Múa siêu tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Lẫm Phú Lâm - Ảnh: Tuyết Diệu
Kiến trúc - nghệ thuật quốc gia độc đáo
Lẫm Phú Lâm nằm trong quần thể kiến trúc bao gồm các di tích: đình, miếu thờ thành hoàng Lương Văn Chánh, miếu thờ Thiên Y A Na tạo thành một quần thể di tích tiêu biểu về mặt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng dân cư. Lẫm Phú Lâm là công trình kiến trúc bằng gỗ hiếm thấy mang đậm dấu tích gốc của kiến trúc đình lẫm xưa còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay. Di tích văn hóa tiêu biểu này đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Lẫm là loại hình di tích mang tính đặc thù ở Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ. Trong tiếng Hán - Việt cổ, lẫm có nghĩa là kho, đụn. Còn trong từ điển Hán - Việt của học giả Đào Duy Anh giải nghĩa rõ hơn, lẫm là kho đựng lúa. Thế nên, lẫm chính là nhà kho của làng dùng để chứa các loại nông sản thu hoạch được trên phần diện tích đất do làng sở hữu, quản lý. Ngoài chức năng chứa nông sản, lẫm còn là nơi thờ tiền hiền. Hiện nay, Lẫm Phú Lâm không còn chức năng chứa nông sản mà chỉ còn là nơi thờ tiền hiền, hậu hiền của địa phương với án thờ đặt trang trọng ở giữa, phía bên phải có án thờ Tả Văn, phía bên trái có án thờ Hữu Võ.
Giá trị kiến trúc - nghệ thuật tiêu biểu của Lẫm Phú Lâm là kiểu kiến trúc truyền thống 2 lớp mái lá. Lớp mái thứ nhất nằm ngay phía trên đầu cột phía dưới lót bằng nan tre đan, phía trên đắp bằng đất nện. Lớp mái thứ 2, phủ lên lớp mái thứ nhất, mái kéo dài về phía sân tạo cho hiên có không gian rộng. Kiến trúc Lẫm Phú Lâm vẫn còn giữ được bộ khung (dân gian gọi là giàn trò) vững chắc bằng gỗ, kết cấu theo kiểu xiên trính. Để tăng vẻ đẹp, vẻ thanh thoát, người thợ xưa đã tạo ra những đường soi nét và viền trên những súc gỗ, chạm lộng, đặt những bước tượng chạm giữa các xà ngang, xà dọc. Lẫm Phú Lâm biểu hiện đầy đủ giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, Lẫm Phú Lâm còn có nhiều tác phẩm điêu khắc cổ có giá trị thẩm mỹ. Các bộ phận kiến trúc nội thất của lẫm được chạm khắc công phu, chủ yếu là hình thức chạm lộng, trang trí nhiều họa tiết hoa văn có các đề tài truyền thống như: Cá chép vượt vũ môn, “Long thọ” (rồng cách điệu thành chữ thọ), “Tùng lộc” (hai con nai dạo chơi dưới gốc cây tùng), “Điểu mai” (hai con chim đậu trên cành mai), “Điểu trúc” (hai con chim đậu trên cành trúc)… Các bức chạm khắc tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển và tính nhịp điệu trong kiến trúc.
Màu nâu thẫm của gỗ xen lẫn màu rêu phong của thời gian là sản phẩm tư duy nghệ thuật của tiền nhân tạo ra cái đẹp, sự giản dị và mộc mạc như tâm hồn và tính cách của người dân đất Phú.
Ông Lê Trúc Ánh, thành viên Ban Quản lý đình, lẫm làng phường Phú Lâm, cho biết: “Lẫm Phú Lâm được hình thành vào khoảng thế kỷ XVIII, lúc đầu, di tích nằm trong khu đất sát bờ sông Đà Rằng (khu phố 1, phường Phú Lâm). Nhưng đến giữa thế kỷ XIX dòng chảy của con sông đã làm sạt lở khu đất nên toàn bộ di tích được di dời đến địa điểm hiện nay (khu phố 4, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa).
Cần được bảo tồn, chăm sóc đặc biệt
Phú Yên là vùng đất khắc nghiệt về thời tiết. Thế nên phần lớn các di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc - nghệ thuật đã bị mai một, hư hại nặng nề, nhất là đối với các di tích kiến trúc bằng gỗ. Vậy nhưng di tích Lẫm Phú Lâm - một công trình kiến trúc bằng gỗ tiêu biểu vẫn tồn tại tương đối nguyên vẹn đến ngày nay là một trường hợp cá biệt.
Khảo sát tại hai tỉnh lân cận là Khánh Hòa và Bình Định cho thấy, loại hình di tích lẫm hiện nay hầu như không còn nữa. Do đó, Lẫm Phú Lâm là di tích quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu loại hình kiến trúc truyền thống này. Ông Lê Trúc Ánh cho biết, Di tích Lẫm Phú Lâm và hệ thống lẫm làng ở Phú Yên phản ánh chế độ sở hữu đất đai thời phong kiến của các làng xã ở Phú Yên. Đây là nguồn sử liệu quan trọng để góp phần nghiên cứu các hình thức sở hữu ruộng đất ở Phú Yên trong tiến trình lịch sử.
Em Huỳnh Thị Như Quý, một học sinh ở khu phố 4, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Khi tham gia Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích nghệ thuật - kiến trúc quốc gia Lẫm Phú Lâm, em mới hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của công trình này đối với sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Em cảm thấy tự hào và sẽ cố gắng tìm hiểu rõ hơn về các giá trị đặc sắc của di tích”.
Hiện tại, UBND TP Tuy Hòa đang phối hợp với ngành Văn hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của di tích; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phục vụ khách tham quan du lịch.
"Trước mắt, UBND TP Tuy Hòa lập đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Lẫm Phú Lâm. Trước tiên là công tác bảo tồn, giữ lại tối đa những đặc điểm và thành phần gốc, đảm bảo tính xác thực lịch sử, đảm bảo độ “già nua” và dấu vết thời gian đọng trên “cơ thể” di tích; cùng với công tác nghiên cứu tạo ra những điều kiện để di tích có vị trí tương xứng và thích nghi trong môi trường đô thị. Di tích cần được “sống” trong sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng, đó chính là điều kiện quan trọng nhất để di tích tồn tại lâu dài", Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Nguyễn Văn Khoa cho biết.
(Theo Báo Phú Yên)