Nét riêng của những ngôi chùa ở Bình Phước

Qua khảo sát, thống kê sơ bộ các ngôi chùa ở Bình Phước được khai sáng theo dấu chân của người Việt ở những buổi đầu vào định cư trên vùng đất mới thì chùa được làm tạm bợ bằng tranh tre, vách nứa. Căn cứ vào các tư liệu, cũng như theo lời kể của các vị trụ trì thì chùa ở Bình Phước được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Quá trình hình thành

Giai đoạn hình thành thứ nhất là vào khoảng năm 1917 do thực dân Pháp và công nhân làm đồn điền cao su lập nên. Những ngôi chùa được người Pháp dựng lên chủ yếu nhằm mục đích “mị” công nhân để đẩy mạnh trồng và khai thác, chế biến mủ cao su. Điển hình các ngôi chùa được người Pháp dựng như các chùa Linh Thông, Linh Sơn, Linh Ứng... ở huyện Lộc Ninh. Chùa Quang Minh (Lộc Ninh), chùa Bồ Đề  (Bình Long) là điển hình về chùa được người dân lập bằng tranh, tre, vách nứa. Hệ thống thờ tự chủ yếu thờ tượng Thích Ca Mâu Ni và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ, được tạc rất đơn giản, có chiều cao khoảng 50cm, đặt trên một kệ gỗ bên dưới để một bát nhang bằng gốm, sành, đồng để người dân thắp nhang vào ngày rằm, mùng một hàng tháng.



Chùa Linh Thông ở huyện Lộc Ninh hình thành năm 1917, nay đã được trùng tu mới

Giai đoạn hình thành thứ hai vào khoảng từ năm 1930-1954, theo luồng di cư của người dân miền Bắc và miền Trung vào làm đồn điền cao su cho thực dân Pháp. Tiêu biểu là các chùa: Minh Đức, Thanh Long, Thanh An, Phước Bửu... (Hớn Quản); Bảo An, Tân Minh, Hưng Lập... (Bình Long); Quang Minh  (Đồng Xoài); Phúc Lâm, Từ Quang, Vĩnh Lâm, Trúc Lâm, Quan Âm, Bảo Lộc (Lộc Ninh). Về cấu trúc, hệ thống thờ tự giống như giai đoạn trước nhưng một số ngôi chùa bước đầu xây dựng quy mô bằng tôn, tượng Phật cũng được làm to hơn. Bên cạnh đó, việc bài trí trong chùa bắt đầu được chú ý và xuất hiện nhạc khí như trống, chuông, bát hương bằng đồng...

Giai đoạn hình thành thứ ba vào khoảng từ năm 1960 đến 2005, điển hình là chùa: Thiện Tâm, Tứ Phước Tăng (Hớn Quản); Tam Bảo (Bình Long); Đức Bổn A Lan Nhã (Bù Đăng); Long Hà, Đức Hạnh (Bù Gia Mập); Hưng Long, Trung An, Minh Hương, Hoa Nghiêm, Nhuận Minh (Chơn Thành); Thanh Quang (Đồng Xoài); Thuận Phú, Thanh Long, Thanh Tâm (Đồng Phú); Thiên Hương, Nam Thiên, Nam Ngãi, Bảo Quang, Phước Sơn (Phước Long); Giác Ngạn, Giác Quang, Lôi Âm (Lộc Ninh). Về cấu trúc, hệ thống thờ tự có phần khác biệt hơn so với các giai đoạn trước. Vì chủ yếu xây dựng bằng gạch, gỗ, mái lợp tôn. Ngôi chùa được chia thành nhiều hạng mục khác nhau, như chính điện, phòng khách, phòng bếp... Hệ thống thờ tự quy mô hơn, các tượng Phật được tạc bằng những cây gỗ nguyên vây, thạch cao, xi măng, với đầy đủ kích cỡ, kiểu dáng. Nếu trong giai đoạn trước, các ngôi chùa chủ yếu thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thì trong giai đoạn này tượng Phật được thờ trong chùa rất phong phú: Đức Phật Bổn Sư, Sư tổ Đạt Ma, Đức Địa Tạng, Hộ Pháp và Tiêu Diện. Trong chùa còn xuất hiện nhiều chuông, trống, mõ, lư hương và trang trí nhiều họa tiết hoa văn Phật giáo. Trong giai đoạn này cũng chứng kiến sự sụp đổ của rất nhiều ngôi chùa bởi chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những ngôi chùa vào khoảng từ năm 1917-1960 đều bị đế quốc Mỹ tàn phá nặng nề như Phúc Lâm, Vĩnh Lâm, Trúc Lâm, Bảo Lộc, Linh Thông, Linh Sơn (Lộc Ninh), trong đó nhiều ngôi chùa trở thành căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Quy mô hoành tráng và mang nhiều dấu ấn

