Về Dự án tu bổ, tôn tạo Bia ký và Đền thờ Trịnh Khả, tỉnh Thanh Hóa

Bộ VH,TT&DL vừa có Văn bản số 4471/BVHTTDL-DSVH ngày 03/11 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thẩm định điều chỉnh Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia Bia ký và Đền thờ Trịnh Khả.

Theo đó, Bộ VH,TT&DL thỏa thuận điều chỉnh Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Bia ký và Đền thờ Trịnh Khả với các nội dung: Điều chỉnh phương án tổng mặt bằng di tích; điều chỉnh phương án thiết kế các hạng mục, cụ thể là tôn tạo đền chính theo phương án chữ nhị (Tiền tế, Hậu cung), Tả vu, Hữu vu, nhà bia, cổng chính; xây dựng mới hồ nước, nhà trông xe, vệ sinh, cổng sau, nhà hóa vàng, bãi để xe, biển giới thiệu di tích, bến sông, kè sông, tường rào, đường dạo trên núi.

Tuy nhiên, Bộ VH,TT&DL cũng chú ý tới phương án tổng mặt bằng di tích: giảm quy mô xây dựng sân lát đá trước cổng đền; do dự án đề xuất xây dựng phương án cổng chính, vì vậy không xây dựng tứ trụ, khu vực từ cổng đền trở ra không xây dựng tường bao. Không chạm trên cánh cổng chính và cần tính toán giảm các trang trí chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc của cổng. Cổng phụ thiết kế theo mẫu cổng xây đắp trang trí, mái dốc một phía. Và phương án tôn tạo đền chính: không làm cửa đi trên hàng cột trục D; tam cấp chỉ xây 03 bậc và không làm rồng thành bậc. Giảm kích thước cửa sổ chữ thọ trên Tả vu và Hữu vu. Nhà hóa vàng thiết kế một tầng mái. Không dùng đèn cột bằng đá vôi để chiếu sáng sân vườn.
 



Ngôi đền thờ Trịnh Công Khả được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV). Dấu vết kiến trúc của ngôi đền có niên đại giai đoạn này đã bị phá hủy từ lâu. Nhà tiền đường của Đền chính có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào, gây mất an toàn cho người, đồ thờ và nội thất.
 
Bộ VH,TT&DL có ý kiến để UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng bổ sung, hoàn chỉnh dự án, và triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật hiện hành.
 
Đền thờ Trịnh Khả (một trong 18 người trong Hội thề Lũng Nhai lịch sử) tại Thanh Hóa đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ.
 
Hiển Khánh Vương Trịnh Khả là người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh, phủ Thanh Hóa (nay là làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Trịnh Khả là người đã đến Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa và là một trong 18 người trong Hội thề Lũng Nhai lịch sử.
 
Trong cuộc kháng chiến 10 năm chống giặc Minh, ông đã tham gia hàng trăm trận đánh với tư cách là vị tướng trẻ dũng cảm giỏi mưu lược chỉ huy quân thiết đột. Ông có công lớn và nổi tiếng trong các trận đánh Xa Lộc, Ninh Kiểu, Lãnh Câu (cửa ải Lê Hoa ở tỉnh Hà Giang, giáp Trung Hoa) và được phong đến chức Thượng tướng.
 
Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Trịnh Khả được phong Tả lân hổ vệ tướng. Sau được giao chức Hành quân tổng quản xa kỵ chư quân sự đồng tổng quản và được mang họ vua – Lê Khả. Thời vua Lê Thái Tông (1434-1442), ông được phong Thiếu Bảo tham tri chính sự rồi thăng chức Thiếu úy.
 
Ông có công trong khi đánh Chiêm Thành (1446), lập Bí Cai làm vua nước Chiêm, được phong thưởng tước Bình chương quân quốc trọng sự thượng trụ quốc. Năm 1448, ông nhận lệnh vào đôn đốc cục Bách tác xây dựng miếu điện ở Lam Kinh và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
 
Rùa đá và các văn bia có từ thời xây dựng ngôi đền và bị bỏ mặc chỏng chơ trong sân.
 
Sau khi mất, vua Lê Thánh Tông đã truy tặng ông là Thiếu Phó Liệt quốc công, lại gia tặng Thái úy liệt quốc công. Sau truy phong là Hiển Khánh Vương, truyền sắc chỉ dùng ngôi miếu ở làng Kim Bôi làm đền thờ ông. Văn bia do Nguyễn Mộng Tuân, người cùng với Trịnh Khả tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đã viết về người bạn mình: “Trịnh Khả ra ngoài làm quan võ, vào triều làm quan văn, gắn bó vui lo cùng đất nước, lớn lao hay”.
 
Ngày 16/12/1993, Bia và đền thờ Trịnh Khả được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.
 
Mặc dù là di tích cấp quốc gia nhưng hiện nay, các hạng mục công trình hiện có của di tích Bia và Đền thờ Trịnh Khả đã bị xuống cấp một cách nghiêm trọng. Đặc biệt là hạng mục Nhà tiền đường của Đền chính có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, gây mất an toàn cho người, đồ thờ và nội thất. Không đáp ứng được nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, và du khách.
 
Tường, ngói, sân gạch... của ngôi đền đang bị vỡ, sập, xô lệch đi rất nhiều. Các cây cột hiên có nguy cơ bị sập đổ bất cứ lúc nào. Đến thăm ngôi đền, không ai có thể nghĩ rằng đây là đền thờ của một vị tướng nức danh một thời và là một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
 
Hiển Khánh Vương Trịnh Khả là một nhân vật lịch sử lớn, Bia và Đền thờ Trịnh Khả có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử. Vì vậy, cần phải được đầu tư, tôn tạo di tích một cách xứng đáng với thân thế và sự nghiệp của ông.
 
X.V (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-du-an-tu-bo-ton-tao-bia-ky-va-den-tho-trinh-kha-tinh-thanh-hoa-a7380.html