CLB dân ca: Lượng nhiều, chất ít
Để đưa dân ca ví, giặm trở về cội nguồn, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có sáng kiến thành lập câu lạc bộ dân ca ở các địa phương, đơn vị. Với mục tiêu qua việc truyền thụ, phổ biến các làn điệu dân ca và việc tổ chức sinh hoạt ở các CLB, dân ca ví, giặm sẽ không những được bảo tồn các giá trị nguyên gốc mà được phát triển cả về làn điệu lẫn sự yêu mến của đại đa số người dân... Tính đến nay, riêng Nghệ An đã có trên 100 câu lạc bộ dân ca ví, giặm, với 870 nghệ nhân.
Câu lạc bộ xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) tham gia Liên hoan Dân ca ví, giặm năm 2016.
Tuy nhiên, theo Nhạc sỹ Nguyễn Đình Đắc - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ: Số lượng nhiều, nhưng chỉ có một số ít câu lạc bộ hoạt động có chất lượng, có thể kể đến là CLB dân ca ví, giặm xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), CLB xã Ngọc Sơn (Đô Lương), CLB phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò), CLB Hồng Sơn (xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng, Quỳnh Thạch - huyện Quỳnh Lưu)...
Còn lại, phần lớn các CLB đang hoạt động thiếu thực chất. Đơn cử, hầu hết các phường, xã ở thành phố Vinh đều đã thành lập CLB dân ca ví, giặm nhưng chủ yếu là các đội văn nghệ được nâng cấp, 99% người tham gia không biết hát dân ca. Các câu lạc bộ không có chương trình, hình thức, nội dung sinh hoạt cụ thể.
Đã từng có CLB giành giải cao ở liên hoan dân ca ví, giặm, nhưng nhanh chóng đi xuống bởi việc “vay mượn” nhân tố để đi thi như CLB xã Nghi Liên, hoặc không có kinh phí để hoạt động như CLB dân ca ví, giặm phường Vinh Tân.
Cũng theo nhạc sỹ Nguyễn Đình Đắc - các câu lạc bộ dân ca ví, giặm hiện được thành lập chưa đúng theo nguyên tắc là tập hợp những người có năng khiếu và niềm đam mê; thiếu 3 cái “tự” - Tự giác, Tự túc và Tự tác. Tự giác là ý thức sinh hoạt; Tự túc là vấn đề kinh phí; Tự tác là vấn đề sáng tác và hoạt động sinh hoạt…
"Đã đến lúc chúng ta cần xem lại việc phát triển các CLB. Chúng ta không cần nhân rộng địa bàn, không cần nhiều câu lạc bộ mà cần có CLB hoạt động cho đúng, cho chất lượng. Bên cạnh đó cũng nên xem lại việc dạy hát dân ca ví, giặm trong trường học, bởi đây là một bộ môn nghệ thuật thì không thể dạy đại trà. Nếu phát triển ồ ạt chắc chắn giá trị di sản không còn là tinh hoa mà sẽ mất bản sắc, dị hóa và dị bản". Nhạc sĩ Nguyễn Đình Đắc - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cho biết.
Vì thiếu “Tự tác” nên phần lớn các CLB hiện nay đang hiểu sai về dân ca ví, giặm. Khi biểu diễn vẫn thường dựng hoạt cảnh, kịch thay vì diễn xướng; thường lấy tiết mục của sân khấu chuyên nghiệp; viết tác phẩm mới thường sa đà, không phù hợp, thiếu tính nghệ thuật - yếu tố tục lấn át thanh.
Thiếu hơi thở đương đại
Hiện tại, có 39 làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh được sưu tầm, phân làm 4 nhóm: nhóm ví gồm 15 làn điệu, nhóm giặm gồm 8 làn điệu, nhóm hò gồm 16 làn điệu, nhóm “họ lai” gồm 28 làn điệu.
Theo nhạc sỹ Hồ Hữu Thới, qua 30 năm thể nghiệm âm nhạc, chúng ta đã sáng tác được 150 làn điệu mới, bài hát cải biên phát triển dân ca, trong đó có khoảng 50 bài có tính đa dùng... Sự sáng tạo đã giúp dân ca ví, giặm phát triển phong phú hơn, khắc phục được những hạn chế: nghèo nàn về làn điệu, đơn giản về khúc thức, bài bản.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đang diễn ra trong mươi năm trở lại đây: Chủ thể của dân ca ví, giặm là người dân đang thiếu tính sáng tạo và đặc biệt các tác phẩm trình diễn rất thiếu hơi thở đương đại.
NSND Trịnh Hồng Lựu - giám khảo Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 chia sẻ: "Dân ca ví, giặm là tấm gương phản chiếu lịch sử, văn hóa, giá trị thời đại. Nhưng đã nhiều năm nay, các tác giả, soạn lời dân ca ví, giặm dân gian chưa làm được điều đó khi không có nhiều bài mang hơi thở đương đại, khiến dân ca ví, giặm thiếu sức hút với giới trẻ...".
Câu lạc bộ xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên tham gia Liên hoan Dân ca ví, giặm năm 2016.
Khi tham gia biểu diễn, tập luyện, hoạt động, các CLB dân ca ví, giặm đang “ăn sẵn” các tác phẩm mới của sân khấu, soạn giả chuyên nghiệp, như “Cõi bờ trong tiếng mẹ ru”, “Chuyện tình người lính đảo”, “Công thầy nghĩa mẹ” (Nguyễn An Ninh) hay “Sáng mãi niềm tin” (Phạm Tiến Dũng).... Và cũng cần phải khẳng định thêm rằng: Những tác phẩm của sân khấu chuyên nghiệp không mang giá trị nguyên gốc của ví, giặm.
Để dân ca ví, giặm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, các soạn giả cần bám sát thực tế cuộc sống và thị hiếu của người dân. Song, gốc rễ vấn đề vẫn phải là các cơ chế chính sách đi kèm và tầm nhìn của người hoạch định, quản lý. Đơn cử như việc cần thay đổi thể lệ của liên hoan dân ca ví, giặm từ việc thay đổi tỷ lệ vốn cổ và bài mới từ tỷ lệ 70% - 30% xuống 50% - 50% và tiến tới 30% - 70%...
(Theo Báo Nghệ An)