làm việc này" thì chúng tôi chịu chết. Tới đây tôi không hiểu nghề hát văn sẽ đi đến đâu. Hình như bây giờ họ vừa hát vừa dưỡng thánh. Ngày xưa chúng tôi không thế. Cho cả đàn phím lõm vào và hát cải lương vào là một điều tai hại"- ông Châu nói.
Ảnh: Quang Hùng.
Ông Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa Nghệ Thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: điều quan trọng nhất là việc tuyên truyền đối với đội ngũ những người hành nghề tín ngưỡng thờ Mẫu. Vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng Thờ Mẫu vẫn là cộng đồng, là những người đang thực hành tín ngưỡng- các ông đồng, bà đồng. Người dân cũng cần phải hiểu rõ, tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ có lên đồng mà còn có cả lễ hội, sáng tạo văn chương và cả tình thương của người mẹ. "Mọi biện pháp quản lý có tính chất cực đoan sẽ rất khó bởi tín ngưỡng thờ Mẫu luôn là hiện tượng đi giữa hai "lực": một bên là quá khứ với các vị thánh, một bên là thái độ hiện tại của người dân đẩy nó lên.
Trước kia, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ diễn ra ở đền, phủ và những người hát văn chỉ được hát trong những không gian thiêng đó. Trong thời hiện đại, việc phục dựng để quảng bá tín ngưỡng là cần thiết. Tuy vậy, cần giữ đúng các nghi lễ, nghi thức và không thể mượn tín ngưỡng thờ Mẫu để buôn thần bán thánh./.
(Theo VOV.VN)
Phương Thúy
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/han-che-bien-tuong-trong-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-a7902.html