Ca trù Hải Dương sau 7 năm được UNESCO ghi danh

Sau khi Hát Ca trù được UNESCO ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Hải Dương đã có những đóng góp thiết thực, trách nhiệm để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Hát Ca trù trao truyền lại cho thế hệ sau cũng như góp phần bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc.



Ca trù được UNESCO ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2009.Ảnh: yesvietnam.vn

Công tác tuyên truyền, quản lý Nhà nước

Từ khi di sản hát ca trù Việt Nam được UNESCO ghi danh năm 2009 và khi tỉnh Hải Dương đón bằng ghi danh tháng 11/2010, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động Bảo vệ Di sản Hát Ca trù giai đoạn 2010 – 2020. Chương trình đã được triển khai đạt những thành tựu nổi bật.

Cụ thể, Sở VHTTDL Hải Dương phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Hải Dương thực hiện các phóng sự phản ánh thực trạng hoạt động của các Câu lạc bộ (CLB) hát ca trù trên địa bàn. Trong đó, bước đầu thực hiện ghi thu các tiết mục trình diễn ca trù theo các không gian truyền thống vốn có như: không gian hát thi, hát chơi, hát thờ, với mục đích vừa tuyên truyền vừa làm tài liệu tập luyện, bồi dưỡng kỹ năng ca trù cho các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh; cùng với báo địa phương, tạp chí của ngành kịp thời đưa tin về các hoạt động liên quan đến di sản ca trù của trung ương và địa phương, tuyên truyền về Chương trình hành động bảo vệ di sản ca trù của địa phương; tổ chức định kỳ giao lưu Ca trù tỉnh Hải Dương hằng năm…

Ngoài ra, Sở còn thực hiện xây dựng các đĩa tư liệu hình ảnh về Ca trù trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích phục vụ cho công tác tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về những đặc trưng độc đáo của Ca trù Hải Dương, qua đó tuyên truyền các giá trị của loại hình di sản văn hóa này rộng rãi hơn trong nhân dân địa phương. Cụ thể, đã xuất bản sách “Ca trù Hải Dương”, làm đĩa tư liệu phim phóng sự “Ca trù - Khúc hát lắng hồn dân tộc”, đĩa tư liệu “Hát ca trù trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, đĩa tư liệu “Sinh hoạt các CLB ca trù tỉnh Hải Dương”…
 



Hải Dương hiện có 5 CLB ca trù đang hoạt động

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Bộ VHTTDL, Viện Âm nhạc Việt Nam, Hải Dương đã tiến hành các cuộc điều tra, kiểm kê, hệ thống tư liệu về di sản ca trù, từ đó tạo cơ sở cho việc phục hồi, phát triển ca trù trên địa bàn tỉnh. Sở VHTTDL đã tham mưu xây dựng các đề án, quy hoạch, kế hoạch định hướng cho việc bảo tồn di sản văn hóa nói chung và di sản ca trù nói riêng trình UBND tỉnh phê duyệt như: Điều tra, sưu tầm các bài hát ca trù trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương 2008 - 2015 định hướng 2020; Đề án bảo tồn và truyền bá văn học, nghệ thuật dân gian trên địa bàn tỉnh Hải Dương (giai đoạn 2010 - 2015); Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh năm 2016.

Theo thống kê, tổng số người biết đàn hát ca trù trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay (đến hết 2015) là 82 người, trong đó 80 người đang tham gia sinh hoạt trong các CLB ca trù và phần lớn trong độ tuổi từ trên 30 đến trên 60, 8 người có tuổi từ 70 trở lên. Hải Dương hiện có 5 CLB ca trù đang hoạt động, đó là: CLB ca trù của Trung tâm Văn hóa tỉnh; CLB ca trù phường Ngọc Châu (thành phố Hải Dương); CLB ca trù huyện Cẩm Giàng; CLB ca trù huyện Nam Sách; CLB ca trù xã Dân Chủ (huyện Tứ Kỳ). Đây là nơi tập hợp những người tâm huyết, say mê với nghệ thuật ca trù, hoạt động thuần túy với lòng ham thích loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, trên tinh thần tự nguyện.
 



Hải Dương ban hành Chương trình hành động nhằm bảo vệ Di sản hát Ca Trù.Ảnh: minh họa (nguồn: dangcongsan.vn)

Có thể thấy, từ khi Ca trù được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp trở thành sự động viên, khích lệ lớn, khơi dậy niềm tự hào, củng cố lòng nhiệt tình của những con người đang góp phần bảo tồn và phát huy di sản ca trù tại địa phương.

Thực hiện các biện pháp bảo vệ đã cam kết với UNESCO

Sau khi Ca trù được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, UBND tỉnh Hải Dương đã xây dựng Chương trình hành động Bảo vệ Di sản Hát Ca trù giai đoạn 2010 - 2020, trong đó đề ra các nội dung chính và các hoạt động cụ thể để thực hiện bảo tồn di sản ca trù. Sau 7 năm thực hiện Chương trình hành động đã đạt được một số kết quả như sau: Kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu Ca trù: Kiểm kê ở 12 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; Phân loại, hệ thống hóa các tư liệu, hiện vật liên quan tới ca trù, cập nhật tư liệu ca trù vào Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của Sở VHTTDL.

