Chùa Thiên Mụ
Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Khi đến địa danh này ông được người dân cho biết: nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Ông nghĩ đó là điềm trời nên đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự“ (chùa Thiên Mụ). Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) chùa được xây dựng lớn hơn và Chúa còn cho đúc một cái chuông lớn có khắc bài minh trên đó. Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ mừng sinh nhật thứ tám mươi của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng. Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh. Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức đã đổi tên từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ”. Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành, xuôi về cửa biển, đọng lại trong lòng khách phương xa đến Huế một nỗi niềm vương vấn chốn Thiền Kinh. Chùa cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, đi thẳng đường chính Kim Long là tới.
Chùa Huyền Không
Chùa Huyền Không Sơn Thượng
Bạn đến Huế, hãy đến chùa Huyền Không Sơn Thượng, để hòa mình vào với thế giới tâm linh huyền bí. Từ bờ Nam sông Hương, bạn vòng qua cầu Tràng Tiền, dọc theo con đường rợp bóng phượng vĩ ngược lên vùng ngoại ô Kim Long, đi ngang chùa Thiên Mụ, men theo con đường đất đẹp như tranh vẽ sẽ tới được núi Chằm, nơi toạ lạc của chùa Huyền Không Sơn Thượng. Không gian tự nhiên, cộng bàn tay con người chăm chút, tạo dáng nên ẩn trong sự hoang dã từ cổng chùa đến khuôn viên ở Thôn Nham Biều, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa điểm không thể bỏ qua.
Chùa Từ Đàm
Chùa Từ Đàm
Chùa Từ Đàm do Hòa thượng Minh Hoàng Tử Dung sáng lập vào khoảng sau năm 1695. Năm 1703, Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển Sắc tứ ấn tôn tự, từ đó, chùa có tên là ấn Tôn. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) đổi tên là chùa Từ Đàm. Chùa Từ Đàm có ba bộ phận quan trọng là tam quan, chùa chính và nhà hội, cấu trúc chung của chùa được gọi là “kiểu chùa Hội” phối hợp giữa đường nét nghệ thuật kiến trúc mới và cũ, với yêu cầu rộng rãi, cao ráo, cổ kính nhưng đơn giản. Tọa lạc ở phường Trường An, cách thành phố Huế khoảng 2km về hướng Nam, thuộc số 1 Liễu Sư Quán, phường Trường An, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chùa Thiền Lâm
Chùa Thiền Lâm (hay còn gọi chùa “Phật đứng – Phật nằm”) được sư Hộ Nhẫn xây dựng năm 1960 với hình hài ban đầu chỉ là một Cốc nhỏ. Đến hiện tại, chùa là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc như tượng, tháp mộ, tháp Phật, nhà tăng chúng… ở nhiều vị trí khác nhau, một địa điểm du lịch Huế được mọi người yêu thích.
Chùa Thiền Lâm
Là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông nhưng chất thiền vẫn rõ nét trong không gian và các công trình kiến trúc của chùa. Không mang trên mình bề dày như những ngôi chùa Bắc Tông trên vùng đất xứ Huế, chùa “Phật đứng - Phật nằm” gợi đến cảm giác “là lạ”, nhẹ nhàng và tĩnh tại toát lên từ những gì mà ngôi tự đang có.
Chùa Từ Hiếu
Tọa lạc trên một đồi thông cách trung tâm Huế khoảng 5km về phía Tây Nam. Chùa do Hòa thượng Nhất Định dựng khoảng năm 1843, lúc đầu có tên là An Dưỡng am, quy mô còn nhỏ. Chùa được xây theo kiểu chữ khẩu, chùa chính ba căn, hai chái. Chính điện phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu Đường, ở giữa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh Phật Tử tại gia, bên phải thờ các vị thái giám..., bên tả sân hậu là Tả Lạc Thiên (nhà tăng) và bên hữu là Hữu Ái Nhật (nhà khách). Cổng chùa xây theo kiểu vòm cuốn hai tầng, phía trên chính giữa thờ tượng Hộ pháp. Trong cổng tam quan có hồ bán nguyệt thả hoa sen, hoa súng và cá cảnh. Hai bên sân có hai lầu bia để ghi lịch sử xây dựng chùa. Chùa ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Thiền viện Trúc Lâm
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được sáng lập bởi Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ là ngôi thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đầu tiên xây dựng ở miền Trung. Thiền Viện khởi công xây dựng vào ngày 30/3/2006, đến nay đã hoàn thành gồm 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ khác. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được bao bọc bởi hồ Truồi, ngự trên ngọn núi Linh Sơn, thuộc địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 35km và TP Đà Nẵng 65km, là một điểm du lịch non nước hữu tình thu hút đông đảo du khách tham quan thưởng ngoạn.n
(Theo baodulich.net.vn)