Đà giảm chưa dừng
Khác với đình, đền, chùa, nhà cổ là nơi có người dân sinh sống nên di tích phải “ôm trọn” mọi sinh hoạt thường nhật của con người. Đa số nằm trong danh mục quản lý, bảo tồn là những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc tiêu biểu, đặc thù, có niên đại từ vài chục năm đến vài trăm năm nên khó tránh khỏi sự xuống cấp. Chất lượng sống, sinh hoạt của người dân trong những ngôi nhà cổ vì thế mà ít nhiều đều bị ảnh hưởng.
Một trong những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm giữ được nét xưa nhờ tu bổ, tôn tạo.
Nhìn bên ngoài, ít ai có thể biết căn biệt thự thời Pháp tại 44 Hàng Bè (Hoàn Kiếm) vừa là điểm trường của Trường Tiểu học Nguyễn Du, vừa là nơi nhiều hộ dân sinh sống. Công trình đã cũ, cổng gia cố bằng khung sắt, lối vào khá nhỏ. Vậy nhưng, hàng trăm học sinh và nhiều hộ gia đình vẫn học tập, sinh hoạt trong ngôi nhà này suốt nhiều năm nay. Người dân sống ở nhà 44 Hàng Bè cho biết, không gian sống chật, cũ kỹ, nhà vệ sinh dùng chung khiến họ không thể thỏa mãn với những nhu cầu tối thiểu, nhưng sống mãi thành quen. Ngoài nhà 44 Hàng Bè, Hà Nội còn hàng trăm biệt thự cổ, biệt thự cũ nằm trong danh mục bảo tồn đang có nhiều hộ gia đình sinh sống. Đáng nói hơn, kết quả khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, 80% nhà biệt thự cũ đã bị cải tạo hoặc biến dạng, 5% đã bị phá đi xây mới, chỉ có 15% còn tương đối nguyên trạng.
Ở khu vực ngoại thành, nhiều lần người dân Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), Cự Đà (Thanh Oai), Làng Cựu (Phú Xuyên)… phản ánh họ phải “sống khổ trong nhà cổ”. Vì muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, không ít hộ gia đình ở Làng cổ Đường Lâm “lách” các quy định hiện hành xây, sửa nhà cao hơn, rộng hơn, khác với kiến trúc cho phép. “Hệ lụy của việc làm này là số nhà cổ ở Đường Lâm ngày càng “ngót” đi. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm vốn đã khó lại càng thêm khó”, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho hay.
Ông Vũ Văn Bằng, cán bộ xã Cự Khê (Thanh Oai) cho biết thêm, từ những năm 1980 trở về trước, làng Cự Đà có hơn 100 nhà cổ với phong cách kiến trúc rất đa dạng. Sau “phong trào” phá nhà cổ xây nhà mới, hiện Cự Đà chỉ còn vài chục nhà được gọi là cổ. Nhiều người dân Cự Đà hiểu được việc giữ gìn nhà cổ là cần thiết, song vì mong muốn gia đình có nơi ăn, chốn ở tiện nghi hơn, họ sẵn sàng “hy sinh” vốn cổ. Đà giảm số lượng nhà cổ ở Cự Đà vì thế chưa có dấu hiệu dừng lại. “Nhà cổ, biệt thự cổ là “nhân chứng” của quá trình phát triển, là quá khứ của một làng, một đô thị và rộng hơn là một vùng, một dân tộc. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị nhà cổ là hết sức cần thiết, thể hiện sự trân trọng những gì ông cha để lại, đồng thời lưu giữ vốn quý cho hôm nay và mai sau”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH - TT Hà Nội bày tỏ.
Giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển
Ở Hà Nội, ngoài Luật Di sản Văn hóa và các quy định khác liên quan, nhà cổ trong các khu vực đặc thù còn được quản lý theo các quy chế đặc thù. Từ năm 2014, khu phố cổ Hà Nội được quản lý theo “Quy chế quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ”. Theo đó, nhà được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp trong khu phố cổ phải tuân thủ độ cao quy định. Kế hoạch di dân để bảo tồn nhà cổ, phố cổ cũng đã được quận Hoàn Kiếm và các ngành chức năng triển khai nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Đồng tình với hướng giải pháp này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phổ biến rộng rãi hơn nữa Quy chế quy hoạch kiến trúc khu phố cổ, kế hoạch giãn dân để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Để giữ gìn biệt thự cổ, biệt thự cũ, KTS Ngô Doãn Đức, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trước hết những người đang sinh sống trong những ngôi nhà cần ứng xử với di sản một cách phù hợp.
Với làng cổ ở Đường Lâm, việc xây dựng nhà ở, tu bổ nhà cổ phải theo “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm”, tỷ lệ 1/2.000 đã được các cơ quan chức năng phê duyệt. Thế nhưng, Quy hoạch bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm hiện bộc lộ rất nhiều bất cập. “Dân số ở Đường Lâm ngày một tăng, diện tích đất không mở rộng. Khi con cái trưởng thành, bố mẹ chia nhỏ đất ở cho các con ra ở riêng nên rất ít hộ có đủ điều kiện giữ nguyên không gian nhà cổ theo quy hoạch”, ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm phản ánh. “Chừng nào các cơ quan chức năng chưa đưa ra được hướng giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển một cách phù hợp, chừng đó người dân còn thờ ơ với việc giữ gìn nhà cổ. Như ở Đường Lâm, nhà cổ không còn thì làng cổ không còn”, ông Giang Mạnh Hoằng khẳng định.
Thực tế cho thấy, nhiều chủ sở hữu nhà cổ và chính quyền các địa phương có nhiều nhà cổ trong khu vực không phải di tích bày tỏ nguyện vọng được các ngành chức năng quan tâm giữ gìn nhà cổ. Thậm chí, nhiều nhà cổ ở xã Hữu Bằng (Thạch Thất), Cam Thượng, Phú Sơn (Ba Vì)… được các gia đình tự đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp. Những ngôi nhà cổ điển hình trong khu vực phố cổ Hà Nội hay xã Đường Lâm sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những “ngôi nhà di sản”, có sức hấp dẫn đặc biệt với khách tham quan. Qua đó có thể khẳng định, việc giữ gìn, tu bổ nhà cổ là hết sức cần thiết. Trách nhiệm, hiệu quả bảo tồn nhà cổ không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan quản lý, mà còn phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của những người sở hữu.
(Theo Báo Hà Nội Mới)