Chùa Vĩnh Tràng hay còn gọi là chùa Vĩnh Trường có một lịch sử xây dựng nhiều thăng trầm và trải qua nhiều đời thay đổi, tôn tạo. Theo sử sách ghi chép, ông bà huyện Bùi Công Đạt làm quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840), sau khi hưu trí đã về đây cất am để tu hành. Ban đầu chùa Vĩnh Trường mới chỉ là một cái am nhỏ, mái lá vách đất, quang cảnh hoang vu.
Năm 1849, hòa thượng Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì và khởi tạo xây chùa. Ngoài việc lo kinh kệ, ngài Huệ Đăng còn gánh đất đắp nền cùng với nhiều đạo hữu đến giúp. Trải qua nhiều đời truyền thừa, chùa Vĩnh Tràng ngày càng rộng lớn, uy nghiêm.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, do nhiều người thiết kế trải qua nhiều năm, thể hiện rõ sự giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm). Tuy nhiên, kiểu kiến trúc điêu khắc cốt lõi vẫn mang đậm nét truyền thống Việt Nam. Chùa được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 14.000m², theo dạng chữ Quốc của Hán tự, gồm bốn gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu) dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc.
Điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất khi đến đây là kiến trúc của ngôi chùa này. Nhìn từ xa, quần thể ngôi chùa vừa có nét đền Angkor Wat của Campuchia, và có nét giống một ngôi nhà cổ của Pháp. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản... chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ lại viết theo lối chữ Gô - tích.
Trước chùa có hai cổng tam quan kiểu võ khá quy mô, tráng lệ, xây theo kiểu cổ lầu, do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933. Nét độc đáo của cổng tam quan này thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành sứ có giá trị (sứ Trung Hoa, Việt Nam) minh họa lịch sử nhà Phật, in hình long, lân, quy, phượng, canh, mục, ngư, tiều, mấy câu đối cũng cẩn bằng miếng chai nổi màu sắc óng ánh trông rất đẹp.
Trên cổng phía Đông có bức hoành phi được điêu khắc tinh xảo với bốn chữ “Tịnh độ huyền môn” và hai câu đối ghi nhớ công lao ngài Chánh Hậu. Cổng phía Tây cũng có bức hoành phi được cẩn sành sứ với bốn chữ “Phương tiện pháp môn” và các câu đối. Trên cổ lầu còn nhiều câu đối khác cũng được chạm trổ công phu.
Cổng giữa của tam quan làm bằng sắt theo kiểu Pháp tạo nên một kiến trúc đa màu sắc và nhiều góc cạnh. Khác với các ngôi chùa khác ở Việt Nam, cổng tam quan giữa thường lớn và đồ sộ hơn hai cổng bên nhưng cổng ngôi chùa Vĩnh Tràng rất nhỏ và chỉ mở vào những dịp lễ lớn của chùa và giáo hội.
Phía sau chánh điện là nhà tổ được nối với hành lang Đông và Tây liền nhau theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được phong cách của Việt Nam. Giữa không gian trống của phía sau chánh điện và nhà tổ còn có một hòn non bộ phác họa cảnh núi non chùa tháp, thiên nhiên hữu tình mang đậm bản sắc Việt Nam. Mặt sau nhà hậu tổ và mặt trước của nhà tịnh trù lại có kiến trúc mái ngói bằng gạch của những ngôi nhà cổ Việt Nam nhưng với vòm cong mang đậm nét kiến trúc của Pháp. Đây là nét độc đáo làm cho ngôi chùa dù mang kiến trúc kết hợp Đông - Tây nhưng vẫn rất Việt Nam.
Chính điện được bài trí trang nghiêm, với vẻ trầm mặc quyện tỏa khói hương tạo nên sự thiêng liêng mầu nhiệm. Trên ban thờ có nhiều pho tượng như Đức Phật Thích Ca được làm bằng gỗ mít (có người cho rằng đó là tượng Phật Trung Tôn) được ngự giữa chính điện, đây là tượng Phật chính của ngôi chùa. Lớp dưới có bộ tượng Di Đà Tam tôn (Đức Phật A Di Đà cao 98cm, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí cao 93cm ), đây là bộ tượng cổ nhất ở chùa được đức bằng đồng vào giữa thế kỷ XIX.
Điều đáng chú ý nhất là bộ tượng Thập bát La Hán. Đây là những tác phẩm chạm khắc bằng gỗ độc đáo, mà một số nghệ nhân ở Nam bộ đã tạo vào năm 1907, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối 0,58m được, mỗi vị La Hán có bửu bối riêng của mình tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý gọi là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; ở ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Các tượng La Hán này được tạo hình cân đối, sinh động, cưỡi trên những con thú như: trâu, bò, ngựa, lạc đà, hà mã, tê giác… Dù đã có lần tôi nghe về bộ tượng Thập bát La Hán bằng gỗ của chùa Vĩnh Tràng nhưng mãi đến hôm nay, khi đứng trước ngôi chùa này tôi mới cảm phục trí tuệ tài hoa và đôi tay khéo léo của người xưa đã để lại một công trình có một không hai.
Đến chùa Vĩnh Tràng hành hương, du khách được dịp thể hiện lòng thành kính trước hơn 60 bức tượng Phật đặc sắc được làm bằng gỗ, đồng hoặc đất nung… vô cùng uy nghiêm, tráng lệ.
Là một công trình mỹ thuật độc đáo, chùa Vĩnh Tràng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và là “Ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây”. Vào những ngày rằm, mồng một chùa Vĩnh Tràng lúc nào cũng có đông đảo người dân ở nhiều nơi đến hành hương. Người dân đến đây không chỉ để ngắm một ngôi chùa lớn, mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, an tịnh.
(Theo baodulich.net.vn)