05/11/2016 09:49
05/11/2016 09:49
“Chuyện ngõ nghèo” - Vấn đề nhân loại trong văn chương
Tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang tính nhân loại chứ không còn bó hẹp trong những câu chuyện bon chen chật vật của các phận người trong một ngõ nghèo
Cây bút tiểu thuyết số 1 Việt Nam từng nổi tiếng với “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”… vừa gây bất ngờ cho bạn đọc bằng tiểu thuyết đương đại “Chuyện ngõ nghèo”, viết từ hơn 30 năm trước, bởi câu chuyện đặt ra những vấn đề mang tầm nhân loại.
Câu hỏi lớn cho loài người
Nuôi lợn trong gầm cầu thang, chia sẻ thức ăn và hít thở không khí chật chội cùng lợn là câu chuyện của hàng ngàn người dân Hà Nội những năm 1980. “Nhưng cái hay là từ câu chuyện tưởng như rất đỗi bình dị đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dựng nên cả một đời sống đầy mùi lợn, phóng chiếu ra xã hội để nhìn rõ sự ô nhiễm, bất an, con người ngày càng tha hóa đi, cắn xé nhau, truy đuổi nhau, giành giật nhau… Tác phẩm đặt ra câu hỏi lớn rằng có phải con người ngày càng ít nhân tính, nhiễm thú tính và chuyện đó là do hoàn cảnh xô đẩy hay là tại chính mình? “Chuyện ngõ nghèo” đã rất xuất sắc đặt ra những vấn đề mà cả nhân loại cùng phải quan tâm” - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét.
Trong “Chuyện ngõ nghèo”, Lân - người bạn tâm huyết cùng nghề nuôi lợn với nhà văn Nguyễn Hoàng - một thương binh nuôi lợn đến trình độ nghệ sĩ. Lân đặt cho đàn lợn những cái tên hào hùng như: Chiến Binh, Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm… Ngày đêm, Lân túc trực bên dòng sông đen, vớt đồ thừa thãi từ các lò mổ về chế biến như một “nhà máy” thức ăn phục vụ cho đàn lợn của anh.
Chân dung nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và bìa cuốn sách “Chuyện ngõ nghèo” Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Tám - một người bạn khác của nhà văn nghèo, cũng trở về từ chiến trường - là nhà khoa học, thầy giáo dạy sinh vật, còn chuyên tâm nghiên cứu cả lý thuyết luận về lợn, đưa ra “Bách khoa lợn”, liên hệ cổ kim Đông Tây, từ cách chế biến món ăn bằng thịt lợn, cách nuôi lợn lớn nhanh, tìm hiểu đặc tính loài lợn, đưa ra những kết luận rùng rợn nhưng hoàn toàn có cơ sở dựa trên nhiều vụ án đã xảy ra trong thực tế là lợn thích ăn… thịt người nhất. Anh đã tổng kết những ghi chép, quan sát về cuộc tranh đấu theo kiểu “rất người” trong xã hội loài lợn để có thể tiến lên, thậm chí bước tới giấc mơ thống soái loài người.
Bộ ba nhân vật Hoàng - Lân - Tám đã hội tụ đủ mọi yếu tố từ thực tế nuôi lợn tới triết học về lợn, đưa ra những đoán định xa xôi về tính lợn trong con người - mà nếu không học cách kiềm chế và loại bỏ thì xã hội sẽ ngập tràn “tính lợn”, có thể coi những giấc mơ như lời cảnh báo mang tính nhân loại chứ không còn bó hẹp trong những câu chuyện bon chen chật vật của những phận người trong một ngõ nghèo.
Một trong những yếu tố khiến “Chuyện ngõ nghèo” vượt lên trên tầm cỡ của một tiểu thuyết đương đại thông thường là việc nhà văn đã xây dựng thành công các thế giới khác nhau, thể hiện luân hồi, quả báo. Đặc biệt là chuyến viễn du vào tương lai, đến xứ Vui hay vương quốc Không Nước Mắt, để nhận thức rõ hơn về giá trị bề mặt và giá trị bên trong. Một vương quốc toàn màu hồng, tưởng chừng chuyện gì cũng vượt qua cả tốt đẹp, như một kiểu thiên đường nhưng chính ở đó, nhà khoa học tên Tám, người say mê viết “Bách khoa lợn”, đã xuất hiện để giải cứu ông Hoàng khỏi ngục tù và tìm lại công bằng cho người dân khi họ bị cưỡng chế vui, bị cướp mất tuyến lệ, trong khi biết khóc là một trong những điều đặc biệt của con người. Nước mắt đắng cay mặn chát nhưng chính nó lại là nhận thức sám hối, để tìm lại nhân cách người, thay vì chỉ hoạt động như những cỗ máy. Cũng chính nước mắt sẽ cho mỗi người đọc, chứ không chỉ nhân vật của tiểu thuyết, nhận ra những giá trị của cái thực mà mình đang sở hữu, để rồi biết yêu thương hơn trong thế giới bình thường.
