Quy định về tôn tạo, tu bổ di tích: Cần cơ chế riêng cho Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế là hệ thống di tích quốc gia đặc biệt. Mặc dù đã qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp”, nhưng vẫn còn hàng trăm công trình xuống cấp nghiêm trọng, cần bảo tồn, tu bổ. Nhưng việc triển khai các dự án trùng tu, bảo quản hệ thống di tích này đang gặp khó khăn do những quy định chặt chẽ liên quan đến dự án nhóm A – nhóm “Dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt”.

Khó vì “thuộc nhóm A”

Cả Luật Đầu tư công và Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ (về Quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng) đều xác định nhóm “Dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt” thuộc nhóm A và đưa các dự án bảo tồn di tích vào mục các dự án không phân biệt tổng mức đầu tư. Theo đó, tất cả các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích với tổng mức đầu tư lớn hơn 500 triệu đồng đều được xếp vào dự án nhóm A.



Tường thành lăng vua Tự Đức hư hỏng

Cả quần thể di tích Cố đô Huế là di tích quốc gia đặc biệt nên nhiều dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích có quy mô và tổng mức đầu tư chỉ tương đương với dự án nhóm C (dưới 45 tỷ đồng), nhưng phải trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có các dự án thành phần có quy mô và mức đầu tư nhỏ, như: Nhà vệ sinh tại các điểm di tích (giai đoạn 3), hơn 3,3 tỷ đồng; Bảo tồn, tu bổ di tích Bi đình (lăng vua Tự Đức), hơn 2,4 tỷ đồng… nhưng vì thuộc “địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt” nên vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư như với dự án với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, nên thời gian thực hiện các trình tự thủ tục quá dài.

Sự chồng chéo về cơ quan thẩm định hồ sơ các dự án tu bổ di tích cũng là một trong những khó khăn khiến tiến độ triển khai thực hiện các dự án cần nhiều thời gian hơn. Cụ thể, theo Nghị định số 70/2012/NĐ - CP của Chính phủ (quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích), hồ sơ dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt chỉ cần gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Nhưng khi Nghị định 15/2013/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý chất lượng xây dựng công trình có hiệu lực, Luật Đầu tư công ra đời, rồi đến Nghị định số 59/2015/NĐ - CP…, đều quy định các dự án nhóm A phải tiến hành thẩm tra, thẩm định bởi cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng. Vậy nên, các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải chịu sự quản lý của cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phân tích, việc thực hiện các thủ tục hồ sơ dự án tu bổ di tích cấp đặc biệt theo các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 là hết sức cần thiết. Nhưng các quy định trên cho thấy công tác thỏa thuận, thẩm định hồ sơ dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt chồng chéo, kéo dài thời gian thực hiện, gây khó khăn cho đơn vị quản lý di tích. Thời gian trình hồ sơ dự án kéo dài hơn ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư khiến dự án bị ảnh hưởng do trượt giá. Tiêu chí phân nhóm, phân loại dự án theo tính chất, không theo tổng mức đầu tư sẽ dẫn đến các công trình tu bổ di tích, dù với quy mô chỉ vài trăm triệu đồng cũng phải chịu các trình tự, thủ tục tương đương với các dự án nhóm A (có tổng mức trên 800 tỷ, theo quy định phải được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư và đánh giá tác động môi trường).

Gỡ khó cho Huế

Để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình lập thủ tục các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Cố đô Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế đề xuất các cơ quan chức năng, Bộ chủ quản, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phân loại dự án đầu tư xây dựng các công trình di tích theo tổng mức đầu tư như các công trình dân dụng khác, không phân loại theo tính chất của công trình như các luật quy định. Đồng thời, đề xuất giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) và Bộ Xây dựng có sự thống nhất trong việc phân công thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo từng giai đoạn của dự án, đảm bảo hồ sơ dự án không phải đồng thời đến nhiều cơ quan, nhưng vẫn chặt chẽ theo các quy định của Nhà nước. “Với thực tế địa phương, chúng tôi cũng đã có kiến nghị UBND tỉnh làm việc với các bộ ngành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội để điều chỉnh các chính sách phù hợp liên quan đến công tác trùng tu di tích, nhất là đối với địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di sản như Thừa Thiên Huế”, TS. Phan Thanh Hải nói.



Mô hình thu nhỏ của điện Cần Chánh (Đại Nội) – Dự án đang được nghiên cứu phục hồi

Để tăng cường khả năng bảo vệ tính nguyên gốc cho các di tích cấp quốc gia đặc biệt, Nhà nước cần thiết ban hành nhiều quy định thắt chặt trình tự, thủ tục thẩm định trong dự án liên quan đến hoạt động tu bổ. Đây là giải pháp cứng để nâng cao chất lượng của hoạt động tu bổ di tích, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, biến dạng di tích trên phạm vi cả nước. Vì vậy, sẽ không dễ để kiến nghị thay đổi luật hay những quy định dưới luật điều chỉnh về nội dung trên. Riêng với Thừa Thiên Huế - địa phương có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn tu bổ, phục hồi công trình kiến trúc di tích, được Bộ VH,TT&DL và UNESCO đánh giá cao ở lĩnh vực này, thiết nghĩ nếu muốn được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình lập hồ sơ dự án tu bổ thì phải xin được một cơ chế đặc thù cho trùng tu di tích.

Từ trước đến nay, quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương. Năm 2012, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ quan tâm đầu tư trùng tu di tích Cố đô Huế bằng cơ chế bổ sung có mục tiêu từ năm 2013 đến 2020 tổng mức 800 tỷ đồng. Đến đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế. Theo đó, từ nay đến năm 2024, có 10 dự án thành phần trùng tu di tích Huế được sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương của Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa và 17 dự án thành phần khác sử dụng nguồn vốn địa phương… sẽ được triển khai thực hiện. Đây là những điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế đề xuất kiến nghị lên các cấp, ngành Trung ương về một cơ chế riêng nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, cũng như nhiều quy định ràng buộc khác để rút ngắn thời gian lập thủ tục cho các dự án trùng tu, tôn tạo di tích.

Nhưng một điều chắc rằng, để những kiến nghị ấy có cơ sở thuyết phục, thì hơn hết Thừa Thiên Huế - mà cụ thể là đơn vị Trung tâm BTDTCĐ Huế, càng phải khẳng định rõ hơn khả năng, kỹ thuật trùng tu di tích của địa phương.

(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Đồng Văn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quy-dinh-ve-ton-tao-tu-bo-di-tich-can-co-che-rieng-cho-hue-a7282.html