Thơ mộng, trữ tình là di sản văn hóa Cố đô Huế

Trong gần 400 năm (1558 - 1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn.

Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng. Với một di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới.

Hiện tại, Cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
 

 
Lăng Tự Đức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ.



Lăng Minh Mạng uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa rừng núi được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ.



Toàn cảnh Kinh Thành Huế là tòa thành nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm từ 1805 đến 1945. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.



Cửu Đỉnh đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn.



Hệ thống hành lang, dực lang trong Tử Cấm thành, Đại Nội - Huế giờ đây là nơi tổ chức trưng bày triển lãm ảnh, các sưu tập về triều Nguyễn, tạo nên không gian hết sức có ý nghĩa và thu hút du khách.



Miếu môn, cổng vào các khu vực miếu thờ trong Đại nội nằm bên trái Ngọ môn.



Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế là lăng mộ của vua Khải Định, vị vua thứ của triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1920 ngay sau khi Khải Định lên ngôi.

 
(Theo langvietonline.vn)

Minh Đức

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tho-mong-tru-tinh-la-di-san-van-hoa-co-do-hue-a7616.html