Hành trình văn chương khổ nhọc
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh luôn đòi hỏi mọi thứ phải rõ ràng, rành mạch, làm tốt thì hãy làm, không thì thôi. “Chuyện ngõ nghèo” hoàn thành từ năm 1982 nhưng đến giờ mới ấn bản. Nhà văn nhẹ nhàng bảo: “Đó là cái duyên của mỗi cuốn sách. Mình đã viết ra rồi, khi nào in là số phận của cuốn sách. Đóng bút lại là không sửa chữa gì nữa nhưng chỉ cân nhắc mỗi cái tên tiểu thuyết thôi mà lấn cấn mãi, cũng thay đổi qua vài lần, cuối cùng chọn một cái tên thật giản dị. Sách in xong thấy vui lắm, vì đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết về Hà Nội, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình”.
Trước đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có tiểu thuyết “Hoang tưởng trắng” viết năm 1974 nhưng đến năm 1985 mới được in ở NXB Đà Nẵng dưới cái tên “Miền hoang tưởng” và bút danh Đào Nguyễn. Mãi đến năm 2015, tức 30 năm sau, tác phẩm mới ấn bản lần thứ hai với tên gốc là “Hoang tưởng trắng”, lấy tên thật của tác giả. Tiểu thuyết này được các nhà phê bình đánh giá cũng là những suy tư về nhân loại tương tự “Chuyện ngõ nghèo”.
“Từ những cuốn tiểu thuyết viết xong phải đến hơn 30 năm sau mới được in của Nguyễn Xuân Khánh, có thể thấy thời sự không phải là vấn đề đối với văn học. Thời sự chỉ là cái cớ, điều quan trọng nhất là cái tài và cái tâm của nhà văn. Bài học lớn về việc viết lách là các nhà văn vẫn phải viết, đừng vì e sợ không in được mà không viết. Khi e sợ như thế, nghĩa là anh đã không dám dấn thân tới cùng và mục đích văn học đã không được coi trọng nhất mà có thể cái đích của anh là danh lợi. Hơn nữa, nhà văn phải viết thật với những cảm xúc và tư tưởng của mình thì tác phẩm mới có giá trị lâu bền” - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận.
Tác phẩm bậc thầy bị “bỏ quên”
Trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” (dày 804 trang), “Mẫu thượng ngàn” (808 trang), nhiều phân đoạn đi sâu miêu tả tâm lý cộng đồng, phong tục, là thế giới huyền ảo của trực giác, linh cảm, ham muốn, ẩn ức. Còn với “Chuyện ngõ nghèo” (320 trang), văn phong đương đại hấp dẫn đến nỗi độc giả đã cầm lên là sẽ không thể bỏ sách xuống. Cuốn tiểu thuyết nào của Nguyễn Xuân Khánh cũng gửi gắm nhiều ưu tư với dân tộc, với đất nước, với lịch sử ngàn năm và bản chất thiện sâu kín nhưng luôn tỏa sáng rạng rỡ của nhân loại.
Việc giới thiệu các tác phẩm văn học tầm cỡ, có thể đại diện cho một nền văn học như “Hoang tưởng trắng”, “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh ra ngoài biên giới Việt Nam lẽ ra phải được tiến hành trong một chương trình quốc gia, có kế hoạch rõ ràng, đặt mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. “Rất đáng tiếc khi hiện tại, không chỉ những tác phẩm bậc thầy của Nguyễn Xuân Khánh đang bị “bỏ quên” mà nhìn chung, việc mang văn học Việt ra nước ngoài ở ta vẫn chỉ mang tính hình thức, làm rất rầm rộ nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu. Dịch văn học Việt được chăng hay chớ, chỉ phụ thuộc vào dịch giả nước ngoài” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đồng thời là dịch giả với bút danh Ngân Xuyên tự sự.
(Theo nld.com.vn)
Hòa Bình
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ngo-ngheo-van-de-nhan-loai-trong-van-chuong-a7143.html