Văn hoá biển đảo đa dạng và dày dặn
Kho tàng di sản văn hoá biển đảo của Việt Nam rất dày dặn và đa dạng trải dài dọc 3.260km bờ biển với trên dưới 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, di sản văn hoá vật thể là hàng loạt các di chỉ cư trú, sinh hoạt của cư dân thời Tiền sử, với những đặc trưng có thể khái quát thành những nền văn hoá như: Hạ Long, Bàu Tró, Sa Huỳnh… Ở những giai đoạn tiếp theo, bên cạnh những di tích phản ánh cuộc sống hàng ngày của người dân, còn được lưu giữ trong các vạn chài truyền thống, di tích về các thương cảng cổ là những di sản vô cùng đặc sắc như: Vân Ðồn (Quảng Ninh), Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Ðịnh), Óc Eo (An Giang)… Ðây không chỉ là những di sản quý báu, có giá trị khoa học, văn hoá, kinh tế cao mà còn có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền Quốc gia.
Trong những năm gần đây, khi vùng biển đảo Việt Nam bị xâm phạm, việc sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền được triển khai tích cực, chúng ta càng nhận ra giá trị của các loại hình tư liệu phản ánh chủ quyền trên biển và với hải đảo như các loại bản đồ, hải đồ, các bộ sách sử, châu bản, mộc bản triều Nguyễn… Một khối tư liệu có vị trí đặc biệt quan trọng với vô số tài liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam trên biển Ðông và đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong các di sản phi vật thể, lễ hội là một sáng tạo văn hoá đặc sắc, không chỉ phản ánh sinh động cuộc sống của cư dân biển đảo, thể hiện cuộc sống đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên khắc nghiệt, bảo vệ chủ quyền Quốc gia thiêng liêng như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của nhân dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Lễ nghi ông gắn với tục thờ cá Ông, Lễ cầu ngư - Thần Nam Hải, lễ chọi trâu Ðồ Sơn (Hải Phòng)...
Có thể nói, di sản văn hoá biển đảo là một phần không thể thiếu tạo nên sự đa dạng sắc màu của nền văn hoá Việt Nam. Tuy phong phú và quan trọng là vậy nhưng đến nay việc bảo tồn, bảo vệ và phát huy những giá trị ấy vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, mấy thập niên trở lại đây, chủ quyền biển Ðông và hai quần đảo xa bờ của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa còn trở thành đối tượng nhòm ngó và tranh chấp. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn di sản văn hoá biển trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Quan tâm chưa xứng với tiềm năng di sản
Có một thực tế là những năm gần đây, vì nhiều lý do việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá biển đảo chưa được trú trọng. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ: Chúng ta chưa có một chương trình sưu tầm, thu thập tư liệu, nghiên cứu một cách hệ thống về di sản văn hoá biển đảo, việc nghiên cứu manh mún, tự phát hoặc phó mặc cho địa phương. Một số di sản, tư liệu rất có giá trị nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Theo TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, công tác bảo vệ di sản văn hóa biển đảo còn bị “lãng quên và buông lỏng”. Ở Cái Bèo (Cát Bà, Hải Phòng), chùa Lấm (Vân Ðồn, Quảng Ninh) hiện không biết còn bao nhiêu dấu tích di chỉ và chưa có đợt khảo sát nào lớn, nên diện mạo văn hoá và lịch sử của các thời đại này nói chung vẫn chưa rõ nét và cũng không rõ sự quan tâm, bảo vệ của địa phương ra sao. Qua đó, cho thấy nhận thức của chúng ta còn lờ mờ, những định hướng mang tầm vĩ mô của các nhà hoạch định chính sách còn chưa có sự chuẩn xác. Việt Nam cần có một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về di sản biển để thực hiện công tác nghiên cứu tập trung và chuyên sâu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển giá trị những tài nguyên biển đảo trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.
Ðẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo
Phát triển du lịch biển đảo là xu thế tất yếu góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển và hải đảo, đảm bảo tương lai phát triển lâu dài của du lịch biển đảo với vai trò là ngành kinh tế biển quan trọng. PGS. TS Ðặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận định, di sản văn hóa biển đảo chính là minh chứng lịch sử, là “cột mốc văn hóa” góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, quyền chiếm lĩnh, khai thác và quản lý vùng biển đảo của đất nước. Việc này có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động phát triển du lịch biển đảo - vốn là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là động lực tăng cường bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền của Việt Nam.
Hiện chúng ta chưa có những khu du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc tế. Hệ thống các khu du lịch quốc gia chuyên đề biển đảo chưa hình thành rõ nét. Thu nhập du lịch biển đảo chỉ đứng ở mức trung bình trong các ngành kinh tế biển. Việc khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái trên các đảo ven bờ cho phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là tại những vùng đặc thù trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc phòng. Theo TS. Nguyễn Văn Lưu (Bộ VHTTDL), cần đặc biệt quan tâm đến việc phát triển du lịch ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhận thức phát triển du lịch biển đảo không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ sở vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và bảo tồn di sản văn hoá biển đảo Việt Nam.
Theo Làng Việt Online
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-ton-di-san-van-hoa-bien-dao-a779.html