Đàn đá Đắk Sơn - Di sản văn hóa thời tiền sử đã được nghiên cứu giám định

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám định sưu tập đàn đá do ông Bùi Đức Mai, trú tại thôn Đông Sơn, xã Long Sơn (huyện Đắk Mil, Tỉnh Đắk Nông) phát hiện năm 2014.



Đàn đá Đắk Sơn được trưng bày và nghiên cứu tại Viện Khoa học và Xã hội Nam bộ

Kết quả nghiên cứu được Hội đồng Giám định Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ đưa ra kết luận xác đáng về nhiều phương diện. Trong đó thống nhất tên gọi khoa học cho sưu tập di sản văn hóa này là Đàn đá Đắk Sơn vì được phát hiện tại thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân (Krông Nô).

Về phương diện lịch sử văn hóa thì các thanh đàn đá (lithophone) thuộc sưu tập đàn đá Đắk Sơn được người cổ đại chế tác vào thời kỳ tiền sử, với niên đại nằm trong khung thời gian 3500 - 3000 năm cách ngày nay; được chế tác theo lối thủ công, kỹ thuật ghè đẽo ở thời kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, giống với loại hình đàn đá được phát hiện ở các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu…

Đàn đá Đắk Sơn được làm từ đá phiến biến chất, là sưu tập có số lượng thanh âm nhiều, có cao độ âm thanh khi gõ tạo thành chuỗi với hai nhóm tương đối hoàn chỉnh: Nhóm 1 là các thanh thắt eo ở giữa (hai rìa cạnh giữa các thanh đàn lõm khuyết); nhóm 2 là loại hình chữ nhật (hai rìa cạnh của các thanh đàn song song với nhau).




Một trong 3 bộ đàn đá hoàn chỉnh của bộ đàn đá Đắk Sơn

Các chuyên gia nhận định đàn đá Đắk Sơn là sưu tập di sản văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo cùng với các giá trị khoa học quan trọng trong lĩnh vực khảo cổ học và âm nhạc học… Trên cơ cở phân tích tần số âm thanh (do Nhà máy Z755, Binh chủng Thông tin Liên lạc Quân khu 7 kiểm định) và xác định loại hình trong tổng số 16 thanh thì sưu tập đàn đá Đắk Sơn được hình thành trên cơ sở 3 bộ đàn đá. Trong đó có một bộ gồm 7 thanh tương đối hoàn chỉnh, các bộ còn lại bị gãy (gãy từ trước và một phần trong quá trình phát hiện) và chưa đủ số lượng thanh âm.

Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thời tiền sử ở địa phương, Hội đồng giám định đề nghị chính quyền địa phương cần phối hợp với đơn vị chuyên môn tiếp tục khảo sát hiện trường, thu thập thêm cứ liệu khảo cổ học tại chỗ để nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến sưu tập đàn đá này. Các chuyên gia đánh giá đây là phát hiện quan trọng góp phần bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu đàn đá ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

(Theo Báo Đắk Nông)

Anh Bằng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dan-da-dak-son-di-san-van-hoa-thoi-tien-su-da-duoc-nghien-cuu-giam-dinh-a7096.html