Sau những năm đi nghiên cứu học tập ở một số nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) trước đây với nhiều trường phái (phương pháp) nghệ thuật sân khấu như Stanilapski ở Nga, BertolBrecht ở Đức, Caragale (Rumani), tôi càng nhận ra nghệ thuật truyền thống Việt Nam có những nét đặc sắc và tiến bộ vượt trội một số nước phương Tây. Vì thế mà trong vòng ba bốn chục năm gần đây những nhà nghiên cứu nghệ thuật Châu Âu quay trục hướng về văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam. Nhà phê bình sân khấu Ba Lan Sôphia Máckivích cho rằng, bà đã phát hiện Stanilapxki và Becthon Brecht trên sân khấu truyền thống Việt Nam. Nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng ở Pháp Mácxen Macxô đến Hà Nội xem tuồng và đã hết lời ca ngợi loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật dân gian như Quan họ, Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây nguyên, Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Tuồng, chèo là hai loại hình nghệ thuật cổ điển của Việt Nam được người phương Tây và cả phương Đông đặc biệt quan tâm tìm hiểu ngày càng nhiều, thậm chí khi tôi đang thực tập tại Nhà hát Stanilapski ở Mátxcơva, một số Giáo sư yêu cầu tôi diễn tuồng cho họ xem. Ở Rumani, các thầy hướng dẫn chuyên môn cho tôi yêu cầu tôi làm báo cáo khoa học bằng nghệ thuật tuồng và tôi đã dựng vở tuồng Ngêu-Sò-Ốc-Hến tại Cung văn hóa sinh viên Bucarest. Trên cơ sở đó, nhà hát Quốc gia Cluj đã dựng thành tiết mục biểu diễn thường xuyên, được khán giả hoan nghênh.
Khi về nước, tôi được Bộ Văn hóa phân công về Nhà hát tuồng Liên khu 5 làm đạo diễn trường (chỉ đạo nghệ thuật). Ở cái nôi tuồng này, tôi càng phát hiện được nhiều điểm ưu việt của nghệ thuật tuồng.
Trong thời gian làm Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam, tôi tiếp xúc với nhiều nhà sân khấu các nước Đông, Tây đến tìm hiểu về nghệ thuật tuồng, chèo và trao đổi rất nhiều lần với các chuyên gia sân khấu Châu Âu, Châu Á. Từ đó tôi nghĩ, vấn đề quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam ra nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng đối với ngành văn hóa nói chung, trong đó có Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN do tôi phụ trách (thời gian phụ trách Viện Sân khấu VN, tôi cũng đã làm công việc này).
Từ những năm 80 (TK 20) đến nay (2016) tôi đã đi quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam trên nhiều nước Châu Âu như Nga, Litsva, Đức (3 lần), Bungari, Rumani (nhiều lần), Anh Quốc (2 lần), Pháp (2 lần), ở Châu Á thì Nhật Bản (2 lần), Hàn Quốc (1 lần) và Lào, Campuchia. Riêng với Mỹ thì đây là lần thứ 4 tôi quảng bá nghệ thuật tuồng ở nhiều trường Đại học, chưa kể những đoàn sinh viên Mỹ và chuyên gia văn hóa Mỹ nhiều lần đến Hà Nội đều mời tôi giới thiệu nghệ thuật tuồng, cùng với nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa giới thiệu Hát xẩm và NSUT Kiều Oanh diễn minh họa tuồng.
Tuy vậy đối với Mỹ cho dù có đi thuyết giảng hàng trăm lần cũng chỉ là muối bỏ bể, bởi Hoa Kỳ là nước rộng lớn nhất thế giới, có hàng ngàn trường đại học thì làm sao đáp ứng nổi, Vì vậy mà năm 2011, chúng tôi phải đi chuyên cơ từ bang NewYork dến bang Tennesii để giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam cho các trường đại học và trung học ở đây. Ngay cá GS Trần Văn Khê bậc thầy về quảng bá nghệ thuật mà cũng chỉ mới thực hiện được vài ba trường ở Mỹ và GS Nguyễn Thuyết Phong sống ở mỹ hơn 30 năm cũng chỉ quảng bá âm nhạc Việt Nam, còn các loại hình sân khấu truyền thống phải có chúng tôi hỗ trợ.
