Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người bình dân Nam bộ sáng tác dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam để hát chơi sau những giờ lao động. Các bài bản của Đờn ca tài tử được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi).
Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan... Từ khoảng năm 1930 có thêm đàn ghita phím lõm, violon, ghita Hawaii (đàn hạ uy cầm). Đờn ca tài tử được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng, dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.
Người thực hành Đờn ca tài tử gồm: người dạy đàn (thầy Đờn), người đặt lời (thầy Tuồng), người dạy ca (thầy Ca), người đờn (Danh cầm) và người ca (Danh ca).
Theo kết quả kiểm kê năm 2011, Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được thực hành tại hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình ở 21 tỉnh, thành phố miền Nam.
Ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
(Theo vietnamtourism.com)