18/11/2016 07:47
18/11/2016 07:47
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Những huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích về công cuộc dựng nước và giữ nước, những sự kiện, nhân vật, chiến công lịch sử oai hùng và bi tráng vẫn luôn sống mãi trong tâm thức của người tỉnh Thanh. Truyền thống đó được hun đúc, khơi dậy đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng, tiềm năng của vùng quê “địa linh nhân kiệt” trong công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều quyết định, chỉ thị về bảo tồn và phát huy giá trị vốn văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Pháp lệnh “Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh” năm 1984, Luật Di sản văn hóa năm 2001, Nghị định của Chính phủ năm 2002 nhiều vốn văn hóa vật thể phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi phát huy tác dụng trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau khi có Pháp lệnh số 14, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, đến nay tỉnh đã thống kê, phân loại được 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh thắng trong đó có 145 di tích công nhận quốc gia và 658 di tích cấp tỉnh. Nhiều bản sắc phong, câu đối, bản dập văn bia, thần phả, gia phả được sưu tầm, biên dịch. Ngành văn hóa đã tích cực chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của di sản văn hóa để mọi cấp, mọi ngành, mọi người biết trân trọng, gìn giữ. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các phòng, trung tâm văn hóa, cán bộ văn hóa xã, phường về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được duy trì hàng năm. Việc lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng, xếp loại di tích bảo đảm quy trình, quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ, của tỉnh. Việc sưu tầm vốn dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn của các tộc người luôn được chú trọng. Nhiều lễ hội lịch sử, văn hóa, dân gian được bảo lưu, khôi phục và tổ chức trang trọng theo quy chế lễ hội đã ngăn ngừa được các hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh. Các lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân như lễ hội đền Quang Trung, đền Bà Triệu, đền Sòng, đền Lê Hoàn, cầu Ngư, đền Độc Cước, Lam Kinh... Các điểm di tích đều có ban quản lý, các lễ hội đều thành lập ban tổ chức nên mọi hoạt động đều đảm bảo quy củ, nền nếp.
Việc tu bổ, tôn tạo di tích bảo đảm đầy đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên đã không làm méo mó, biến dạng di tích. Các di tích đền thờ Bà Triệu, Lê Hoàn, Đồng Cổ, Dương Đình Nghệ, Lam Kinh... được tu bổ khang trang ngày càng cuốn hút nhiều du khách ở các vùng miền trong và ngoài tỉnh tham quan nhất là dịp tổ chức lễ hội.
Bên cạnh nguồn đầu tư kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm tỉnh, huyện, thị, thành phố đều dành nguồn kinh phí đối ứng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Các xã, phường vận động nhân dân ủng hộ công sức, tiền của để bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa địa phương. Vừa sử dụng nguồn lực con người và kinh phí tại địa phương là chủ yếu song ngành văn hóa cũng tham mưu cho tỉnh phối hợp với các cục, vụ, viện ở bộ, ngành Trung ương, các tổ chức nước ngoài trong nghiên cứu Thành Nhà Hồ, trò hát múa Xuân Phả, dân ca Đông Anh,... Chính việc đẩy mạnh xã hội hóa đã thu hút nguồn lực của nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân trong bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Nhiều di tích huy động đến hàng tỷ đồng như đền Sòng, Chín Giếng (Bỉm Sơn), chùa Tiên (Nga Sơn), chùa Tường Vân, Du Anh, lăng mộ Trịnh Tùng (Vĩnh Lộc), đền thờ Trần Nhật Duật, Bùi Sĩ Lâm (Quảng Xương).... Nhiều cuốn sách địa chí huyện, xã, văn hóa truyền thống, di tích, danh thắng, danh nhân, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, trò diễn... được xuất bản gần đây càng khẳng định vốn di sản văn hóa phong phú, đa dạng của xứ Thanh. Các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện, nhiều sáng tác mới cũng chú trọng khai thác, sử dụng vốn dân ca, dân vũ đã tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa hiện đại với truyền thống cuốn hút người xem. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của các tộc người trong lao động sản xuất, sinh hoạt, ứng xử được khôi phục, kế thừa. Bí quyết nghề nghiệp thủ công truyền thống, các món ẩm thực đặc sắc vùng, miền được truyền nghề thực sự cuốn hút nhiều du khách.
Vốn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng của tỉnh là tài sản quý báu khi tỉnh ta cùng với đất nước ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Với 4 di tích quốc gia đặc biệt: Lam Kinh, đền Bà Triệu, hang Con Moong và Thành Nhà Hồ vừa là di sản thế giới, vừa là di tích quốc gia đặc biệt và hàng trăm di tích quốc gia, cấp tỉnh cùng với kho tàng văn hóa dân gian của các tộc người luôn là niềm tự hào của mỗi người dân tỉnh Thanh. Để vốn di sản văn hóa đó ngày càng phát huy giá trị, theo thiển nghĩ của chúng tôi thời gian tới tỉnh ta cần tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật, ghi âm bằng đĩa nhạc, quay dựng băng đĩa hình, giới thiệu trưng bày các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ truyền thống, xuất bản sách nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, người dân về giá trị di sản văn hóa để có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
2. Chọn lựa, bố trí cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực, đạo đức tốt, yêu nghề làm công tác bảo tồn di sản văn hóa. Tập trung nâng cao chất lượng bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho các phòng, trung tâm văn hóa, cán bộ văn hóa xã, phường để họ tham mưu trúng, đúng cho lãnh đạo địa phương theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
3. Cần lập quy hoạch, đề án tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng kế hoạch 5 năm, 10 năm, kế hoạch cụ thể hàng năm về tu bổ, tôn tạo, phục hồi, phát huy để vốn quý đó không bị mai một.
4. Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực của nhiều cấp, nhiều ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài tỉnh trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
5. Ngành văn hóa phải thực sự tích cực chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu, đề xuất với tỉnh, bộ chủ quản cũng như phối hợp với các ngành hữu quan trong thực hiện kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đúng trình tự qui định của Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành để không làm méo mó, biến dạng di sản văn hóa.
6. Có hình thức động viên khen thưởng cho những người có công phát hiện, gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Chính vì xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa là nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên những năm qua vốn di sản văn hóa được tỉnh quan tâm đầu tư công sức, tiền của đúng mức. Chính mạch nguồn di sản văn hóa là sức mạnh nội sinh đã cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh vươn lên trong hội nhập, phát triển với khu vực và thế giới. Sức mạnh của di sản văn hóa đã góp phần phát huy tính tích cực, gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tha hóa về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong nền kinh tế thị trường. Để hội nhập và phát triển, xứng đáng với truyền thống “địa linh nhân kiệt” nhiệm vụ đặt ra cho cán bộ, nhân dân Thanh Hóa là phải trân trọng và bảo lưu, phát huy giá trị vốn di sản văn hóa, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa là nguồn sức mạnh tiềm tàng đưa Thanh Hóa vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.
(Theo vanhoadoisong.vn)
Phạm Minh Trị
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-phap-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-a7478.html