Lần đầu tiên tôi đến nước Mỹ (2009) đúng vào dịp nước này đang bầu Tổng thống Obama và lần này (2016) lại là dịp bầu Tổng thống Hylary Clinton. Tại sao tôi dám khẳng định điều này bởi vì tôi đoán là bà Clinton sẽ làm Tổng thống, dù còn mấy ngày nữa mới bầu chính thức, nhưng ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên Donal Trump và Hylary Clinton và qua thăm dò thì đa số người dân Mỹ đã hướng về Hylary Clinton, nhà ngoại giao xuất sắc đã một nhiệm kỳ giúp cho Tổng thống Obama điều hành nước Mỹ thành công, giữ được vai trò đầu tàu thế giới trong bối cảnh trong nước và ngoài nước luôn biến động, luôn luôn có diễn biến phức tạp về chiến tranh sắc tộc, chiến tranh lãnh thổ, nạn khủng bố, nạn di cư và muôn vàn vấn đề chính trị, ngoại giao khác. Sự xuất hiện của bà Clinton hai lần ở Việt Nam đã để lại cho nhân dân Việt Nam một mối cảm tình sâu sắc. Chuyến viếng thăm của Tống thống Obama vào đầu tháng 5 năm 2016 vừa qua cũng đã ghi được dấu ấn sâu đậm, đặc biệt là giới trẻ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Và giờ đây, trong thời điểm quyết định về bầu Tổng thống mới, qua ba lần tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa thì, Obama đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ bà Clinton làm tổng thống, đó cũng là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Vì vậy mà Việt Nam đã mời Tổng thống mới của Mỹ - bà Clinton thăm Việt Nam sau khi được bầu Tổng thống. Giá tôi và các nghệ sĩ cùng đến Mỹ lần này mà được phép bầu tổng thống Hoa Kỳ thì chúng tôi sẽ bầu bà Clinton.
Nhớ lại, vào cuối tháng 10 năm 2009, chính tôi đã đứng cạnh tấm hình Obama phóng to như thật, tay cầm lá phiếu bầu Obama làm tổng thống. Trong hai chuyến đến Mỹ của tôi đều trùng hợp về sự kiện chính trị quan trọng của đất nước Mỹ là bầu tổng thống., nhưng có điều khác Việt Nam là người dân Mỹ tỏ ra không quan tâm nhiều tới sự kiện chính trị lớn này. Tôi hỏi thăm PGS Laurent thì, bà trả lời: “Người Mỹ đa số không thích ứng cử viên tổng thông Donnald Trump vì ông ta tỏ ra thiếu văn hóa trong phát ngôn, ứng xử. Điều này không hợp với một nhà chính trị, nhà chính khách. Còn bà Clinton được người dân cảm tình hơn”. Câu chuyện hai ứng cử viên tổng thống của hai đảng dân chủ và cộng hòa với những cuộc tranh luận của họ thì, ai cũng biết rồi, nên sự quan tâm chính của người Mỹ vẫn là đời sống kinh tế và hòa bình, ổn định xã hội. Còn ở các trường đại học ở Mỹ là những vấn đề học hành, trang bị kiến thức, vì vậy mà họ mời chúng tôi tới đây không ngoài mục đích ấy.
Trở lại nước Mỹ lần này, chúng tôi được sự giúp đỡ tận tình của PGS Laurent, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa xã hội truyền thống Việt Nam. Bà giao cho chúng tôi sử dụng cả tòa biệt thự sang trọng có đủ tiện nghi. Buổi sáng và buổi chiều PGS Laurent cùng nấu nướng và cùng ăn cơm với chúng tôi, tối thì đến nhà bạn ngủ nhờ để nhường giường cho nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, người mà Laurent nhận là chị em kết nghĩa. Suốt đợt công tác của chúng tôi, ngày nào cũng vậy, sáng Laurent lái xe đưa chúng tôi đến nơi trình diễn nghệ thuật, chiều lái xe đưa chúng tôi về nhà.. Trên quãng đường chừng 60 cây số xuyên qua những cây cầu đẹp, những rừng cây lá vàng, lá đỏ như tranh vẽ, trời không mưa, không lạnh lắm, cả ngày mặt trời chiếu sáng càng làm cho hoa lá thêm tươi xanh, càng tăng thêm những sắc màu thiên nhiên đặc trưng miền Bắc Mỹ. Lá vàng, lá đỏ phủ kín hai bên đường gần trăm cây số.
Ở công viên trường đại học New Pallz có những cây lá vàng trùm tận gốc như cây bông Vạn thỏ khổng lồ, tô điểm cho không gian nhà trường thêm thơ mộng. Nhìn những hàng cây lá vàng nổi bật trên những thảm cỏ xanh càng cảm thấy yêu cuộc sống nhiều hơn.
