12/11/2016 08:02
12/11/2016 08:02
Bảo tàng tỉnh gặp khó trong việc bảo quản, cất giữ hiện vật
Do chưa được đầu tư một cách có hệ thống, công tác bảo quản, cất giữ các hiện vật ở Bảo tàng tỉnh Đắk Nông còn mang tính tạm bợ, chưa quy củ, nên hiện vật ngày một hư hỏng, xuống cấp.
Có dịp đến thăm kho lưu trữ hiện vật của Bảo tàng tỉnh gần đây, chúng tôi thấy, trong căn phòng nhỏ chừng 16m2, các hiện vật được xếp ngay ngắn nhưng sặc mùi ẩm mốc. Ở đây có rất nhiều hiện vật và được phân loại theo từng chất liệu, thời gian. Mặc dù được thường xuyên lau chùi, bảo quản, nhưng một số hiện vật có chất liệu bằng kim loại đã bị hoen rỉ; một số hiện vật có chất liệu bằng tre, nứa, gỗ cũng tương tự.
Các hiện vật bằng tre nứa đang dần bị mục nát, hư hỏng
Anh Đoàn Văn Nhân, cán bộ Phòng Kiểm kê, bảo quản cho biết: “Do không có nhà trưng bày nên tất cả các hiện vật sau khi sưu tầm đều được đưa vào kho lưu giữ. Hàng tuần, chúng tôi đều phân công vệ sinh, bảo quản. Tuy nhiên, vì tác động của thời tiết, môi trường, nhất là không có nhà trưng bày nên một số hiện vật đã bị hư hỏng, xuống cấp. Người làm công tác lưu giữ, bảo quản như chúng tôi nhìn hiện vật mỗi ngày bị hư hỏng dần mà cảm thấy xót xa, tiếc nuối”.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ khoảng 18.000 hiện vật; trong đó, có 521 hiện vật văn hóa dân tộc, 2.110 hiện vật lịch sử cách mạng, 13.200 hiện vật khảo cổ học, 2.256 tài liệu, hình ảnh, sách báo và hiện vật khoáng sản tự nhiên... Để bảo quản được nguồn hiện vật này, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã chú trọng thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo quản chuyên ngành. Hàng tuần, cán bộ bảo quản đều kiểm tra hiện vật, vệ sinh tủ, bục, kệ… để tránh tình trạng bụi bẩn và ẩm mốc…
Tuy nhiên, theo các cán bộ nơi đây, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến công tác bảo quản hiện vật là cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng tầm. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh chưa có nhà làm việc riêng, mà chỉ mượn được một số phòng của Trung tâm Văn hóa tỉnh để làm việc và làm nhà kho chứa hiện vật. Nhưng do nhà kho chật chội, trong khi số lượng hiện vật sưu tầm ngày một nhiều.
Mặc dù đã được đầu tư một số trang thiết bị cần thiết như hệ thống giá, kệ, quạt mát và tủ đựng hiện vật, nhưng yêu cầu của công tác bảo quản hiện vật rất khắt khe, đòi hỏi tối thiểu phải có máy hút ẩm, hút bụi, quạt thông gió, vậy mà đến nay vẫn chưa có.
Đặc biệt, vào mùa mưa, độ ẩm không khí cao, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn nên các loại hiện vật có tính năng hút ẩm như đồ mây tre, thổ cẩm, vải, giấy... rất dễ bị ẩm, mốc tác động xấu và làm giảm tuổi thọ của hiện vật.
Mặt khác, do không có trụ sở làm việc cũng như nhà trưng bày nên việc trưng bày, giới thiệu hiện vật cho người dân, khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu rất hạn chế.
Theo ông Nguyễn Anh Bằng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, hiện vật bảo tàng được xem là “một ngân hàng dữ liệu” về vùng đất con người, văn hóa, bản sắc dân tộc. Thế nhưng, hầu hết những nguồn tài liệu này đều chưa hoặc không có điều kiện phát huy hết giá trị để phục vụ công chúng. Mỗi khi địa phương có sự kiện gì quan trọng thì mới được mang ra trưng bày nên rất dễ có nguy cơ thành hiện vật “chết”. Mong muốn lớn nhất của toàn thể cán bộ nơi đây là được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện đầu tư xây dựng nhà trưng bày, kho bảo quản hiện vật đủ diện tích, trang thiết bị hiện đại… Có như thế mới phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
(Theo Đắk Nông Online)
Mỹ Hằng
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-tang-tinh-gap-kho-trong-viec-bao-quan-cat-giu-hien-vat-a7314.html