Hát Chầu văn bắt đầu từ một tín ngưỡng dân gian xa xưa, khi con người tin vào sự có mặt của các thần thánh, chư tiên hầu hạ Ngọc Hoàng Thượng đế - Người sáng lập ra trời đất. Họ chia thế gian làm 3 giới: Thiên đình, Âm phủ và Thủy phủ. Mỗi giới đều có vị thần riêng. Nhiệm vụ của các thần ấy là che chở cho loài người chống lại mọi sự quấy nhiễu của yêu quái.
Việc liên hệ thường xuyên giữa "người trần" với các vị thần ấy phải thông qua các nhân vật trung gian như đạo sĩ, phù thuỷ, các ông đồng, bà cốt. Từ những nhân vật trung gian này “đẻ” ra các "con công đệ tử", các điện thờ. Có nơi ngồi đồng hầu bóng là một tốp vài người, có nơi chỉ có một người và từ đó hình thành nên một loại diễn xướng khá phức tạp nhưng phong phú, mà ca nhạc đóng một vai trò quan trọng. Đó là lối hát Chầu văn. Có vùng còn gọi là Hầu văn (Trung bộ), hát bóng (Nam bộ). Hát Chầu văn rất chú trọng đến cung văn. Cung văn là một người vừa đàn giỏi hát hay, vừa là một thầy cúng chuyên nghiệp thuộc nhiều làn điệu và bài văn. Phụ họạ cho cung văn có nơi còn thêm người đánh thanh la, trống phách…
Một thanh đồng đang biểu diễn chầu văn - Ảnh: Hoàng Anh
Từ đời Lê, Lý, Trần rồi những năm 20 đến 40 của thế kỷ vừa qua, là thời kỳ thịnh vượng của hát Chầu văn - bởi đó là những năm "Đồng, Đình, Đắt, Đám". Đi kèm với hát Chầu văn phải kể đến múa thiêng với "khăn chầu, áo ngự" theo từng nhân vật. Người lên đồng đóng vai những thần thánh với đầy đủ cá tính, nhất là khi được thăng hoa về mặt hưng phấn. Họ hát lên ở trong lòng và dồn ra những động tác múa - với những động tác cách điệu, ước lệ: múa kiếm, múa nón, múa khăn, múa chèo đò… trong các bài “Quan Giáng”, “Ông Hoàng Mười”, “Cô Bơ”…
Lời trong hát Chầu văn hầu hết là ca ngợi các vị thần thánh, các ông hoàng, bà chúa theo thể thơ lục bát (6/8) hoặc song thất lục bát (7-7/6-8), hay thể thơ 7 từ, 4 từ. Trong khi hát có thêm các tiếng đệm như “i”, “a” hoặc điệp lại lời. Ông quan nào, ông hoàng nào, cô nào, cậu nào đều có riêng bài bản nấy. Người trong giới khi nghe không thể lẫn vào đâu được".
Trong hát Chầu văn miền Bắc có nhiều điệu như: dọc, cờn, xá, phú, nhịp 1, chèo đò... Ở miền Trung có các điệu như: Đằng, Thải, Tẩu, Rơi, sắp long lanh... Lối hát bóng ở miền Nam cũng mang đặc điểm và quy luật của phong cách hát Chầu văn miền Bắc và miền Trung, một số điệu có chịu ảnh hưởng của hát Bội với các hơi Đào, hơi Nam...
Trong thời kỳ cải lương phát triển ở Hà Nội những năm đầu của thế kỷ XX, Chầu văn còn thu nhập cả điệu "xang xừ líu" và một số điệu khác theo thị hiếu lúc bấy giờ. Ngoài giọng hát thì cây đàn Nguyệt đóng một vai trò chủ đạo, có nơi còn thêm đàn Cò (Nhị) và bộ gõ để diễn tả sự dồn dập, vui tươi, bổng trầm, khoan nhặt...
Loại trừ hủ tục "lên đồng", lợi dụng nó để mê hoặc lòng người, chúng ta "gạn đục khơi trong" của thể ca nhạc cổ truyền này để phục vụ đắc lực cho đông đảo quần chúng yêu thích khi một nội dung lành mạnh đáp ứng những yêu cầu và tình cảm mới của thời đại. Điều đó mấy chục năm qua ở các địa phương trên miền Bắc cũng như ở các tỉnh miền Nam sau ngày giải phóng cũng đã đổi mới để phát huy hiệu quả của thể loại này - bằng cả hát và múa - trong sinh hoạt văn nghệ quần chúng, cũng như trong các chương trình biểu diễn trên sâu khấu chuyên nghiệp.
Những năm 60 của thế kỷ vừa qua, nhiều đoàn nghệ thuật đã dàn dựng nhiều tiết mục hát Chầu văn. Khá nhiều giọng hát Chầu văn có phong cách biểu diễn mới, có lối hát hấp dẫn mượt mà đã chiếm được cảm tình của khán giả cũng như thính giả như: Kim Liên, Thế Tuyền, Bạch Phượng, Thanh Hoài, Minh Phúc, Thái Hùng, Hoàng Thanh, Trung Sinh... trong đó có nhiều người đã được Nhà nước ghi nhận và khen tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
NSND Kim Liên ở đoàn chèo Nam Định, sau những dịp sang biểu diễn ở Paris (Pháp) cũng như một số nước khác về cho biết: Các bạn quốc tế cũng rất thích lối hát Chầu văn của Việt Nam, đặc biệt là những người Việt Kiều ở xa Tổ quốc khi nghe hát đã như gợi nhớ những kỷ niệm không phai nơi quê hương xứ sở và rất vui khi được thưởng thức lại những món ăn tinh thần cổ truyền của dân tộc.
Từ việc chỉ phục vụ trong các điện miếu với đối tượng "lên đồng", ngày nay các làn điệu hát Chầu văn đã được khai thác phát huy trong cuộc sống mới. Bên cạnh giữ nguyên lời cổ, còn có lời hát mang nội dung mới, phục vụ rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, góp phần "khơi nguồn" trong toàn bộ nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú đa dạng. Tín ngưỡng thờ đạo Mẫu (trong đó có múa hát Chầu văn) vừa được quốc tế công nhận là di sản của thế giới - niềm tự hào của dân tộc ta./.
(Theo VOV.VN)