Độc đáo ngôi chùa được trang trí bằng hàng ngàn chiếc bát, đĩa

Chùa Chén Kiểu là ngôi chùa gốm cổ nhất ở ĐBSCL. Với lối kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa văn hóa giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, chùa Chén Kiểu đang thu hút nhiều khách du lịch chiêm ngưỡng và tỏ lòng thành kính nơi cửa Phật. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng của du lịch Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung.



Toàn cảnh ngôi chùa - Ảnh: Báo Long An

Theo lịch sử, năm 1815, chùa được dựng nên bằng cây lá. Trong thời gian chiến tranh do bom đạn tàn phá, ngôi chánh điện của chùa bị hư hại nặng. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: Chánh điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh... Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai là chùa Chén Kiểu.
 


Trước cổng chùa là 2 con sử tử bằng đá - Ảnh: Báo Long An
 
Cổng chùa Chén Kiểu có hai con sư tử đá trên bệ cao hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp trang trí theo kiến trúc truyền thống của người Khmer Nam bộ. Tháp chính ở giữa, bên trong lồng pho tượng Phật tọa thiền uy nghi. Hai tháp hai bên thấp hơn tháp chính. Thành cổng có dòng chữ tên chùa Sà Lôn bằng chữ Khmer và chữ Việt.



Chùa được ốp bình hoa tọa nên những họa tiết ấn tượng - Ảnh: Báo Long An
Nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết được trang trí như tấm thảm nhiều màu sắc. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát. Toàn bộ các chi tiết, bức tranh… của mái chùa đều được cẩn bằng chén kiểu.
 


 
Toàn bộ tường được gắn các mảnh đĩa, chén - Ảnh: VOV.VN



Ảnh: VOV.VN



Ảnh: VOV.VN

 
Vào trong chùa, du khách sẽ càng ngạc nhiên hơn khi toàn bộ trần nhà, các bức tường, vật trang trí như bình hoa, họa tiết rồng, cột chính… đều được làm từ sứ đủ màu sắc. Ấn tượng nhất là các bức tranh kể về cuộc đời của Phật tổ. Phía sau chánh điện, các bức tường, tranh càng đặc biệt hơn khi được trang trí, tạo hình bằng mảnh vỡ chén, đĩa kiểu.   



Ảnh: tinmoi.vn

Chùa Chén Kiểu là nét văn hóa kiến trúc độc đáo của đồng bào Khmer Đại Tâm, và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nét độc đáo khác là vào cổng chùa, bên phải có một dãy nhà ngang, hai tầng. Tầng trên, có hai căn phòng, là nơi lưu giữ một số đồ gỗ của “Công tử Bạc Liêu”, Trần Trinh Huy (1900 - 1974).
    

Hàn Yên (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-ngoi-chua-duoc-trang-tri-bang-hang-ngan-chiec-bat-dia-a7290.html