Hà Nam: Nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú

Mặc dù Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.



Công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ảnh: minh họa (nguồn: hanam.gov.vn )

Để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nam đã triển khai “Chương trình Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể” trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm kê, phân loại, tỉnh đã đề ra hướng nghiên cứu, sưu tầm một cách có hệ thống và lâu dài các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.

Đã có 10 đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nam thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia đó là: Múa hát Dậm Quyển Sơn, Múa hát Lải Lèn, Hội vật võ Liễu Đôi, Làng trống Đọi Tam, dệt lụa Nha Xá, sừng mỹ nghệ Đô Hai, Hát Trống quân, nghề Đan Cót, Vật Cầu An Mông, nghề gốm Quyết Thành. Đã khôi phục nhiều trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca đặc trưng, các làng nghề truyền thống, như: Hát Chèo (Kiện Khê, Thanh Liêm), hát múa Lải Lèn làng Nội Chuối (xã Bắc Lý, Lý Nhân), chiếu chèo làng Ngò (xã Đức Lý, Lý Nhân)… Nghiên cứu phục hồi trò chơi dân gian múa rối nước của thôn Nội Rối, múa rối cạn của thôn Chương Lương, (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân).

Nhiều công trình văn hóa đã được xuất bản thành sách như: cuốn Địa chí Hà Nam, Thi tuyển danh sĩ Hà Nam, Hát Dậm Quyển Sơn, Nhân vật lịch sử Hà Nam, Tuyển Thơ Hà Nam, Tuyển Văn xuôi Hà Nam, Văn hóa Dân gian Hà Nam…
 



Biểu diễn hát chèo. Ảnh: hanamtv.vn

Lễ hội truyền thống trong các làng quê của Hà Nam cũng vô cùng phong phú, được tổ chức thường niên, nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân nhân trong và ngoài tỉnh. Trong các lễ hội còn giữ được nhiều trò chơi phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước (như: trò vật cầu ở lễ hội đình An Mông (xã Tiên Phong, Duy Tiên); trò cướp cầu ở lễ hội đình Gừa (xã Liêm Thuận, Thanh Liêm); lễ hội thả diều (xã Hòa Hậu, Lý Nhân) và nhiều trò chơi khác như đánh đu, chọi gà, múa rồng, múa lân,… Đây là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể có ý nghĩa quan trọng, phản ánh sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Hà Nam. Tiêu biểu nhất trong việc phục dựng lễ hội ở Hà Nam đó là Lễ hội Tịch Điền - Đọi Sơn, Lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần ở Đền Trần Thương.
 



Lễ hội Tịch Điền - Đọi Sơn. Ảnh: phunutoday.vn

Trong kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của Hà Nam, còn có các loại hình như: phong tục, tập quán, tri thức dân gian, trò chơi dân gian, tài liệu Hán Nôm, truyền tích, ca dao, tục ngữ, truyện kể…vô cùng phong phú.

Bên cạnh kho tàng văn hóa phi vật thể thì kho tàng văn hóa vật thể trên mảnh đất Hà Nam cũng rất đa dạng, có giá trị lịch sử. Dấu tích của người nguyên thủy đã xuất hiện tại Hà Nam vào hậu kỳ thời đồ đá mới cách nay khoảng trên dưới 5.000 năm. Các công cụ bằng đá của Văn hóa Hòa Bình như cuốc, rìu, khuyên tai… thu được khá nhiều ở Hà Nam là minh chứng rõ cho điều ấy. Dấu tích về người Việt cổ tụ cư và khai thác vùng đất trũng Hà Nam ngày nay, như Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục...thể hiện ở hang Chuông, hang Gióng Lở (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm), và hàng chục ngôi mộ thuyền với các hiện vật tùy táng như mũi tên, mũi giáo, nhíp gặt lúa, thạp, thố bằng đồng… đã được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ học ở các xã Đọi Sơn, Yên Bắc (huyện Duy Tiên). Dấu tích văn hóa Đông Sơn để lại trên đất Hà Nam khá nhiều, đặc biệt là 18 trống đồng (Trống thôn Đoài, Trống Tượng Lĩnh, Trống Vũ Xá, Trống Kim Bảng…), trong đó có chiếc Trống đồng Ngọc Lũ - biểu tượng rực rỡ nhất của nền văn hóa Đông Sơn, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và phiên bản được đặt trang trọng tại Tòa nhà Liên hợp quốc.

