02/01/2015 09:07
02/01/2015 09:07
Kỳ bí nghĩa địa heo 5 móng ở Sóc Trăng
Những câu chuyện ly kỳ xung quanh tục nuôi và chôn cất heo 5 móng tại chùa Dơi - một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất miền Tây ở Sóc Trăng đến nay vẫn còn không ít đồn đoán huyền bí.
“Nghĩa địa” heo 5 móng tại chùa Dơi (Sóc Trăng)
Chùa Dơi nằm ở ngoại ô TP. Sóc Trăng từ lâu vốn là một trong những địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng nhất ở xứ sở trăm chùa. Trong khuôn viên chùa luôn có đàn dơi quạ sinh sống trên những tán cây cổ thụ. Qua nhiều biến cố, đàn dơi ngày càng thưa thớt. Tuy nhiên, có một góc khuất tại ngôi chùa này mà khách gần xa khi tới tham quan không thể bỏ qua: đó là nơi nuôi và chôn cất heo 5 móng ở phía sau hậu viên chùa.
Có rất nhiều truyền thuyết về heo 5 móng tại chùa Dơi. Người thì bảo đây là hiện thân của một vị tướng “mắc đọa” đầu thai thành heo để trả nghiệt; lại còn có chuyện kể rằng heo 5 móng là loài vật “thành tinh”, “báo oán”, hay heo 5 móng là Phật tử đến quy y cửa Phật…Do vậy, vẫn luôn có không ít người tin rằng heo 5 móng là “cốt tinh” của con người, vì nó có 5 móng.
Heo 5 móng đang được nuôi tại chùa Dơi
Chúng tôi đã về Sóc Trăng để tìm hiểu thực hư về loài heo khác thường này. Trụ trì đời thứ 19 của chùa Dơi, Đại đức Kim Rêne cho biết, tục nuôi và chôn cất heo 5 móng tại chùa có từ 25 năm trước. Trong lúc quét dọn sân chùa, một Phật tử làm công quả đã phát hiện có 1 con heo lạ xuất hiện trong khuôn viên. Con heo này có biểu hiện khác thường là không sợ người lạ, đuổi không đi mà ở lỳ một chỗ nên mới báo chuyện với các sư trong chùa.
Khi mọi người quan sát kỹ thì thấy heo không có 4 móng như bình thường mà có tới 5 móng. Tục truyền của người Khmer, heo 5 móng là do con người “đầu thai” nên nó cũng có linh tính. Vì vậy, mọi người mới mua sữa để cho heo uống như con người và vị “khách không mời” này mặc nhiên trở thành thành viên tại chùa với cái tên “Năm Hợi”.
Vài tháng sau, “cô Năm Hợi” không chỉ ở trong chùa mà tỏ ra hòa nhập lạ thường với cộng đồng dân cư quanh chùa. “Cô” thường rời chùa vào buổi sáng, dạo quanh phum, sóc rồi ghé qua chợ Mùa Xuân để được các tiểu thương cho ăn. Sau “cô Năm”, người dân trong vùng khi có heo đẻ ra heo con 5 móng thì mang gửi vào chùa.
Nhiều người tin rằng heo 5 móng là con vật linh thiêng, ai giết thịt hay mua bán đều sẽ gặp những chuyện không may. Ngày qua ngày, đàn heo 5 móng được người dân gửi vào chùa Dơi ngày càng nhiều. Nhà chùa đã cho xây cất hẳn chuồng trại ở khu đất đối diện với hậu viên chùa, kế lò thiêu để nuôi heo 5 móng.
Giò heo với 5 móng dị thường
Về “Cô Năm Hợi” kể trên, năm 1996, sau gần 7 năm sống tại chùa, người ta phát hiện “cô” chết ở phía sau chùa. Các sư sãi đã cho chôn cất “cô” như an táng người thường. Về sau, Phật tử đã tổ chức xây cho “cô” ngôi mộ xi măng, trước mộ vẽ hình heo, ghi tên và ngày tháng heo chết. Những con heo 5 móng sau đó khi chết cũng được chôn cất, xây mộ xi măng ở khu đất phía sau chùa. Khu mộ này trở nên nổi tiếng như là “nghĩa địa heo” duy nhất ở miền tây nam bộ.
Nhiều người gần xa khi đến chùa đã không bỏ qua cơ hội tham quan khu mộ lạ thường này. Họ thắp nhang, cầu khấn như đối với mộ phần của con người. Thậm chí, một thời gian có người đã lén đến khu mộ heo 5 móng để cầu... số đề. Sau này, trong vùng tiếp tục dấy lên những đồn thổi như có người đến nhận “cô Năm” làm “mẹ”, hay chuyện “heo thành tinh báo oán”…
Chùa Dơi là một trong nhưng ngôi chùa nổi tiếng nhất miền tây nam bộ
Tuy nhiên, những người có trách nhiệm tại chùa Dơi khẳng định rằng việc nuôi dưỡng và chôn cất heo 5 móng là tôn trọng lòng tin của người dân bản xứ. Nhiều người khi có heo 5 móng thường không nuôi mà đưa vào chùa. Theo triết lý “mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống” của nhà Phật thì nhà chùa cho nuôi heo 5 móng bị bỏ lại chùa cũng là điều hiển nhiên.
Hiện tại còn 3 heo 5 móng được nuôi tại chùa Dơi. Đây cũng là một điểm thu hút khách du lịch khi đến tham quan chùa.
Theo Tin Tức Miền Tây
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-bi-nghia-dia-heo-5-mong-o-soc-trang-a699.html