Yên Định là huyện thuộc vùng trung du tỉnh Thanh Hóa. Theo Quốc lộ 45, Yên Định cách thành phố Thanh Hóa chừng hai mươi tám ki-lô-mét về phía Tây. Thời xa xưa, Yên Định là vùng đất của bốn con sông. Đó là sông Mã, sông Cầu Chày (tên cổ là sông Chùy), sông Mạn Định và sông Nhà Lê. Mỗi mùa lũ về, sông Mã, sông Cầu Chày vẫn còn tràn trề sức sống mãnh liệt. Nó mang đến nguồn phù sa vô tận cho những cánh đồng, cánh bãi. Nhưng đôi khi nó cũng mang đến nỗi kinh hoàng trong giấc mơ đại hồng thủy thời khai sơn lập địa. Sông Mạn Định là sông tự nhiên và sông Nhà Lê (hay kênh Nhà Lê chỉ còn lại trầm tích lưu miên sử sách. Suốt chiều dài 528km, một lần duy nhất đổi dòng của sông Mã lại nằm trên đất Yên Định, do nhà Trần đào nắn từ Đồng Cổ, Đan Nê đến Kẻ Rọi, Yên Phong đã tạo nên một hồ nước mang tên Cựu Mã Giang dài 5,5km, rộng hơn trăm thước chạy qua bốn xã: Yên Thọ, Yên Trung, Yên Bái, Yên Trường. Nhiều người vẫn gọi Cựu Mã Giang là Tây Hồ của Yên Định. Nhìn rộng ra, Yên Định nằm giữa Đông Sơn, Thành Nhà Hồ và Lam Kinh.
Từ văn hoá, khảo cổ, di tích, truyền thuyết đến chính sử đều khẳng định, Yên Định có nhiều cái tự hào. Nhiều cái khởi nguồn, nhiều cái sớm nhất và nhiều cái nhất. Trải qua bao biến thiên thăng trầm lịch sử, nghìn năm Bắc thuộc, có lúc biến vĩ thay đổi từ chữ cái này thành chữ cái khác: An Định hay Yên Định, nhưng cơ bản, hàng nghìn năm vẫn là Yên Định. Tưởng đơn giản nhưng không phải vùng đất nào cũng có được sự bền vững hành chính, niềm tự hào nguồn cội ấy. Sách Địa chí huyện Yên Định ghi rõ “Cương vực huyện Yên Định ngày nay bao gồm đất đai của huyện Quan Yên (thời thuộc Tuỳ), Quân Ninh (thời thuộc Đường), thuộc quận Cửu chân. Trong suốt thời Hán đến Tam Quốc-Lưỡng Tấn, quận trị Cửu Chân đặt tại thành Tư Phố (làng Giàng, Thiệu Dương, Thiệu Hóa)” ( tr171). Một tài liệu khác ghi chép: “Gần hai nghìn năm trước, đây là vùng đất tạo nên các huyện Từ Phố, Võ Biên thuộc quận Cửu chân. Sau đó đổi thành các huyện Quân An, Ninh Duy. Thời thuộc Đường, hợp lại thành huyện Quân Ninh. Đến đời Đại Việt tự chủ, huyện được gọi là An Định rồi Yên Định”. Thời Đinh-Lê, nước Đại Việt, Yên Định vẫn giữ được tên An Định, rồi Yên Định. Thời Lý-Trần, Thanh Hóa có lúc đổi thành Thanh Hoa, thành Phủ, thành Trấn… nhưng Yên Định vẫn là huyện Yên Định. Năm 1242, thời Trần Thái Tông, Đại Việt có 12 bộ. Thanh Hóa đổi thành trấn Thanh Đô có 7 huyện, gồm: Cổ Đằng, Cổ Hoằng, Đông Sơn, Cổ Lôi, Vĩnh Ninh, Lương Giang và Yên Định. Năm 1403, triều Hồ, (Hồ Hán Thương là vua, Hồ Quý Ly là Thái Thượng Hoàng) đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiệu Xương, có 4 châu, 11 huyện. Yên Định vẫn giữ được tên Yên Định. Thời nhà Hậu Lê, Thanh Hóa được đổi thành Thừa tuyên Thanh Hóa, có 6 phủ. Yên Định thuộc phủ Thiệu Thiên. Khi nhà Nguyễn lật nhà Tây Sơn cai trị đất nước, năm Gia Long thứ nhất, Thanh Hóa đổi thành trấn Thanh Hóa. Yên Định vẫn là Yên Định. Đó không đơn giản chỉ là một cái tên. Đó là sức sống, sự bền vững, định hình và khu biệt nhiều mặt địa lý, lịch sử, văn hoá, nhân chủng học tạo nên sự trường tồn của một vùng đất.
