Pắc Bó ghi dấu chân Người

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, có núi non hùng vĩ “sơn thủy hữu tình”, Pắc Bó (Cao Bằng) còn là một quần thể di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng. Trong đó, hang Cốc Bó là một di tích lịch sử hết sức quan trọng, ghi dấu một quãng thời gian hoạt động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Bác Hồ tại Cao Bằng.

Trước khi thăm hang Cốc Bó, theo hướng dẫn của đồng nghiệp Báo Cao Bằng, chúng tôi lên thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm trên đỉnh đồi Pò Tếnh Chấy, phía bên trái suối Lênin và núi Các Mác.


Du khách tham quan khu trưng bày tư liệu về Bác tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ

Nhà tưởng niệm được xây dựng cách điệu theo kiểu nhà sàn của đồng bào Tày-Nùng ở Cao Bằng, vừa thanh thoát, vừa uy nghi, giản dị mà hoành tráng. Sau 1 năm khởi công, công trình khánh thành đúng dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2011).

Từ sân Nhà tưởng niệm Bác nhìn xuống chân núi thấy thấp thoáng những mái nhà sàn khói tỏa màu lam của các bản làng người Nùng yên bình. Bên trong Nhà lưu niệm Bác được ốp hoàn toàn bằng đá hồng ngọc. Nơi bàn thờ gian giữa là bức tượng toàn thân Bác Hồ với dáng ngồi thanh thản. Phía trên cao là bức hoành phi khắc bốn chữ mạ vàng “Hồng nhật cao minh”.

Trên bốn bức tường xung quanh là bốn bức phù điêu lớn bằng đá hồng ngọc, diễn tả cảnh quan bốn địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Người: Pắc Bó, khu rừng Trần Hưng Đạo, cây đa Tân Trào và Quảng trường Ba Đình lịch sử. Các bức bích họa được tạo tác mềm mại, mang lại cho người xem sự ấm áp, gần gũi, tái hiện toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi trở về nước từ tháng 2/1941 - 8/1945.

 

Du khách tham quan bàn đá, nơi Bác làm việc trong thời gian Người sống và làm việc tại Pắc Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng)

Nhà tưởng niệm Bác Hồ có mặt chính quay về phương Nam, với ý nghĩa là trái tim của Bác luôn hướng về với đồng bào miền Nam, dù đất nước đã liền một dải. Ngày ngày, ngoài khách thập phương đến thăm quan thì người dân Cao Bằng đều đặn đến đây thắp nhang viếng Bác, với tầm lòng tri ân sâu sắc.

Theo chia sẻ của anh bạn đồng nghiệp Báo Cao Bằng, không biết ngẫu nhiên hay sự trùng hợp kỳ lạ, trước đây, khi chưa có Nhà tưởng niệm Bác, mỗi năm đến mùa mưa lũ, người dân Cao Bằng hứng chịu không biết bao nhiêu tang thương mất mát, thiệt hại về người và của. Thế nhưng, từ khi có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, mấy năm gần đây, cuộc sống của người dân Cao Bằng bình yên hơn, sức ảnh hưởng của gió bão cũng ít hơn.

Với một niềm tin son sắt vào Đảng, Bác Hồ, trong thâm tâm mỗi người dân nơi đây đều có chung suy nghĩ Bác Hồ luôn ở mãi với người dân Cao Bằng, đang chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương yêu dấu.

Rời Nhà lưu niệm Bác Hồ, chúng tôi đến thăm hang Cốc Bó. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là suối Lê - nin với dòng nước trong vắt, nhìn thấy được cả đàn cá bơi lội tung tăng. Nhìn xuống dòng suối có thể thấy được chữ Núi Các Mác in bóng một cách lung linh huyền ảo.

Những ai tới đây đều có chung cảm nhận, thiên nhiên ưu đãi cho Cao Bằng nhiều cảnh đẹp. Đứng trước suối Lê Nin-núi Các Mác, du khách sẽ nhớ đến những câu thơ nổi tiếng của Bác Hồ: “Non xa xa nước xa xa. Nào phải thênh thang mới gọi là. Đây suối Lê Nin kia núi Mác. Hai tay gây dựng một sơn hà”.



Ngày nay vẫn còn đó một Pắc Bó sơn thủy hữu tình - Ảnh: TL

Cửa hang Cốc Bó nhỏ hẹp, nhưng càng vào sâu bên trong, lòng hang rộng hơn. Hang rộng trên chục mét, dài chừng vài chục mét, rất ẩm ướt và lạnh lẽo do nước từ vách đá rỉ ra. Chỗ Bác nằm phía bên phải hang, được làm bằng các tấm ván gỗ cây nghiến ghép lại. Bên trái có 2 chỗ dành cho các đồng chí bảo vệ Bác. Trong hang có một thạch nhũ nhô lên, trông giống mặt người với tóc và râu rất dài, được Bác đặt tên là tượng Các Mác.

Ngoài bờ suối, chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc mỗi ngày; mỏm đá Bác ngồi câu cá thư giãn vẫn còn đó. Những vật dụng như chiếc phản gỗ đơn sơ nơi Người từng nghỉ và làm việc; bếp lửa nhỏ nơi Bác sưởi ấm; chiếc bàn làm việc chông chênh bên dòng suối nơi Bác đã dịch sử Đảng... như vẫn luôn ghi dấu chân và hơi ấm của Người.

(Theo Báo Đắk Nông)

Hoàng Bảo

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/pac-bo-ghi-dau-chan-nguoi-a7121.html