Cồng chiêng trong văn hóa Mường

Từ bao đời nay, cồng chiêng được xem là nhạc cụ biểu trưng cho văn hóa Mường, với đồng bào Mường ở Phú Thọ cũng vậy, cồng chiêng hiện diện trong mọi mặt đời sống của đồng bào, trong lễ hội, đình đám, nếu thiếu tiếng cồng sẽ là thiếu đi một phần văn hóa Mường.



Đồng bào Mường ở Yên Lập diễn tấu cồng chiêng trong ngày hội.

Cồng chiêng là từ chỉ chung một nhóm nhạc cụ có hình dáng giống chiếc nón ba tầm bằng đồng thau. Khi đánh người ta thường đánh vào giữa với dùi gỗ bọc vải. Biểu diễn cồng có hai cách là cầm tay và treo lên giàn nhưng hình thức biểu diễn cầm tay là phổ biến hơn cả. Một bộ cồng chiêng gồm có cồng to, cồng nhỡ, cồng trung và một đôi nhỏ có quai. Người đánh cồng đôi thường là người giỏi nhất bởi đó là cồng chủ công, chỉ đạo cả giàn cồng, mọi người nghe tiếng cồng đôi đánh sao sẽ theo như vậy. Khi cồng đôi và cồng to phối hợp nhịp nhàng với nhau thì bản hòa tấu sẽ hay hơn. Trong cồng chiêng có các điệu: Cồng đứng, cồng nhịp. Ngày nay, khi biểu diễn người ta tự biên thêm các điệu múa cho thêm nhộn nhịp, hài hòa. Một số bài hòa tấu tiêu biểu như: Bài chúc mừng, sắc bùa, gọi nhau đi hội, đi đường, chúc rượu vẫn thường xuyên được sử dụng.

Trong các sinh hoạt văn hóa và đời sống của người Mường có nhiều dịp để sử dụng cồng chiêng như Tết Nguyên đán, mừng nhà mới, lễ hội, đình đám, cầu mùa, đám cưới, đám ma hay hát dân ca… Vào dịp đầu xuân, các phường sắc bùa đi chúc tết với giàn cồng trên tay. Tiếng cồng được thay cho lời chúc và đem lại may mắn cho mọi người, mọi nhà. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, bộ cồng chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Trong lễ cưới, nhà trai, nhà gái đều đánh cồng chiêng để tạo không khí vui vẻ, chúc phúc cho hai họ, hai gia đình cùng cô dâu, chú rể. Cồng chiêng còn được dùng làm của hồi môn cho cô dâu khi về nhà chồng. Đối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là một thứ nhạc cụ mà nó còn biểu thị cho sự giàu có. Nhà nào có điều kiện đều sắm cho mình vài ba chiếc cồng. Trong căn nhà sàn truyền thống của người Mường, bộ cồng chiêng được treo ở vị trí trang trọng nhất.

Ngày nay, cồng chiêng chỉ còn được sử dụng trong ngày lễ hội của bản làng hay biểu diễn văn nghệ. Ở những xã có đông đồng bào M ường sinh sống ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn,Yên Lập và xã Yến Mao, Phượng Mao (huyện Thanh Thủy) đã thành lập được các đội cồng chiêng để tham gia biểu diễn trong các ngày hội văn hóa các dân tộc, trong các ngày lễ hội, giao lưu văn nghệ, đây cũng là hình thức để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

(Theo Phú Thọ Online)

Phương Thanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cong-chieng-trong-van-hoa-muong-a7231.html