Bằng chứng lịch sử cho thấy, kinh đô Thăng Long xưa và đồng bằng Bắc Bộ có nuôi nhiều voi để phục vụ cuộc sống con người. Nội thành Hà Nội có núi Voi, ngoại thành có đền Voi Phục nằm ở phía Tây thành Hà Nội là một trong Tứ Trấn của thành Thăng Long hay Đồng Cầu Voi thuộc quận Hai Bà Trưng. Đặc biệt, trong văn bia Dương Võ bi ký đặt ở chùa Phổ Giác (phố Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) dựng tháng 8 năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi mốt (1770) có ghi lại lịch sử ngành tượng binh. Bia ca ngợi công lao giữ nước của voi và của những người xây dựng, tổ chức ngành tượng binh; ghi lại tên các đơn vị trong binh chủng voi, quan tước, tên họ, quê quán của toàn bộ tướng tá thuộc binh chủng voi.
Tượng Vua đi cày bằng voi tại đình Hoàng Xá (Hà Nội) - Ảnh: T.Hiếu
Trong nhiều thế kỷ quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Chămpa, những lần Chiêm Thành triều cống sản vật địa phương đều có voi như một thứ hàng quí giá. Thời Lê - Trịnh, nước ta có binh chủng voi hùng mạnh với gần 300 voi chiến và 147 tướng lĩnh, quản tượng được tổ chức chặt chẽ. Nhiều họa sĩ phương Tây đến nước ta vào thế kỷ 16, 17, 18 đã vẽ lại cảnh sinh hoạt Thăng Long (Kẻ Chợ, Đông Kinh). Chẳng hạn như tranh của 4 họa sĩ Bỉ, Hà Lan, Italia và Manili, voi và ngựa luôn xuất hiện trong các bức tranh của họ. Đặc biệt trong bức tranh miêu tả đám tang của vua Lê, tác giả của bức tranh ấy đã thể hiện một đoàn voi hùng dũng dẫn đầu đoàn người đưa tiễn vị hoàng đế.
Đến thời Nguyễn, bên cạnh số lượng voi đông đúc ở kinh thành Huế, voi chiến vẫn còn được biên chế trong thành Hà Nội để canh giữ thành.
Trong “Hội điển sự lệ” của nội các triều Nguyễn có ghi rõ số voi được biên chế hằng năm cho Bắc Thành (Thăng Long). Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), các cơ, đội ở Bắc Thành, về ngạch voi có 110 thớt. Thời Nguyễn, tên tỉnh thành thường được lấy để đặt cho tên tượng binh, theo đó, Hà Nội có những biền binh mang tên Hà tượng. Lúc ấy Hà tượng có đến 3 đội với 122 nhân viên chăm sóc, luyện tập voi.
Các bức chạm voi ở đình làng Bắc Bộ thường được thể hiện với thủ pháp không gian đồng hiện với những đường nét tinh tế. Có thể thấy hình ảnh con voi sống động với chiếc ngà cong vút, cái vòi vươn cao, dây xích chân voi và cả những chiếc chuông treo trên cổ voi, chiếc bành lắc lư trên lưng voi…
Chính vì vậy, voi là loài vật đã để lại nhiều dấu ấn trên kinh thành Thăng Long, đặc biệt là trong kiến trúc như đình, chùa, cung, điện; trong nghệ thuật trang trí, điêu khắc của dân gian xứ Bắc Hà và chốn cung đình xưa. Voi đá là loại hình nghệ thuật phổ biến được nghệ nhân tài hoa tạo tác đặt tại tiền sảnh, các hành lang của miếu, đình, đền, cung điện. Ở chùa Phổ Giác, ngoài văn bia nói về lịch sử ngành tượng binh, còn có tượng voi đá được tạc rất công phu. Hay ở hành cung Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội) có voi đá, hổ đá. Trong đền thờ Hai Bà Trưng có tượng hai con voi ở hai bên cổng. Đặc biệt các đình làng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng như đình Tây Đằng, đình Chẩy, đình Quang Húc, đình Diềm... đều có các bức phù điêu đặc sắc: người cưỡi voi đuổi hổ, cưỡi voi đánh giặc, người cưỡi voi trẩy hội, voi chầu, voi lồng... Đó thực sự là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị mà các nghệ nhân dân gian đất kinh kỳ xưa dành để trang trí trên hệ thống ván long, bức cốn, vì kèo...
Phù điêu Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi- hiện vật của Bảo tàng Hà Nội.
Đình Hoàng Xá (Hà Nội) có nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo, trong đó có 3 bức phù điêu người cưỡi voi chạm khắc trên cốn và 1 bức phù điêu mang chủ đề vua đi cày bằng voi. Đình Đoàn Xá, đình Giẻ Hạ (Hà Nội) đều có phù điêu người cưỡi voi chạm khắc trên cốn. Và có lẽ độc đáo nhất là bức chạm Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trên đình Kim Hoàng (Hà Nội). Thật thú vị khi chiêm ngưỡng bức chạm đua voi ở đền thờ Nghè Giám (Hải Dương). Trên bức chạm này thể hiện hai chú voi đang đua, khí thế cuộc đua trông thấy rõ khi các nài voi đang lấy dùi thúc trên đầu voi để chúng chạy cho nhanh. Bức chạm này đã được phục chế bằng chất liệu thạch cao đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Con voi, loài vật huyền bí, chẳng những để lại dấu ấn văn hóa của các tộc người Tây Nguyên mà từ lâu đã in sâu trong tâm thức người Việt làm nên một giá trị đặc sắc trong nghệ thuật. Dấu ấn chạm khắc hình tượng con voi ở các đình, chùa đã tạo nên giá trị đặc sắc cho di sản, văn vật của kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.
(Theo Báo Đắk Lắk)