Âm vang tiếng đàn Goong

“Một chiều dừng chân trên đồi cao/Từng chiều đàn Goong mong chờ nhau/Nhà sàn mông lung bên suối mát/Rượu cần say men theo câu hát…” - lời bài hát “Hoang sơ lời kể khan” như vẽ ra một bức tranh văn hóa đầy sắc màu của người Tây Nguyên với tiếng đàn Goong nhịp nhàng, réo rắt.

Cây đàn Goong là một nhạc cụ độc đáo của đồng bào Tây Nguyên thường được sử dụng vào dịp tết, lễ hay trong những đêm tâm tình của các đôi trai gái.

Nghệ nhân Y Bung Hra (buôn C1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) năm nay đã ngoài trăm tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Ông kể cho chúng tôi nghe về huyền thoại của cây đàn Goong. Vào những đêm trăng sáng, các chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hoà” thường ngồi quây quần bên bếp lửa. Những chàng trai cầm đàn Goong đánh lên những bản nhạc dặt dìu, réo rắt, các cô gái ngồi lắng nghe hoặc hát theo nhịp đàn, cứ thế cho đến hết đêm. Ngày xưa, chàng trai nào muốn đi tán gái đều cần có đàn Goong và nhiều cặp đã thành vợ thành chồng chính nhờ tiếng đàn Goong ấy.




Nghệ nhân Y Bung Hra hướng dẫn thanh niên trong buôn cách đánh đàn Goong.

Cây đàn Goong (còn gọi là Ting Ning), có cấu tạo cơ bản gồm một ống nứa hoặc tre thật già, được hong khô trên gác bếp, dài khoảng 70-80 cm, đường kính từ 5-8 cm có khoét lỗ để mắc những tay đàn; dây đàn trước đây làm bằng cật nứa nay đã thay bằng dây thép nhỏ, có từ 6-12 dây; 1-2 quả bầu to được phơi khô sau khi đã lấy hết ruột gắn vào một hoặc cả hai đầu của đàn để làm hộp cộng hưởng cho âm thanh vang hơn. Khi đánh gốc đàn được chống vào bụng, bàn tay đỡ thân đàn, ngón tay gảy dây làm cho dây rung lên. T’ring… t’ring… t’ríng… t’rính… t’rìng... Tiếng đàn Goong réo rắt vang lên, lúc rạo rực như tiếng chim Chơrao, lúc da diết như con thú hoang gọi bầy, từng giọt âm thanh vọng vào vô tận, vang vọng giữa núi rừng. Ông Y Thiêm Hra (buôn Mtha, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) kể: “Ngày xưa, tiếng đàn Goong đã theo chân các chàng trai, cô gái đi lên nương rẫy. Tiếng đàn Goong âm vang trong trong lễ mừng lúa mới, các lễ hội của buôn làng, là lời tâm tình của chàng trai gửi đến cô gái mà mình thương để giãi bày, bộc bạch trong những đêm trăng”. Âm thanh của đàn Goong mang tính gắn kết cộng đồng mạnh mẽ, mang đến niềm vui, sự hứng khởi và không khí lễ hội cho buôn làng. Đàn Goong đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Tây Nguyên một cách nhẹ nhàng mà da diết. Âm thanh của đàn Goong cũng hiền lành, chất phác như những người con của núi rừng nhưng ẩn chứa trong đó sự cuốn hút đầy mê hoặc.

Vào những dịp lễ hội, các chàng trai còn “thi đấu” đàn Goong với nhau xem ai đàn to hơn, âm thanh vang hơn, giai điệu hay hơn. Ngày nay, ngoài độc tấu và đệm hát, người ta còn sử dụng 2 - 3 chiếc đàn Goong để đánh cùng một lúc tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ. Cứ thế, bên ngôi nhà dài với ánh lửa bập bùng, trong hơi men chuyếnh choáng của ché rượu cần, tiếng đàn Goong được đánh lên, âm thanh dìu dặt, réo rắt ngân vang giữa đại ngàn…    

(Theo Báo Đắk Lắk)

Nguyễn Huyền

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/am-vang-tieng-dan-goong-a7025.html