Thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) vừa đón Bằng công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đối với chùa Cảnh Phước (trước có tên là chùa Cao Đôi). Theo các tài liệu, thư tịch cổ và một số sắc phong thời nhà Nguyễn còn lưu tại chùa Cảnh Phước, chùa được hình thành sau khi thành lập làng Cao Đôi (từ Mũi Né đến chân đèo Phước Tượng).
Ông Võ Đức Xuân - Trưởng Ban trị sự chùa Cảnh Phước bên sắc phong của vua Bảo Đại
Làng Cao Đôi là làng cổ xứ Thuận Hóa, ra đời sau khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân, vua Chăm đã trao hai châu Ô và Lý (Rí) cho Đại Việt làm sính lễ. Năm 1307, nhà Trần đổi hai châu này thành châu Thuận, châu Hóa, đồng thời có chính sách di dân từ miền Bắc vào. Làng Cao Đôi được thành lập vào những năm giữa thế kỷ 15 trong đợt di dân đầu tiên của người Việt vào phía Nam, kéo theo những công trình kiến trúc của cộng đồng xuất hiện như: đình, chùa, đền, miếu... và chùa làng Cao Đôi ra đời từ đó, là điểm tựa tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Giữa thế kỷ 17, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, do đông dân nên làng Cao Đôi chia thành 3 làng; gồm: Cao Đôi xã, Cao Đôi sách và Cao Đôi ấp, trong đó Cao Đôi xã là làng trung tâm, Cao Đôi sách nằm ven chân núi Bạch Mã còn Cao Đôi ấp là làng nhỏ nằm dọc theo khu vực sông Cầu Hai. Cũng trong thời kỳ này, do kiêng tên húy của vợ chúa Nguyễn Phúc Tần là bà Tống Thị Đôi nên làng Cao Đôi được đổi tên thành làng Cao Hai, theo nghĩa thuần Việt thì “đôi” cũng là “hai”. Địa danh Cầu Hai là trong thời kỳ Pháp thuộc, khi lập bản đồ, phiên âm chữ Quốc ngữ bị ghi nhầm Cao Hai thành Cầu Hai và từ đó đến nay Cầu Hai là tên gọi phổ biến mà người dân hay dùng mỗi khi nhắc đến vùng đất này.
Chùa làng Cao Đôi được làm theo kiểu nhà rường một gian hai chái, với bộ khung gỗ theo kiểu thức truyền thống “thượng trến hạ xuyên, giao nguyên trụ đội”, hệ thống cột, kèo, xuyên, trến làm bằng gỗ (thượng chua hạ mít)… liên kết với nhau bằng các mộng rất chắc chắn. Tổng thể ngôi chùa được chia làm hai phần, phía trước là Tiền đường và phía sau là Hậu điện.
Về phong cách thờ tự, dù trải qua thời gian dài nhưng vẫn giữ nguyên motip miền Bắc. Chánh điện được chia làm 3 án thờ, án giữa thờ đức Phật, các vị hộ pháp và cả Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai án thờ hai bên thờ Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và các vị khai khẩn, khai canh của làng. Ngoài ra, còn có các án thờ Đạt Ma Sư Tổ, án thờ những vị không nơi nương tựa được bà con phương xa gửi gắm. Một nét đặc trưng riêng và khá hiếm là chùa có am thờ Thiên Y A Na, được dựng trong khuôn viên chùa.
Sắc phong và bức Đại tự được vua Bảo Đại ngự ban
Năm 1924 (Khải Định năm thứ 9), chùa được trùng tu lớn. Tên chùa Cảnh Phước chính thức được sử dụng vào năm Bảo Đại thứ 14 (1941) khi nhà vua ban bức đại tự sơn son thếp vàng:“Sắc tứ Cảnh Phước Tự”, hiện được treo ở gian giữa của chùa. Có Sắc tứ vua ban nghĩa là chùa được triều đình công nhận, xếp vào diện được quan tâm của nhà nước phong kiến thời Nguyễn.
Theo ông Võ Huế, nguyên Trưởng Ban Trị sự chùa Cảnh Phước, từ khi thành lập đến nay, chùa Cảnh Phước không có vị sư nào trụ trì mà do dân làng tự đứng ra lo liệu tổ chức và quản lý. Người được phân công quản lý và xây dựng do dân làng bầu ra, còn gọi là Ban trị sự chùa, được truyền từ đời này đến đời khác. Do đặc điểm này mà chùa Cảnh Phước còn gọi là “chùa làng” - chùa do dân làng lập ra, mọi thờ tự và tín ngưỡng do Ban trị sự chùa đảm nhận chứ không có vị sư trụ trì như những ngôi chùa thuộc hệ thống giáo hội Phật giáo.
Chùa Cảnh Phước đến nay đã trải qua 4 đợt trùng tu vào các năm: 1924, 1941 và gần đây là vào các năm 2011, 2012, chùa được tu sửa, xây dựng tiền đường, bình phong, cổng và hệ thống la thành bao quanh... Qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống ban đầu.
Ngoài những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc, chùa Cảnh Phước còn lưu giữ những hiện vật vô cùng quý giá, đó là các bộ tượng thờ tự mang phong cách của cư dân miền Bắc và những tư liệu văn bản Hán - Nôm quý như: 5 sắc phong, bức hoành phi được vua ban, văn chuông, văn bia, câu đối… Đây là những cứ liệu lịch sử quý giá trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất, cư dân Cầu Hai, Phú Lộc xưa.
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)