Trên đất Hà Nam còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật quí hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, tiêu biểu như: Tượng Kinari mang phong cách Chăm Pa ở chùa Đọi, cuốn Sách bằng đồng có tên "Khâm ban đồng bài” hay còn gọi là “Cầu không từ kí” (ở Văn An, Bắc Lý, Lý Nhân) là cuốn sách đồng cổ nhất Việt Nam, Bảo vật Quốc gia bia "Sùng Thiện Diên Linh" - một trong những tấm bia quý còn lại của triều đình nhà Lý,…
 



Nhà bia Sùng Thiện Diên Linh được công nhận là "Bảo vật Quốc gia". Ảnh: baotanglichsu.vn

So với một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Hà Nam là tỉnh có số lượng di tích khá lớn. Mật độ di tích tương đối dày đặc, được phân bố đều khắp ở hơn 1200 thôn xóm. Với trên 1.784 di tích (trong đó có 551 ngôi đình, 490 ngôi chùa, 306 ngôi đền, số còn lại là miếu, phủ, văn chỉ, từ đường) thờ những anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước trong chống ngoại xâm, truyền nghề, dạy nghề,…đã nói lên những trang lịch sử hào hùng của Hà Nam. Trong các di tích trên, có nhiều di tích có kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: Chùa Long Đọi Sơn có niên đại thời Lý, Đền Trần Thương- dấu tích một kho lương thời Trần, Đình Chảy (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm), Đền Trúc - Ngũ Động Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng), Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, Đình Đồng Du Trung, Đền Trần Thương, Đình Văn Xá, Đình Hoà Ngãi, Đình An Hoà, Chùa Quế Lâm, Đền Trúc, Chùa Bà Đanh... đã có trên 160 di tích, cụm di tích được xếp hạng. Đặc biệt là Bia Sùng Thiện Diên Linh (có niên đại đầu thời Lý) đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là “Bảo vật Quốc gia”.
 



Cổng Tam Quan trong quần thể di tích Chùa Long Đọi Sơn. Ảnh: baotanglichsu.vn

Công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích được quan tâm thường xuyên. Ngoài Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo tồn di tích, hàng năm đã huy động từ 20-30 tỷ đồng do nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp để tu bổ, tôn tạo di tích. Nhờ vậy, đã có gần 80 di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử-văn hoá ở Hà Nam được tu bổ, tôn tạo; trong đó có 11 di tích được đầu tư tu bổ lớn, gồm: Chùa Long Đọi Sơn, Từ đường Nguyễn Khuyến, Đình Vị Hạ, Đình Đồng Du Trung, Đền Trần Thương, Đình Văn Xá, Đình Hoà Ngãi, Đình An Hoà, Chùa Quế Lâm, Đền Trúc, Chùa Bà Đanh... Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tìm hiểu về văn hóa địa phương của khách tham quan, nhân dân địa phương đồng thời phát huy giá trị di tích.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều đợt điều tra thám sát khảo cổ học tại các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng; đặc biệt là tại quần thể di tích danh thắng Đọi Sơn (huyện Duy Tiên). Thông qua các cuộc nghiên cứu, khai quật khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị và đưa về lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh và trưng bày tại điểm di tích.
 



Các vật liệu kiến trúc cùng nhiều hiện vật thời Lý như tiêu bản trang trí, đồ gốm, đồ sành được tìm thấy. Ảnh: baotanglichsu.vn

Song song với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa quí báu mà các vị tiền nhân để lại, tỉnh Hà Nam đã từng bước xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều thiết chế văn hóa mới từ tỉnh đến cơ sở. Bảo tàng tỉnh Hà Nam được xây dựng khang trang, hiện đang lưu giữ trên 4.000 hiện vật, tài liệu gốc, quý hiếm đã và đang từng bước đưa vào trưng bày phục vụ khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa, thể thao luôn được tỉnh quan tâm đầu tư: Hệ thống thư viện, Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa hình thành từ tỉnh đến huyện. Đặc biệt Nhà thi đấu đa năng tỉnh được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, hiện đại đáp ứng được nhu cầu tổ chức các giải thể thao trong nước và khu vực.

Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hoá: Bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, nét bản sắc văn hóa địa phương Hà Nam trong đời sống đương đại. Nâng cao nhận thức của chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Xây dựng các bảo tàng, khu di tích lịch sử văn hóa trở thành nơi học tập, tham quan và điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống có sự kết hợp hài hòa với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội bền vững.
 



Hướng tới 20 năm ngày tái lập tỉnh (01/1/1997-01/1/2017), Đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân tỉnh Hà Nam luôn ý thức giữ gìn phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa mà cha ông để lại. Ảnh minh họa (nguồn: dangcongsan.vn)

Văn hóa Hà Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần không nhỏ vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là cán bộ ngành văn hóa từ tỉnh tới cơ sở cần tiếp tục học tập, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ về giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống của ông cha để lại, nêu bật được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển chung, từ đó có ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của địa phương mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống của vùng quê văn hiến./.

(Theo Cinet.vn)

Lan Phạm (TH)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ha-nam-noi-luu-giu-kho-tang-di-san-van-hoa-vat-the-va-phi-vat-the-phong-phu-a7376.html