Hàng ngày hai buổi sáng và chiều chúng tôi đi qua một thành phố nhỏ thanh bình không treo cờ sao như ỏ một số thành phố khác. Tôi chú ý ở các cột điện, ở các cây cao hai bên đường đều có treo những bức ảnh quân nhân ở địa phương này đã hy sinh, hoặc tử vong ngoài mặt trận. Tôi không được biết rõ những chiến binh trong những bức ảnh ấy mất vì chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, nhưng việc làm của chính quyền địa phương này đã mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, tức là gợi cho người đang sống hôm nay nghĩ tới người đã hy sinh vì Tổ quốc họ. Bỗng tôi liên hệ tới những liệt sĩ Việt Nam họ mới được ghi tên trên bia đá và ở các Đài liệt sĩ, hoặc ở Bảo tàng, nên rất hạn chế người xem! Vì vậy nên chăng ở nước ta những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng nên treo những bức ảnh phóng to được thực hiện bằng kỹ thuật vĩnh cửu để cho những người đang sống được nhìn thấy và nghĩ tới công lao của người đã hy sinh!
Trong gần hai tuần lễ, chúng tôi đã thuyết giảng tới năm lượt tại trường Đại học New Pallz và Trường Cao đẳng Marist College. Buổi trình diễn đầu tiên của chúng tôi tại trường Đại học New Pallz có rất đông người dự gồm Giáo sư, nhà nghiên cứu và sinh viên. Khán giả nhiệt liệt hoan nghênh nghệ thuật tuồng do tôi thuyết trình và minh họa những động tác, vũ đạo như vuốt râu, bắt ngựa, bơi thuyền, câu cá… Đối với người Mỹ, nghệ thuật cách điệu, ước lệ phương Đông còn rất xa lạ với họ, nhưng hiểu ra rồi thì rất thích. Đặc biệt tại khoa sân khấu phương Đông nhờ có sự phiên dịch khá kỹ của PGS Laurent mà hầu hết các học viên đều hiểu những gì mà tôi diễn giải và minh họa. Từ thầy giáo đến sinh viên đều hào hứng theo dõi và cuối cùng, sau mỗi tiết mục là vỗ tay nhiệt liệt vì lần đầu tiên họ so sánh với Kinh kịch Trung Quốc và Noh của Nhật Bản. Cô nữ nghiên cứu sinh Hàn Quốc còn muốn tôi nói thêm về sự giống và khác nhau giữa sân khấu truyền thốngViệt Nam và sân khấu dân gian Hàn Quốc, nhưng không còn thời gian vì nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa phải trình diễn Hát xẩm, môn nghệ thuật mà người Mỹ cũng rất thích.
Nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là tuồng không chỉ ở các trường Đại học Mỹ quan tâm mà cả người dân cũng thích. Cụ thể là ông bà Meeke-Sosan chủ nhà chúng tôi ở tại New York đã đi ô tô gần trăm cây số tới Viện Văn hóa giáo dục ở New York để xem chúng tôi diễn tuồng, Hát xẩm và đã nhiều lần tại gia đình đã yêu cầu tôi diễn tuồng cho xem, thậm chí còn nhờ tôi dạy cho một số động tác như uống rượu, vuốt râu và mặc áo bào đóng vai vua… Dĩ nhiên, không phải họ học để diễn tuồng mà còn học để hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam, cũng như họ thích ăn phở và nem rán Việt Nam chứ không phải để họ thay văn hóa ẩm thực Mỹ bằng ẩm thực Việt Nam. Người Mỹ có thể múa bale, múa hiện đại rất hay nhưng múa tuồng thì rất khó. Tại trường Marist College sau khi xem tôi thuyết giảng đã lên sân khấu nhờ tôi hướng dẫn cho mấy động tác uống rượu, vuốt râu… nhưng không thể làm được.
Trí thức Mỹ nói chúng rất hồn nhiên và nhiệt tình khi tiếp xúc với văn hóa Việt Nam, không chỉ có tuồng mà cả Hát xẩm và âm nhạc đương đại nhạc Jaz do hai nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa và Giáng Son trình bày. Chương trình của chúng tôi tại các trường Đại học Mỹ bao giờ cũng được kết thúc bằng độc tấu T’rưng của nghệ sĩ Thanh Dần, với bài Suối đàn T’rưng và bài dân ca Mỹ. Người Mỹ thấy lạ lùng vì sao những ống tre Việt Nam mà rung lên được những âm thanh quen thuộc của người Mỹ. Như vậy, từ nghệ thuật tuồng đến Hát xẩm và đàn T’rưng đều mang cho người Mỹ những hình thức nghệ thuật mới lạ mang đậm đặc bản sắc dân tộc Việt Nam mà người Mỹ xa xôi đang hướng tới.
New York, ngày 15/10/2016
GS Hoàng Chương