Yên Định cũng được khẳng định là chiếc nôi của người Việt cổ, là nơi xuất hiện đồng thời nền Văn minh núi Đọ, nền Văn hóa Sơn Vi và nền Văn minh trống đồng Đông Sơn rực rỡ.
Năm 1978, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại núi Nuông, nằm sát bên tả ngạn Cầu Chày, thuộc xã Định Tiến nhiều công cụ đá cùng thời Núi Đọ. Cũng giai đoạn này, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều hiện vật thời đồ đá cũ tại núi Quan Yên thuộc Định Tiến, Định Công. Từ những phát hiện các địa điểm khảo cổ học, các nhà khảo cổ học đã nghĩ tới mối liên hệ mật thiết thời đại đồ đá cũ cách đây ba bốn mươi vạn năm vùng Đọ - Nuông - Quan Yên. Như vậy Yên Định là một trong chiếc nôi đầu tiên của người Việt cổ sinh sống. Sang đến nền văn hoá Sơn Vi, có niên đại cách đây từ một đến hai vạn năm. Trên các gò, đồi thấp thuộc các xã Yên Lâm, Yên Tâm, Yên Lạc, Yên Thịnh, Yên Phú các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một số công cụ đá ghè đẽo thô sơ mang dấu ấn văn hoá Sơn Vi. Về giai đoạn tiền Đông Sơn và văn hoá Đông Sơn, Yên Định có hai di tích tiêu biểu là khe Tiên Nông, nằm trong núi Nuông và di tích Đan Nê (thuộc xã Yên Thọ). Các di vật được phát hiện ở đây chủ yếu là trống đồng, nồi đồng, vòng tai, khuyên tai. Tiêu biểu như trống đồng Định Công I, trống đồng Định Công II, trống đồng Định Công III, trống đồng Định Công IV. Trống đồng Định Công V, có đường kính lớn 61,5cm, hoa văn ba tầng, rất đẹp. Rồi trống đồng Đan Nê (Yên Thọ). Còn nhiều nơi nữa trên đất Yên Định tìm thấy trống đồng, thạp đồng thời văn hoá Đông Sơn. Cực đông huyện Yên Định là ngã ba Bông, nơi sông Mã phân thủy, một nhánh chảy ra Lèn, một nhánh chảy về Hàm Rồng rồi đổ ra cửa Hới, Sầm Sơn. Đoạn sông từ ngã Ba Bông lên đến Đồng Cổ của Yên Định đã xảy ra hàng trăm trận chiến ác liệt thời Lê - Mạc (1532 -1592).
Cực Tây Yên Định là hồ sen Đa Ngọc xã Yên Giang, (nơi được gọi là Cửu long tranh châu. Các thầy địa lý Trung Quốc coi Hồ Sen Yên Giang là huyệt đất phát đế vương). Yên Giang còn có Mã Cao là căn cứ của Hà Văn Mao, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn) do Đinh Công Tráng (1842-1887) chỉ huy. Yên Giang còn được truyền tụng nhau sự kỳ bí về hố Sao Xỉa. Giữa một vùng đồi, cách không xa sông Hép, có một hồ nước sâu thẳm hàng trăm mét. Các cụ kể rằng, từ xa xưa, có một vì sao rơi xuống đó, tạo nên hồ nước kỳ lạ đó. Tây bắc Yên Định là dãy núi đá vôi trùng điệp Yên Lâm nối với trùng điệp núi non Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Có một hệ thống hang động mang tên Lê Lợi ở nơi này. Truyền thuyết cây đèn Phúc Chí như một minh chứng cho cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi đã gắn chặt với nơi này. Bây giờ, Yên Lâm được ví là bàn tiệc của ngành công nghiệp đá Thanh Hóa. Bao bọc cả miền Tây - Bắc Yên Định là một Nông Trường quân đội, một trăm phần trăm là những người lính miền Nam, vừa giải phóng Điện Biên Phủ 1954, được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập ngày 30 tháng 4 năm 1957, mang tên Nông trường Thống Nhất, Yên Định. Đất nước ta thống nhất đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một sự trùng hợp lạ lùng. Nó như một linh cảm, một tiên tri của Đại tướng.