Hiện nay, nhiều ngôi chùa được trùng tu và tôn tạo với 2 lý do chính là xuống cấp và thành lập mới. Tùy theo mức độ, nhu cầu, thị hiếu của từng khu dân cư mà chùa được xây dựng lại với quy mô khác nhau nhưng thường là rộng lớn, khang trang hơn. Điển hình như các chùa: Linh Thông, Quang Minh, Từ Quang, Quan Âm, Giác Ngạn, Linh Sơn (Lộc Ninh); Bảo An, Hưng Lập (Bình Long); Quang Minh (Đồng Xoài); Thanh Long (Đồng Phú); Đức Bổn A Lan Nhã (Bù Đăng).

Những ngôi chùa hiện nay đều được xây dựng lớn, kinh phí tới vài tỷ thậm chí vài chục tỷ đồng. Cơ bản cấu trúc được xây dựng theo quy mô một mái và hai gian, hai trái, 1 tầng trệt và 1 tầng lầu hoặc không có tầng lầu. Tiền điện và hậu điện đều xây theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”, hệ thống thờ tự trong chính điện theo phong cách chùa Huế “Tiền Phật điện, hậu Tổ linh”. Các bức tượng trong các ngôi chùa thường là tượng Phật cao từ 1,5-2m được làm bằng gỗ, xi măng, thạch cao... Trong chính điện các ngôi chùa bên cạnh thờ đức Phật Bổn Sư ở chính giữa còn thờ thêm đức Phật Di Lặc, đức Phật Chuẩn Đề, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Sư tổ Đạt Ma thờ ở phía hậu Tổ linh. Bên ngoài khuôn viên thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Xung quanh tường chính điện đều trạm trổ các bức tranh kể về sự tích của đức Phật và được xây có dấu ấn của nghệ nhân Huế hoặc ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Do đó mang nhiều sắc thái khác nhau, có sự pha trộn về kiến trúc giữa các vùng miền để tạo nên một phong cách riêng hòa quyện với các ngôi chùa ở Nam bộ. Hàng năm, các chùa đều tổ chức lễ Phật đản, Vu Lan, Thượng Nguyên, Hạ Nguyên...

 Mỗi ngôi chùa tồn tại trên đất Bình Phước đều có đặc điểm riêng, nhưng về cơ bản đã để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống của nhân dân. Mỗi chùa có một đặc thù, sắc thái, cấu trúc, hệ thống thờ tự khác nhau nhưng tựu trung đều là nơi để mọi người dân đến cầu nguyện cho gia đình, cộng đồng mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc, cầu quốc thái dân an. Chùa hiện là nơi gắn kết nhiều người, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân theo đạo Phật hoặc có tín ngưỡng thờ Phật. Cũng như mọi năm, dịp tổ chức lễ Phật đản năm 2015, chùa lại là nơi tiếp tục góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng và giữ gìn nếp sống truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và gìn giữ từ ngàn xưa cho muôn đời sau.

(Theo Báo Bình Phước)

Đình Tâm

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/net-rieng-cua-nhung-ngoi-chua-o-binh-phuoc-a7260.html