14/11/2016 16:57
14/11/2016 16:57
Điều ít biết về tác giả “Trách ai vô tình”
Vài năm gần đây, ca khúc “Trách ai vô tình” bỗng trở nên rất ăn khách, được nhiều ca sĩ trình bày cũng như công chúng yêu thích nhưng ít ai biết đến tác giả của giai điệu của ca khúc này, đó chính là nhạc sĩ - nhà giáo Cao Văn Lý, tác giả của rất nhiều điệu lý quen thuộc, không chỉ trong lĩnh vực cải lương như: “Lý trăng soi”, “Lý đêm trăng”, “Lý bông trang”, “Lý tư phùng”, “Lý qua cầu”… mà cả với tân nhạc, nổi tiếng nhất hiện nay là điệu “Lý Mỹ Hưng”, đã được cố nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời mới với tên gọi “Trách ai vô tình”.
Tính tình hiền lành, điềm đạm, khi được hỏi về trường hợp các điệu lý của ông rất nổi tiếng, được ưa chuộng nhưng ông lại không được đứng tên, nhất là trường hợp bài “Lý Mỹ Hưng” và “Trách ai vô tình”, ông tâm sự: “Các tác phẩm của thầy ngày nay được nhiều người biết đến và yêu mến đã chứng tỏ con đường thầy đi là đúng, đó là niềm hạnh phúc lớn lao của người nhạc sĩ. Trước đây, đã có nhiều người phản bác, lên án việc sáng tác dân ca theo lòng bản của thầy, bây giờ thực tế đã chứng minh. Chuyện tên tuổi đối với thầy không quan trọng. Thế thôi!”.
Nhạc sĩ Cao Văn Lý (người đứng) với các nghệ nhân trong chuyến sưu tầm hò Đồng Tháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông sinh ra ở miệt sông nước Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nên từ nhỏ ông đã được sống trong không gian của các điệu hò, điệu lý... Từ năm 11 tuổi, ông đã theo cách mạng, tham gia Đoàn Văn công Chim Việt, sau này là Đoàn Văn công Ngũ Yến của tỉnh Long Châu Sa. Đến năm 1954, ông được đưa ra miền Bắc học tập. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam công tác tại phòng văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam II, rồi về giảng dạy ở Nhạc viện TP HCM - làm Phó Khoa Âm nhạc dân tộc. Ông đã đào tạo biết bao thế hệ sinh viên, rất nhiều người trong số đó đã thành danh, có tên tuổi trong giới âm nhạc như nhạc sĩ Lê Văn Lộc, Đinh Trung Cẩn, Đức Trí,...
Dành bao nhiêu tâm huyết, thời gian và công sức để nghiên cứu các làn điệu dân ca Nam Bộ, ông đưa ra phương pháp sáng tác dân ca dựa theo lòng bản. Chính vì quan điểm cố hữu dân ca là những ca khúc dân gian không rõ tác giả nên một thời gian dài, những bài lý của ông đã trở thành “vô chủ”.
May mắn là thời gian gần đây, giới chuyên môn cũng đã có những đánh giá, ghi nhận đúng mức về công lao của ông. Cố GS-TS Quang Hải từng đánh giá: “Trong những năm 1980, tôi đặc biệt quan tâm đến các điệu lý mới, sau này tôi mới biết những bài dân ca đó có tác giả, đó chính là nhạc sĩ Cao Văn Lý - tức Phạm Lý. Ngay từ khi mới tiếp xúc với các làn điệu này, tuy chưa biết của ai nhưng tôi vẫn thấy nó ở một cấp độ nghệ thuật cao hơn bởi cung bậc của nó là cận đại và hiện đại, là sự kết hợp của nhiều thang âm ngũ cung chứ không phải đơn thuần một loại ngũ cung như trước đây”. Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng cũng cho rằng: “Những nhà đạo diễn, soạn giả, diễn viên từ nhiều năm nay đã chấp nhận những làn điệu do nhạc sĩ Cao Văn Lý sáng tác bởi nó hoàn toàn phù hợp và nhanh chóng hội nhập với các làn điệu trong kho tàng cải lương, không có yếu tố lai căng. Đặc biệt, nó cung cấp thêm các cảm xúc mới, tiết tấu, hơi thở của nhịp sống đương đại”.
Đứng trước thực tế các điệu hò nói chung và hò Đồng Tháp nói riêng có nguy cơ bị thất truyền, ông đã thực hiện công trình “Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi điệu hò Đồng Tháp” và đã được tỉnh Đồng Tháp nghiệm thu năm 2010. Ông sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi được mời để dạy hò Đồng Tháp bất chấp tuổi tác và sức khỏe.
Nay, tuy tuổi đã cao, sức yếu, cuộc sống của ông nhiều khó khăn nhưng nhà giáo - nhạc sĩ Cao Văn Lý vẫn rất hăng say, nhiệt huyết khi nói về lý và hò. Ông vẫn rất tha thiết được phổ biến phương pháp “Ứng dụng lòng bản trong sáng tác dân ca” cho các thế hệ sau này.
(Theo nld.com.vn)
Lệ Minh
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dieu-it-biet-ve-tac-gia-trach-ai-vo-tinh-a7381.html