Sức sống mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.
Hầu hết khoảng các vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa
Theo GS.TSKH Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu có bốn vấn đề gắn với cộng đồng. Một là tín ngưỡng thờ Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ; hai là mang cho con người sống ở trên đời này ba điều: Phúc - Lộc - Thọ, đó là những ước muốn vĩnh hằng của con người. Ba là, thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết các vị thần (khoảng 50 vị) mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa, ví dụ như Đức Thánh Trần trong tín ngưỡng thờ Mẫu chính là Trần Hưng Đạo. Bốn là, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa, thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Đây là ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam. Trong số khoảng 50 vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ thì có tới hơn chục vị thần là người dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy, ngay từ rất sớm, người Việt Nam đã ý thức được vấn đề hòa nhập văn hóa. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là vấn đề của cả nhân loại, cả thế giới đang kêu gọi”- GS Ngô Đức Thịnh khẳng định.
Bởi ý nghĩa tốt đẹp đó, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ trong đời sống nhân dân. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên phạm vi cả nước có khoảng 7.000 đền, phủ (chưa kể các điện thờ tư nhân) liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tuy nhiên, do Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương cho nên xuất hiện việc biến đổi, không thống nhất trong thực hành tín ngưỡng, thậm chí, có những sai lệch, biến tướng mà theo các nhà nghiên cứu, cần điều chỉnh và loại bỏ.
Cần nhận thức đúng về Hầu đồng, Hát văn
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Hầu đồng, Hát văn chỉ là một nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Bỏ qua yếu tố tiêu cực, hầu đồng, Hát Văn là hai di sản có giá trị quý báu của Việt Nam. “Nghệ thuật Hát văn, Hầu đồng là tổng hợp của nghi thức thờ Mẫu. Chưa nói đến Hầu đồng, riêng giá trị nghệ thuật Hát văn đã là một di sản rất độc đáo, việc bảo vệ di sản này cần được khuyến khích nhưng mặt trái là một số người lợi dụng thực hành tín ngưỡng để vụ lợi, kiếm tiền”- GS Ngô Đức Thịnh nhận định.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức thu hút rất lớn đối với cộng đồng
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Ủy viên thư ký Ban Xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: Hát văn cũng như Lên đồng chỉ là một nghi lễ thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu. Việt Nam làm hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” thể hiện quan điểm nhất quán về một tập tục thờ cúng Mẫu của người Việt bao gồm nhiều yếu tố tín ngưỡng, nghi lễ, văn hóa truyền thống ở trong đó. Điều quan trọng là chúng ta nhấn mạnh đến những bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, được trao truyền, kế tục giữa các thế hệ. Ở đây, không chỉ có Lên đồng, mà còn có cả lễ hội, cả việc đi lễ và cả một hệ thống tri thức, văn hóa truyền thống của người Việt hội tụ trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho hay, sau khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ có phương hướng bảo tồn riêng. Đó là không chỉ hướng tới tổ chức các Liên hoan hầu thánh, tách nghi lễ ra khỏi bối cảnh của điện thờ Mẫu, mà sẽ hướng tới việc khôi phục những yếu tố lễ hội bị mai một, tiếp tục tư liệu hóa những loại hình của di sản như hát văn, âm nhạc, tiếp tục hoàn thiện danh mục kiểm kê về các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Viện mong muốn có những biện pháp tích cực hơn nữa nhằm tôn vinh các nghệ nhân hát văn, hiểu thân phận và chức năng của những ông, bà đồng trong việc thực hành nghi lễ lên đồng và vai trò tích cực của các thành viên cộng đồng, của các thủ nhang đồng đền tổ chức lễ hội truyền thống tôn vinh các vị thánh của thần điện Mẫu.
Cùng quan điểm, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc cần thiết là nghiên cứu, tìm hiểu, khôi phục lại những làn điệu Hát văn đã thất truyền, đưa vào phục vụ đời sống. Bên cạnh đó, phải nhận diện, kiên quyết loại bỏ những sai lệch những “trò lố lăng”, sai với tín ngưỡng trong Hầu đồng. “Trước đây, một số trò lố lăng mà người dân không biết, đã thực hiện làm biến tướng Hầu đồng. Giờ đây, những điều đó đã được loại bỏ, nhưng nguy cơ vẫn còn, vì vậy phải chuẩn bị một sự hiểu biết, một lực lượng nghiên cứu tốt, sự nhận thức của người dân không tốt thì sẽ bị lợi dụng để làm sai lệch tín ngưỡng”- GS Ngô Đức Thịnh nhận định./.
(Theo Báo Tổ Quốc)