Thế hệ trẻ được các bà, các mẹ truyền cảm hứng với các làn điệu dân ca - Ảnh: V.Quỳnh
Ơi quê mình núi Đọi sông Châu, có tự bao lâu câu hát dặm, mênh mang đồng vàng vờn sóng lúa, mượt mà câu hát dân ca” - Giữa mênh mông bạt ngàn cà phê của vùng đất đỏ Tây Nguyên, những câu hát của “Nhớ về quê mẹ Hà Nam” vẫn vang lên tha thiết trong căn nhà nhỏ của cô Phạm Thị Sửu. Ở cái tuổi thất thập, cô Sửu là thành viên lớn tuổi nhất của CLB Hát ru, dân ca xã Lộc Nam. Người phụ nữ đã đi qua 70 mùa xuân vẫn ánh lên nét rạng rỡ và hoạt bát khi nhắc về những làn điệu của quê hương. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nam, những điệu chèo, điệu múa đã ngấm vào con người cô. Những ngày đầu xa lạ giữa ruộng vườn, nương rẫy, chính những lời ca thiết tha của “Hà Nam quê mẹ”, “Người nhớ”, “Mời trầu” đã giúp cô Sửu cảm thấy quê hương, ngỡ xa rất xa mà đã hóa gần lại. Đó không chỉ là cảm giác riêng của cô Sửu, mà là cảm xúc chung của những người con xa quê.
Một ngày, những cô, những bà, những chị đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam ở xã Lộc Nam đã cùng hướng đến ý tưởng xây dựng một CLB Hát ru, dân ca 3 miền, để những câu hát quê hương đau đáu trong lòng mỗi người có không gian để được thể hiện, sẻ chia và gìn giữ.
Năm 2012, CLB Hát ru, dân ca xã Lộc Nam được thành lập và chính thức bắt đầu tập luyện, sinh hoạt. CLB quy tụ những người yêu ca hát, ban đầu có 24 thành viên tham gia. Hiện tại, con số ấy đã được nâng lên thành 30 người. Trong đó, thành viên lớn tuổi nhất cũng đã 70 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất vừa mới tròn 25.
Vậy là từ 4 năm nay, đều đặn mỗi tối chủ nhật hàng tuần, những câu ví, câu dặm, những câu quan họ lại được ngân lên giữa những thôn xóm. Phần lớn các hội viên đều đã làm bà, làm mẹ, vừa bận rộn với công việc gia đình, vừa tất tả với bộn bề nương rẫy, vườn tược nên mọi người chỉ có thể tranh thủ thời gian buổi tối để tập luyện. “Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là được gia đình, chồng con nhiệt tình ủng hộ và tạo điều kiện tham gia. Thế nên dù có bận rộn hơn ngày thường nhưng ai nấy đều vui vẻ, tích cực tập luyện vào cuối tuần. Hát hay không bằng hay hát, giữa quê hương mới mà những câu hát của quê mẹ chúng tôi vẫn không bị mất đi thì còn gì hạnh phúc hơn” - cô Sửu chia sẻ.
Từ lúc CLB Hát ru, dân ca ra đời, những ngày lễ lớn, những buổi hội nghị, văn nghệ chào mừng tại xã Lộc Nam và huyện Bảo Lâm có thêm những câu hát ngọt ngào của “Mời Trầu”, của “Hò giã gạo”,… nối miền Bắc xa xôi, miền Trung ruột thịt với Tây Nguyên đất đỏ: “Gặp đây ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy cho vừa lòng nhau. Trầu này trâu tính trầu tình. Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta…”. Những buổi biểu diễn vẫn đầy đủ áo dài, áo bà ba, khăn đóng áo the, có quạt, có nón…; mặc dù toàn bộ chi phí đều do các thành viên trong CLB tự bỏ ra. Chị Nguyễn Thị Châm, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Khi tham gia vào CLB này, các chị em đều mong muốn giữ gìn nét văn hóa của quê hương nên ai nấy đều nhiệt tình, hi sinh hết mình vì nghệ thuật. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí cho trang phục, đạo cụ, nhưng mỗi thành viên đều cố gắng tìm cách khắc phục để mỗi lần biểu diễn là một lần khiến người xem thấy yêu hơn những làn điệu dân ca của đất nước”.
Chị Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm cho biết: “CLB Hát ru, dân ca 3 miền là một hình thức tập hợp chị em phụ nữ có hiệu quả. Thông qua việc tập các bài hát truyền thống của quê hương, chị em vừa có một không gian để sinh hoạt văn hóa, yêu thích, phấn khởi tham gia, vừa góp phần bảo tồn bản sắc của các dân tộc”. Với đặc thù có hơn 30% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, CLB còn tìm hiểu thêm các làn điệu truyền thống của các dân tộc khác. Đến nay, chị em người Kinh cũng biết hát những bài hát của người châu Mạ, và chị em người Cil cũng đã biết ngân lên những câu “tang tình” của Hà Nam, Hà Tĩnh…
Về Lộc Nam những ngày lễ hội năm nay, trên sân khấu biểu diễn dân ca đã xuất hiện thêm những gương mặt mới, nhỏ tuổi, non nớt nhưng nhiệt tình và hào hứng không thua gì các bà, các mẹ. Trong các buổi sinh hoạt gần đây, cô Sửu, cô Châm,… đã cùng hướng dẫn thêm cho các cháu nhỏ tập hát, tập hò, để các thế hệ sau dù được sinh ra và lớn lên trên vùng đất mới, vẫn không quên nguồn cội của mình. Nghe những câu hát “I ì í i” được vụng về ngân lên bởi những cô bé 7, 8 tuổi, chúng tôi tin rằng, những làn điệu dân ca sẽ vẫn được giữ gìn dù qua bao nhiêu năm tháng đi nữa, cũng giống như tình yêu quê hương đã được truyền qua bao thế hệ.
(Theo Báo Lâm Đồng)