Những giờ lao động mệt nhọc dường như tan biến khi đâu đó vọng lên những lời ca tiếng hát ngọt ngào rất đỗi quen thuộc, từng giai điệu phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của người dân quê chân chất, thật thà.
Hiện trên địa bàn huyện Ðầm Dơi có 88 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, sinh hoạt đều khắp ở 16 xã, thị trấn, với 1.168 thành viên. Nhiều CLB duy trì sinh hoạt hằng tháng, còn lại sinh hoạt quý, ngày lễ, Tết hoặc lồng ghép những buổi tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…
Ðầu năm đến nay, các CLB đờn ca tài tử các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức 28 buổi giao lưu với các CLB đờn ca tài tử trong huyện, phục vụ trên 2.500 lượt người xem.
Tiết mục khai mạc Liên hoan Ðờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau lần thứ VII, tổ chức tại huyện Ðầm Dơi.
Mỗi CLB có từ 7 - 30 thành viên, là những người yêu thích bộ môn này và đa số ở độ tuổi trung niên. Có những nghệ nhân tự sáng tác, tự ca và tự đàn. Nội dung các bài hát ca ngợi về Ðảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người, sự đổi thay của quê hương Ðầm Dơi, những việc làm, cuộc sống giản dị của người dân vùng sông nước Ðầm Dơi…
Nghệ nhân Ðặng Thanh Hồng, ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng, bộc bạch: “Muốn phát triển, bảo tồn và phát huy loại hình đờn ca tài tử này, chính quyền, ngành chuyên môn phải có sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần. Ðồng thời, mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo phát triển tài năng".
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, là niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Nhiều CLB đờn ca tài tử ở Ðầm Dơi ra đời ngoài phục vụ nhu cầu đời sống, còn phát huy truyền thống văn hoá dân tộc.
Ông Ðặng Lâm Triều, Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Hiệu quả nhất là cách truyền nghề từ cha truyền cho con, ông bà truyền lại cho con cháu, hoặc đưa loại hình đờn ca tài tử này vào học đường. Bên cạnh đó, chúng ta phải tổ chức nhiều hơn các buổi giao lưu đờn ca tài tử giữa xã này với xã khác, giữa ấp này với ấp khác, từ đó sẽ tạo được phong trào. Thông qua đó, các nghệ nhân sẽ học hỏi lẫn nhau thì phong trào mới phát triển”.
Nhằm giúp các nghệ nhân có dịp để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, vừa qua, Sở VH - TT&DL phối hợp với UBND huyện Ðầm Dơi tổ chức Liên hoan Ðờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau lần thứ VII tại huyện Ðầm Dơi, với chủ đề "Giai điệu mũi đất Phương Nam".
Liên hoan lần này có 9 đội đờn ca tài tử đến từ 9 huyện và TP Cà Mau, với trên 100 diễn viên, nghệ nhân, nhạc công tham gia (54 tiết mục). Các tiết mục của chương trình ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, truyền thống đấu tranh cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bà Phan Thị Nga, ấp Tân Long B, xã Tân Dân, phấn khởi cho biết: "Nói về đờn ca tài tử thì bản thân rất thích và đam mê từ nhỏ. Khi mình đi ca hay đi sinh hoạt, thấy tinh thần thoải mái hơn”.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Liên hoan lần này là cuộc trùng phùng, hội ngộ của các nghệ sĩ dân gian với tràn ngập niềm vui, niềm tự hào của những người lao động sáng tạo nghệ thuật. Qua đó, các thành viên liên kết với nhau đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh nhà ngày càng toả sáng"./.
(Theo Báo Cà Mau)