Ngôi tháp cổ Vĩnh Hưng

Hơn 1.000 năm qua, một ngôi tháp cổ ở tỉnh Bạc Liêu dù ít nhiều đã có sự xuống cấp nhưng vẫn đứng vững giữa khuôn viên rộng lớn. Xung quanh sự hình thành ngôi tháp này vẫn còn nhiều điều chưa lý giải hết.

Giá trị lịch sử - văn hóa của ngôi tháp cổ      

Tháp cổ Vĩnh Hưng tọa lạc trên một gò đất cao 0,5 m, thuộc ấp Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, được phát hiện vào năm 1911. Từ thị xã Bạc Liêu theo quốc lộ 1A đến cầu Sập, rồi rẽ theo lối vào chợ Vĩnh Hưng là đến tháp Vĩnh Hưng. Tháp còn có nhiều tên gọi khác như; tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat...Đây là ngôi tháp cổ hiếm hoi còn sót lại ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tháp cổ Vĩnh Hưng được cho là một trong những kiến trúc của nền văn hóa Óc-eo còn sót lại ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, tháp thuộc nền văn hóa Ăng Ko của người Khmer.

Tháp Vĩnh Hưng được ông Lunetdelaponguiere - nhà khảo cổ Pháp - phát hiện vào năm 1911 và liệt vào danh mục các di tích kiến trúc Khmer dưới tên gọi là tháp Trà Long, có số hiệu 902. Nhà cầm quyền Nam kỳ xếp hạng số 14 trong danh mục các di tích lịch sử của xứ Nam Kỳ. Năm 1917, ông Henri Par Mantier viết thông báo ngắn trong tập san của trường Viễn Đông Bác Cổ, cho biết trong danh mục các di tích Campốt, tháp có tên Tra Long. Ngoài ra, trong thời gian này, tháp còn được biết dưới tên gọi là tháp Lục Hiền (Lục Hiền là tên của nhà sư, đứng đầu băng cướp ở vùng này). Trong bộ sách (khảo cổ học Châu Thổ sông Mê Kông (1959) Louis Malleret còn cho biết thêm: tháp ở gần ngôi chùa Vát-Bhah-Dhat, nên có lẽ nó cũng có tên tháp Bhah Dhat.

Vào những năm 1911, 1917, 1959, các nhà khảo cổ Pháp đã đến khảo sát và phát hiện rất nhiều hiện vật trong khu vực tháp, chủ yếu là vật thờ cúng. Đặc biệt, trong số ấy có tấm bia do H.Parmentir tìm thấy ở trong chùa cạnh tháp. Bia khắc chữ Phạn, ghi rõ tháng Karhila, năm 814, tương ứng với năm 892 sau công nguyên, và tên của vua Yacovan-Man (thế kỷ thứ IX). Các nhà khảo cổ phỏng đoán tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX sau Công nguyên. Đầu năm năm 2002, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật để sưu tầm và trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến tháp cổ này.

Dựa vào những phát hiện khảo cổ đến nay, các nhà khảo cổ nhận định tháp Vĩnh Hưng không phải là một di tích đơn lập và đơn độc, cùng với nó, cũng như sớm hơn và muộn hơn nó còn có các di tích khác nhau thuộc dạng cư trú, sinh hoạt phân bổ ở nhiều điểm trong vùng Vĩnh Hưng. Các di tích này là những phế tích, dấu vết của một khu cư dân khá lớn đã phát triển và tồn tại từ cách nay nhiều thế kỷ, trong đó, tháp Vĩnh Hưng là một di tích quan trọng và duy nhất còn bảo tồn được khá nguyên vẹn cho đến nay.

Lối kiến trúc độc đáo

Tháp Vĩnh Hưng được xây dựng với cấu trúc khá đơn giản và mộc mạc trên mảnh đất rộng, cao hơn mặt ruộng hiện tại là 50 cm. Vị trí của tháp nằm gần bờ mép phía Đông của doi đất này. Chân tháp hình chữ nhật, chiều Đông - Tây rộng 5,6 m, chiều Bắc - Nam dài 6,9 m. Mặt cửa tháp chếch về hướng Tây 55̊.  Bên trong tháp gồm một phòng có nền hình chữ nhật, móng nổi không cao, tường dầy đứng thẳng, nóc cao uốn thành vòm, với một cửa chính. Ngoài ra, trên tháp hoàn toàn không có các xây cất gia công cầu kỳ, tạo thành cửa giả, các phù điêu chìm nổi và cũng không thấy loại nóc xây thành từng cấp phức tạp.

Kiến trúc độc đáo của ngôi tháp

Gạch xây tháp có hai loại khác nhau về màu sắc, chất lượng cũng như kích thước. Loại gạch màu đỏ dùng lát nền, xây từ chân móng đến độ cao 4 m. Từ 4 m trở lên, người ta xây bằng loại gạch màu trắng, loại này có trọng lượng nhẹ hơn loại gạch màu đỏ. Qua hố đào thăm dò trước cửa tháp, cách chân tháp 2,6 m cho thấy nền móng chiêm của tháp rất kiên cố, mặt nền xây gạch, dưới lớp gạch 60 cm là lớp cát được nện rất chặt (các lớp cát phía dưới đều như vậy) phải dùng xà beng mới nại ra được. Từ độ sâu này trở xuống có 6 lớp cát và 5 lớp đá xen kẽ nhau, mỗi lớp cát dày 20 cm, lớp đá 5 cm.

Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy những hiện vật sau đây: một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần (đá sa thạch; một tượng nữ thần bằng đá xanh; một tượng thần Brahmá 4 mặt bằng đồng; một đầu tượng Phật bằng đồng, tên đầu có nhụ kế (UNisa); một cánh tay đủ 5 ngón, có đeo vòng ở cổ tay (chất liệu bằng đồng); một đinh ba lửa (chất liệu bằng đồng); ba đoạn cọc gỗ. Ngày nay du khách đến tháp không còn thấy những cổ vật này, thay vào đó là bộ linga và yoni bằng đá mới được đặt vào không mấy giá trị về mặt lịch sử cũng như nghệ thuật.

Với những chứng tích có giá trị của một nền văn hóa lâu đời, tháp cổ đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992. Tháp cổ Vĩnh Hưng hiện có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Hiện trạng của tháp cổ có chiều cao khoảng 8,2m (không tính đỉnh tháp vì đã bị sập); các mặt tường bên trong tháp có hiện tượng sứt mẻ nham nhở; các mặt tường bên ngoài tháp do thiên nhiên, cây dối mọc làm hủy hoại, sứt mẻ nặng nề hơn; đặc biệt ở khoảng giữa thân tháp có hiện tượng xoáy mòn nghiêm trọng; mặt sau đền tháp còn nguyên khối kiến trúc nhưng cửa vào và mặt tiền của tháp bị mưa nắng thời gian làm sụp lở, bào mòn; phần phía trên đỉnh có dấu hiệu bị bung ra nên ngành chức năng tạm thời kiềng lại để giữ ổn định cho tháp. Tuy nhiên, nếu không có phương án tôn tạo kịp thời, về lâu dài ngôi tháp có nguy cơ hư hại hơn.

Theo Tin Tức Miền Tây

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ngoi-thap-co-vinh-hung-a698.html