Nghi thức tế thần Đồng Cổ trong lễ hội đền Đồng Cổ năm 2016.
Hầu như làng nào của Yên Định cũng ghi dấu huyền thoại, truyền thuyết, sự tích, các tầng văn hoá nhiều đời, nhiều dòng họ chồng lớp lên nhau. Anh hùng hào kiệt sinh ra ở đây. Các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử sinh ra ở đây. Các công thần của các triều đại lẫy lừng sinh ra ở đây. Các đền chùa miếu mạo linh thiêng, cổ xưa nhất Việt Nam sinh ra ở đây. Nếu ví Yên Định là một cây cổ thụ thì nhìn vào vân gỗ của cây cổ thụ ấy có thể soi thấu suốt chiều dài lịch sử văn hoá của dân tộc Việt.
Trước hết, nói về các ngôi đền cổ. Ở nước ta có nhiều đền chùa cổ. Đền thờ Ma Xuân Trường ở thành phố Việt Trì Phú Thọ, xây dựng năm 930, nay được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, tính tuổi mới hơn một nghìn năm. Đền Bạch Mã ở Thăng Long, được vua Lý Thái Tổ cho xây năm 1010 thờ thần Long Đỗ. Đến nay, tuổi cũng mới hơn một nghìn năm. Nếu tính cả hệ thống Tháp Chàm Nha Trang, Ninh Thuận, Phú Yên, thánh địa Mỹ Sơn, tháp được xây sớm nhất cũng bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy. Nhưng ở Yên Định có hai ngôi đền tuổi cao gần hai nghìn năm. Theo Linh tích núi Thiên Thai và Lịch sử Đảng bộ xã Yên Thọ năm 1930 - 2010: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương thứ nhất, năm 938 TCN”. Tương truyền, đời vua Hùng Vương thứ nhất (938 TCN), khi nhà vua đi chinh phạt quân giặc Hồ Tôn ở phương Nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao Thôn. Đêm đến, nhà vua chiêm bao thấy có một thần tự xưng là thần miền Khả Lao Thôn xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Khi tỉnh giấc, nhà vua sai quân lính mang trống đồng, dùi đồng cho thần núi Khả Lao Thôn. Quả thực, khi xung trận, tiếng trống đồng vang lên văng vẳng trên không trung khiến quân giặc hồn siêu phách lạc. Thắng trận trở về, vua Hùng cho xây dựng lại miếu thờ. Trải qua nhiều đời vua tôn tạo, xây dựng, miếu thờ thần khả Lao thôn được gọi là đền Đồng Cổ - đền thờ thần Trống Đồng. Hiện nay ở nước ta có bốn đền Đồng Cổ: ngoài đền Đồng Cổ Khả Lao thôn (tức Đan Nê), còn có đền Đồng Cổ, Tây Hồ (Hà Nội), đền Đồng Cổ làng Nguyên Xá (Hà Nội) và đền Đồng Cổ, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Có một điều kỳ diệu là, cả ba đền Đồng Cổ kia đều được sinh ra từ đền Đồng Cổ ở Đan Nê.