Bên cạnh đó, phục hồi và truyền dạy ca trù: Xây dựng chương trình giới thiệu về di sản ca trù trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương phục vụ công tác tìm hiểu nghiên cứu chuyên sâu về ca trù, góp phần xã hội hóa, truyền bá giá trị di sản văn hóa này ra cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy ca trù tại tỉnh và tại từng CLB. Từ những năm 2007, và đặc biệt từ 2010, Trung tâm Văn hóa tỉnh mỗi năm mở 1 lớp tập huấn nâng cao thể cách hát ca trù cho các học viên của các câu lạc bộ ca trù trong tỉnh, trong thời gian 2 tháng vào các ngày cuối tuần, với số lượng trung bình khoảng 30 học viên, giảng viên là các nghệ nhân Ca trù của Trung tâm Văn hóa tỉnh và mời nghệ nhân của CLB Ca trù Thái Hà (Hà Nội). Từ 2009, hàng năm Trung tâm Văn hoá tỉnh cũng mở 1 lớp đào tạo đàn hát ca trù trẻ, với khoảng trên 10 học viên, cho học viên là các cháu trong độ tuổi học sinh, có năng khiếu đàn hát, say mê nghệ thuật hát ca trù, nhằm xây dựng một đội ngũ đàn, hát ca trù trẻ có năng khiếu, được đào tạo bài bản làm lực lượng kế cận cho ca trù Hải Dương.
 



Hàng năm Sở VHTTDL Hải Dương mở lớp đào tạo đàn hát ca trù trẻ

Ngoài ra, tại từng CLB ca trù tại các địa phương, trong hoạt động sinh hoạt CLB định kỳ cũng đồng thời diễn ra các hoạt động truyền dạy, học hỏi, tự đào tạo nâng cao kỹ năng ca trù. Từ năm 2010, Sở VHTTDL Hải Dương đã hỗ trợ kinh phí cho 5 câu lạc bộ ca trù trên địa bàn tỉnh 5 triệu đồng/CLB/năm và hỗ trợ 2 nghệ nhân lão thành của Câu lạc bộ ca trù xã Dân Chủ (huyện Tứ Kỳ) mỗi nghệ nhân 1 triệu đồng/tháng nhằm khuyến khích, hỗ trợ hoạt động truyền dạy nghệ thuật ca trù và sinh hoạt CLB tại các địa phương; thực hiện từng bước phục hồi các không gian ca trù: hát thờ, hát chơi, hát thi tại các CLB ca trù có chất lượng hoạt động tốt của tỉnh; phục hồi một số di tích liên quan tới Ca trù: Tổ chức khảo sát lựa chọn di tích thờ tổ nghề, có tổ chức hát ca trù để xây dựng đề án và kế hoạch chi tiết trình Bộ VHTTDL, Viện Âm nhạc để triển khai trong thời gian tới; truyền bá và phổ cập nghệ thuật Ca trù trong các trường phổ thông và chuyên nghiệp: Nghiên cứu đưa nghệ thuật ca trù vào giảng dạy trong nhà trường; phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức truyền dạy ca trù chuyên sâu tại Trường Trung học Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch của tỉnh và các lớp học phổ cập cho thế hệ trẻ về ca trù.
 



Hy vọng, với những cố gắng của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của người dân, di sản Ca trù Hải Dương cùng với không gian ca trù của Việt Nam sẽ vượt qua tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: khoahoc.tv

Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy hát Ca trù. Xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa tìm hiểu, làm quen với nghệ thuật ca trù; tổ chức nói chuyện về ca trù tại các nhà trường; biên soạn, in ấn các tài liệu giới thiệu về ca trù phù hợp với các cấp học từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông và các trường chuyên nghiệp; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích và bảo vệ các nghệ nhân: Xây dựng hồ sơ đề nghị phong tặng Nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú theo tiêu chí của Bộ VHTTDL. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân lão thành được nhà nước phong tặng danh hiệu và các chính sách hỗ trợ đào tạo lớp nghệ nhân kế cận.

Việc đề ra chương trình hành động bảo vệ ca trù của UBND tỉnh Hải Dương và các kế hoạch, biện pháp cụ thể hàng năm của Sở VHTTDL đã tạo ra hiệu quả thiết thực đối với các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù.

Hy vọng, với những cố gắng của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của người dân, di sản Ca trù Hải Dương cùng với không gian ca trù của Việt Nam sẽ vượt qua tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp và được UNESCO ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian sớm nhất.

(Theo Cinet.vn)

Lan Phạm (TH)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-tru-hai-duong-sau-7-nam-duoc-unesco-ghi-danh-a7170.html