01/11/2016 15:26
01/11/2016 15:26
Dấu ấn Nguyễn Đức Toàn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam
Nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến Nguyễn Đức Toàn đã nhẹ nhàng rời xa cõi tạm để trở về giữa lòng đất mẹ yêu thương, nhưng những tác phẩm âm nhạc của ông sẽ còn ngân vang mãi trong lòng các thế hệ yêu nhạc hôm qua, hôm nay và mai sau.
Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn đã ghi dấu ấn vô cùng sâu đậm trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng gắn liền với lịch sử dân tộc.
Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Toàn sinh ngày 10/3/1929 tại làng Mọc, Hà Nội. Ông thuộc lớp tiền bối của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với những bài ca đi cùng năm tháng như: Quê em, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Hà Nội trái tim hồng,…
Là bậc thầy của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng Nguyễn Đức Toàn đến với âm nhạc chỉ như sự tình cờ rồi mới trở thành một duyên phận, thành cái “nghiệp” để người nghệ sỹ tài hoa ấy gắn bó, đeo đẳng suốt cuộc đời.
Hơn 70 năm gắn bó với âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn đã ghi dấu ấn vô cùng sâu đậm trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng gắn liền với lịch sử dân tộc.
Ca khúc đầu tay được Nguyễn Đức Toàn sáng tác năm 1945 (khi ấy ông mới 16 tuổi) mang tựa đề “Ngợi ca đời sống mới”. Ngay sau khi ra đời, ca khúc này đã được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Toàn đã có nhiều đóng góp trên các nẻo đường khói lửa. Bài hát "Quê em" của ông trở thành tác phẩm trình làng cho sự nghiệp âm nhạc tầm vóc mang tên Nguyễn Ðức Toàn. Đây cũng là một trong những bài "quê ca" thuần hóa nhịp van-xơ 3/4 trở thành bài ca làng thôn của Việt Nam cùng với những tác phẩm nổi tiếng khác như "Chiều quê" của Hoàng Quý, "Làng tôi" của Văn Cao, "Làng tôi" của Hồ Bắc.
Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn Ðức Toàn mê mải với lý tưởng qua những sáng tạo và biểu diễn phục vụ kháng chiến như "Chiều hậu phương", "Lúa mới",...
Sáng tạo âm nhạc của Nguyễn Ðức Toàn đặc biệt nở rộ trong những năm tháng đầu hòa bình lập lại ở miền bắc. Và bài hát "Mời anh đến thăm quê tôi" như một dấu ấn về sự chuyển bút pháp của ông để tiến tới những đóng góp mới. Từ đấy, ông bước tới một tác phẩm xuất sắc mà đến bây giờ vẫn là một trong những đỉnh cao ca khúc Việt Nam, đó là ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Ra đời vào năm 1956 và cho tới tận hôm nay, đã 60 năm trôi qua, mỗi khi ca khúc này được cất lên lại gây xúc động, làm thổn thức và nức nở bao tâm hồn người Việt. Cùng với đó là các hành khúc: "Noi gương Lý Tự Trọng", "Bài ca Ngô Mây", "Ca ngợi Trần Thị Lý", "Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi",…
Đã 60 năm trôi qua, nhưng ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn mỗi khi cất lên lại gây xúc động và làm nức nở bao tâm hồn người Việt.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết các bài “Đào công sự”, “Bài ca người lái xe”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Khâu áo gửi người chiến sĩ”,...
Trong những năm 1968-1970, ông tu nghiệp ở Nhạc viện Kiev (Ukraina), tại đây ông đã viết các tác phẩm khí nhạc như Sonate viết cho violon (dàn dựng và xuất bản ở Moscow), Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc (dàn nhạc Novosibirk)...
Trở về nước, ông lại lao vào viết những ca khúc ngợi ca cuộc chiến đấu thống nhất đất nước. Ngay sau khi nghe tin Hiệp định Pa-ri được ký kết, đi dọc bờ biển miền trung, cảm hứng về hòa bình đã khơi nguồn cho ông hát lên "Tình em biển cả", một ca khúc trữ tình hiếm thấy ở thời ấy. Ngày toàn thắng, ông lại trở về với nhịp điệu van-xơ qua "Mùa xuân đất nước".
Sau ngày thống nhất đất nước, ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên đột phá vào địa hạt nhạc nhẹ với "Chiều trên bến cảng". Bài hát vừa viết ra đã được mang lên máy bay, vừa bay vừa xướng âm để tham dự cuộc thi "Con người và biển cả" ở thành phố Cảng Rốt-xtốc (CHDC Ðức) và đã giành được giải thưởng tại cuộc thi này.
Năm 1976, một năm sau khi nước nhà thống nhất, nhạc sĩ Ðức Toàn đã viết bài hát "Ðảng là cuộc sống của tôi” với tình cảm hết sức chân thành, da diết và rất đỗi tự hào.
"Đảng là cuộc sống của tôi" - một điểm son trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.
Với tình yêu Hà Nội quê hương, năm 1987, ông viết "Hà Nội trái tim hồng" sâu lắng và da diết và đến năm 2010 là bản cantata "Lời ước nguyện về một ngàn năm Thăng Long" bề thế, tầm cỡ.
Có thể nói, trên 70 năm gắn bó với âm nhạc, gia tài mà Nguyễn Đức Toàn để lại cho nền âm nhạc dân tộc khá đồ sộ với hơn 100 ca khúc ở nhiều thể loại, nhiều đề tài khác nhau và ở đề tài nào, ông cũng có những tác phẩm để đời, tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với người nghe.
Chính sự hòa quyện giữa cái tôi mạnh mẽ, chất thép của người lính với sự lãng mạn, trữ tình của tâm hồn nghệ sĩ đã tạo cho những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sức quyến rũ và lay động lòng người với giai điệu khỏe khoắn, hào sảng mà không kém phần thơ mộng. Và những ca khúc để đời ấy đã, đang và sẽ mãi ngân vang trong lòng các thế hệ người yêu nhạc Việt hôm qua, hôm nay và mai sau.
(Theo Cinet.vn)
KA (TH)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dau-an-nguyen-duc-toan-trong-nen-am-nhac-cach-mang-viet-nam-a7039.html