Một đền rất cổ sơ nữa là Đền thờ thần Hợp Lang, người con thứ mười một của vua Hùng ở Chân Bái (xã Yên Bái). Theo truyền thuyết, đền được xây ngay từ thời thần Hợp Lang còn sống. Chuyện kể rằng, người con thứ 11 của Long Quân, diện mạo khác thường, trí dũng siêu việt, tính thích nước vui chơi nơi sông nước, có tên kiêng huý là Hợp Lang tước, xưng là tướng văn lạc hầu, chia ở phủ Hoài Hoan. Lạc hầu tính bẩm trời sinh, Long Quân có giặc mệnh sai ông nhậm trị ở giang đầu có thể nổi, chìm đùa chơi nơi sông nước hỏi thăm bến bờ, thời gian đó Lạc hầu bỗng theo dòng sông Mã, tìm đến sông ngòi nước biếc đất linh thiêng, một mình hiện hình đi đến đất Trang Chân Bái ở huyện Yên Định, nhiều lần ngóng 4 phương ngắm phía đông trông phía tây, quan sát trời đất, thấy giao tụ nước biếc linh thiêng, trong lành, hình sông thế núi uyển chuyển với giải đất anh linh trọng yếu. Lạc hầu gọi Cụ già Bản Trang cho xây dựng một ngôi Đền thờ ở bên sông. Công việc xong, Lạc hầu biến về thủy cung (tức ngày 4 tháng 4). Mấy trăm năm sau, khi giặc xâm phạm bờ cõi, Hai Bà Trưng đã vào đền Hổ Bái khấn cầu xin phù hộ. Quả nhiên linh nghiệm. Hai bà đánh giặc. Bà cho quân dân mở hội ăn mừng đúng một tháng (từ mùng chín tháng Hai đến mùng chín tháng Ba âm lịch). Từ đó đến nay, cứ vào dịp mùng Chín tháng Hai (âm lịch), xã Yên Bái lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Hai Bà Trưng. Như vậy, ở Yên Định, hiện còn hai ngôi đền có lịch sử hơn hai nghìn năm tuổi. Ngoài ra, Yên Định còn hàng chục ngôi đền khác như đền thờ thần Cao Sơn (thờ Sơn Tinh) ở Yên Thọ, đền thờ Bạch Hổ Thiên Thần ở Yên Phú, Đền thờ Trương Công Mỹ ở làng Kiểu, Yên Trường…
Yên Định cũng là nơi sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc, có nhiều công lao đóng góp to lớn cho lịch sử oai hùng và tinh hoa văn hóa dân tộc. Định Công - Định Tiến đã sinh ra Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh, những anh hùng chống giặc phương Bắc, thế kỷ thứ ba. Bà Triệu Thị Trinh còn có các tên khác như Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương. Các sách Nam Việt chí, Quảng Châu ký (sách của Trung Quốc viết vào thế kỷ IV, V) đã ghi rõ, Triệu Thị Trinh sinh ngày mùng 2 tháng 10 năm 226 tại Quân Ninh (tức huyện Quan Yên). Đến đời Đường được đổi thành huyện Quân An rồi Quân Ninh (Định Công - Định Tiến huyện Yên Định). Định Thành là nơi sinh ra Khương Công Phụ (731- 805). Theo cuốn tộc phả của họ Khương ở Thạch Thất (Hà Nội), Khương Công Phụ có nguyên quán tại hương Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, huyện Quân Ninh, Ái Châu, quận Nhật Nam (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành). Ông được vua Đường Đức Tông (nhà Đường) cho làm đến chức Tể tướng (780). Người được vua Đường đặc biệt yêu quý, trọng dụng. Bài thơ Bạch vân chiếu xuân hải phú của ông được coi là một kiệt tác văn học chữ Hán. Có người trong giới nghiên cứu văn học sử đánh giá là một tác phẩm mở đầu của nền văn học chữ Hán Việt Nam, là bài sớm nhất trong các bài phú hiện còn của nước ta. Đền thờ Khương Công Phụ ở Định Thành được xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia. Xã Định Tiến sinh ra Đào Cam Mộc, công thần số một đời Lý Thái Tổ. Ông có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua năm 1009 và có công soạn Chiếu dời đô cho Lý Công Uẩn. Thời nhà Lý còn có Định Long sinh ra Ngọ Tư Thành, Định Công sinh Lê Quốc Thực. Đời Nhà Hồ, Định Tăng sinh ra Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh. Thời hậu Lê, Định Hòa sinh ra Ngô Kinh (1350-1433), Ngô Từ (1370-1453). Hai cha con nhà ông Ngô Kinh thuộc nhóm công thần số một của Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh (1418-1428). Định Hòa cũng là nơi sinh Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (1421, con gái Ngô Từ). Bà là mẹ của vua Lê Thánh Tông. Đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao và Phúc quang từ đường của họ Ngô ở Định Hòa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Yên Định cũng là nơi sinh các nhân vật nổi tiếng như Trịnh Thiết Trường, tiến sĩ Trần Ân Chiêm, bảng nhãn Hà Tông Huân. Một nhân vật không ai quên được là Đại vương Lê Đình Kiên. Quê ông ở làng Thiết Đinh, Định Tường. Ông đã có công xây dựng phố Hiến, Hải Dương thành thương cảng sầm uất, được ca ngợi “Thứ nhất kinh kỳ. Thứ nhì phố Hiến”. Đền thờ ông ở làng Thiết Đinh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
(Theo vanhoadoisong.vn)