05/11/2016 09:17
05/11/2016 09:17
Trái cây trái vụ Bảy Núi
Đầu tháng mười âm lịch, thời vụ nhiều loại cây trái vùng Bảy Núi cơ bản kết thúc, rải rác một vài vườn còn thu hoạch giai đoạn cuối. Thế nhưng, đi vãn cảnh du khách vẫn thấy bơ, xoài, mãng cầu ta… bày bán ven đường. Theo nhiều cư dân, đây là trái cây trái vụ, một cách làm phổ biến ở miền núi hiện nay.
Ứng phó nhiều tình huống
Cư dân miền núi thường nói vui: “Cây trái bây giờ không còn gọi là mùa, lúc nào cũng có thu hoạch, sản lượng không nhiều thì ít, cứ gối vụ liên tục quanh năm, như: Khu vực Ô Tứk Sa, Ba Xoài, Ô Tà Bang… và Thổ Phi, Ô Tà Sóc, Ô Vàng…”. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc xử lý ra hoa và kết trái trái vụ. Với cách làm này, ông Trần Minh Hiếu (ấp Chơn Cô, xã An Cư, Tịnh Biên) cho biết, nhà vườn sẽ né “dội chợ - ế hàng” và đón du khách đi đông dịp rằm lớn, góp phần kích thích nhu cầu tiêu thụ.
Hơn một tháng nay, mưa gió dồn dập, tác động nhiều đến năng suất và chất lượng nhiều loại cây trái ở miền núi. Thế nhưng, đối với những vườn bơ, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, xoài… cho trái trái vụ lại được lợi thế. Một nghịch lý buộc nhiều cư dân phải ứng dụng và tuân thủ theo quy trình canh tác mới. “Mần theo hướng dẫn kỹ thuật, dẫu sao cũng hạn chế được rủi ro, sản phẩm rộng đường tiêu thụ hơn”- ông Tạ Văn Tốt (ấp Tân Long, xã Tân Lợi, Tịnh Biên) chia sẻ. Vườn mãng cầu ta của ông thu hoạch muộn, nhưng bán được giá tốt; ngày mùa hơn nửa vụ, sơ bộ thu hoạch có phần khả quan.
Theo kinh nghiệm hợp tác làm vườn, ông Huỳnh Linh Hải (ấp Phú Hòa, xã An Phú, Tịnh Biên) cho rằng, chất lượng cây trái Bảy Núi ngang ngửa dưới đồng bằng và có thể hơn hẳn một số loại, song về sản lượng thì bì không kịp, bởi không có vườn chuyên canh và diện tích manh mún. “Họp lệ Tổ hợp tác làm vườn, chúng tôi thường thông tin kỹ thuật, hễ nghe điều gì hay là trao đổi liền để cùng học hỏi”- ông Hải nói.
Xoài núi đang hút khách
Đón đợt rằm tháng mười
Đây là đợt rằm lớn thứ 3 trong năm, vùng Bảy Núi sẽ đón người hành hương, du khách tham quan. Theo thông lệ này, trái cây đặc sản miền núi được cơ hội giới thiệu với du khách, vừa chứng tỏ khả năng tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật trồng trọt. “Ở núi non, nhờ những ngày rằm lớn hoặc lễ, Tết có khách tham quan, mình mua bán mới được. Bằng không, chắc khó bề xoay trở”- ông Nguyễn Văn Hùng (ấp An Hòa, xã An Hảo, Tịnh Biên) cho biết. Đặc biệt, dịp rằm tháng mười, đồng bào Khmer còn có nhiều lễ hội nên sức tiêu thụ trái cây cũng khá mạnh.
Rằm tháng mười, không chỉ dành cho tín đồ theo đạo Phật, mà những người bình thường cũng thích đi núi non. Cho nên, ngoài “trung tâm hành hương” là núi Cấm, các khu vực núi Két, núi Trà Sư, núi Dài nhỏ, núi Cô Tô, núi Tượng, núi Nước… còn đón du khách khắp nơi đến vãn cảnh, sẵn dịp tìm hiểu thêm về “đất nước, con người Bảy Núi xưa và nay”. Theo đó, những sườn núi, triền đồi, đất dốc ở nhiều khu vực xuất hiện “vườn đồi- vườn rừng” theo mô hình “nông- lâm kết hợp” và lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản trái vụ.
Theo anh Nguyễn Văn Cường (khóm Xuân Hiệp, thị trấn Tịnh Biên), cây trái trái vụ còn tiêu thụ mạnh sang Takeo (Campuchia), bởi thời tiết bên đó bắt đầu chuyển sang mùa khô và kết thúc thời vụ gieo trồng trong năm. “Cùng lúc với rau màu, nông sản của Bảy Núi tiêu thụ khá mạnh. Vả lại, người dân Campuchia cũng cúng rằm tháng mười, nhu cầu mua bán trái cây rất lớn”- anh Cường cho hay. Nhờ vậy, trái cây trái vụ ở Bảy Núi trở nên hấp dẫn, thu hút du khách và bán qua biên giới.
Hội Nông dân huyện Tịnh Biên cho biết, các xã, thị trấn miền núi đều có mô hình làm vườn và hợp tác ứng dụng kỹ thuật, trong đó có việc xử lý cây ra hoa và cho trái trái vụ. Đây là giải pháp tích cực, giúp ích nhà vườn nhiều mặt, tạo nguồn trái cây đặc sản phục vụ khách du lịch, tham quan.
(Theo An Giang Online)
Nguyễn Thanh - Trọng Ân
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/trai-cay-trai-vu-bay-nui-a7141.html