Một thoáng… xanh Vĩnh Phúc

Giữa những ngày mà Hà Nội được cho là có mức độ ô nhiễm không khí ở một số điểm cao vào hạng nhì thế giới, thì chỉ cần đi mấy chục cây số đến Vĩnh Phúc, đã được hưởng không khí trong lành.


Không kể Tam Đảo là nơi nghỉ mát danh tiếng từ xửa từ xưa, hoặc Đại Lải là khu nghỉ dưỡng cao cấp mới nổi lên, ngay thành phố trẻ Vĩnh Yên này thôi, cũng có thể cho ta một không gian thoáng mát, đậm chất văn hóa, đan xen cổ kính và hiện đại. Cái hiện đại của Vĩnh Yên không ở những ngôi nhà chọc trời, những khu đô thị mới choáng lộn, mà ở sự hài hòa trong quy hoạch, khiến cả thành phố cứ ẩn ẩn hiện hiện, thấp thoáng giữa nhà với cây, giữa đồi nhấp nhô với hồ nước bao la. Ngồi trong tiệm cà phê Quảng trường, nhìn ra xung quanh, tưởng như đang ở khu rừng thưa ôn đới nào đó. Cây cối được trồng với mật độ vừa phải, không cao to lắm mà vươn tầm vừa đủ, xòe những tán lá xanh mát rượi. Các bạn ở Vĩnh Phúc bảo rằng cứ tối tối, nam phụ lão ấu quanh khu vực này lại ra vui chơi, hóng mát, khiến cho quảng trường đông vui lạ lùng.
 
Đi khỏi quảng trường, lại gặp một điểm văn hóa đầy sức cuốn hút. Đó là Văn Miếu Vĩnh Phúc. Có một dạo, một số báo chí kêu ầm lên phê phán Vĩnh Phúc xây Văn Miếu để thờ Khổng tử, với ý chê lãnh đạo tỉnh này có đầu óc lệ thuộc Trung Hoa! Nhưng, bình tĩnh mà nhìn vào, sự thực khác lắm. Ở Hà Nội, cũng có Văn Miếu, nhưng là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Người Việt ta đã Việt hóa nơi tôn thờ Khổng tử để chọn lấy cái tinh thần hiếu học mà phổ quát hóa cho dân mình. Do vậy, nhiều nơi trên đất Việt ta có Văn Miếu, nhưng đâu phải vì thế mà trở thành nô lệ của Trung Hoa? Còn ở Vĩnh Phúc này, có nhiều vị khoa bảng, nhiều danh nhân, bởi vậy xây dựng Văn Miếu, trước hết là để tạo dựng nên một khu sinh hoạt văn hóa vừa hiện đại vừa cổ truyền, tiếp đó là để tôn vinh tinh thần hiếu học, trong đó có thờ Chu Văn An, người thầy lỗi lạc, cùng với 8 vị khoa bảng tieu biểu cho 8 huyện của vùng đất này, rồi mới đến phối thờ Khổng Tử. Một khu đất rộng trên một quả đồi thoai thoải được xây những ngôi nhà kiểu cổ, cùng với vườn hoa, cây cảnh, hồ nước… tuy chưa được đưa vào vận hành, nhưng đã thu hút đông đảo người dân đến thăm thú, dạo chơi… Tính dân chủ của khu này cao lắm, bất cứ người dân nào, dù nghèo khó hay sang giàu, cũng đều được ra vào thoải mái, không như những Trung tâm thương mại này, rì sọt nghỉ dưỡng nọ, chỉ những người lắm tiền nhiều thế lực mới ngạo nghễ tới mua sắm, rong chơi, còn người nghèo khó thì đố dám bén mảng tới. Sắp tới, nên chăng, Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện khu vực này, với chức năng rộng hơn dự kiến ban đầu, giống như một Trung tâm Văn hiến, để tôn thờ các bậc danh nhân, những người có công với của Vĩnh Phúc từ cổ tới kim, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa mới, từ đó mà thực hiện có sáng tạo chủ trương xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
 
Ngắm nhìn khu vực quảng trường, khu Văn Miếu, rồi Nhà hát, nhà thi đấu thể thao… thấy vô cùng cảm phục những người đã quy hoạch, xây dựng thành phố này. Các vị ấy có con mắt nhìn xa trông rộng và đầu óc hiện đại, cho nên tạo nên một thành phố có đường xá, vườn tược, quảng trường… thoáng đãng, ngăn nắp, và đặc biệt là không gian dành cho văn hóa rất rộng rãi, ở những khu vực đắc địa. So sánh với Thủ đô, thấy rằng Vĩnh Phúc vượt hẳn một tầm. Tới Bắc Ninh mà xem, nhà cửa ở đây lô nha lô nhô, mái lợp tôn Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta. Đó là phong cách của ông Chủ tịch tỉnh này thời trước, về sau lại làm Chủ tịch Hà Nội, đã tạo nên bao hệ lụy về xây dựng, quy hoạch của Thủ đô. Đau nhất là cứ có mảnh đất nào dành cho văn hóa, khởi công được một thời gian, thì các ông ấy hô “biến” thành cao ốc dành cho các đại gia kinh doanh! Bây giờ, nhiều khu vực trung tâm, nhà cửa chen vai thích cánh, cây không có chỗ mà mọc, nói gì đến các công trình văn hóa, điểm vui chơi công cộng! Nói như vậy, để thấy rằng tư duy, phong cách, sự điều hành của Vĩnh Phúc thực sự là hiện đại, đồng thời đậm tinh thần văn hóa dân tộc.

Nói đến Vĩnh Phúc, ai cũng nhắc tới Thổ Tang. Bây giờ, Thổ Tang là làng hay phố nhỉ? Ừ, gốc của nơi đây là làng – một làng nghề truyền thống tằm dâu canh cửi mà tơ lụa là sản vật nổi tiếng. Còn bây giờ, nơi đây đã thành thị trấn, là thủ phủ bán buôn lớn nhất miền Bắc nước ta. Theo một số tài liệu thì Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường, nằm cách quốc lộ 2 khoảng 2 km, có tỉnh lộ 304 chạy qua trung tâm thị trấn. Quá trình hình thành nên một Thổ Tang sầm uất như ngày nay, được bắt đầu từ “Giai đoạn Ma Cả”, những người đến khai hoang làm ăn sinh sống đầu tiên ở ven bờ sông Phan, trải qua nhiều năm phát triển đã sử dụng các công cụ thô sơ đồ đá để phục vụ lao động sản xuất, duy trì cuộc sống hàng ngày. Qua những biến động lịch sử, từ xóm Cả, làng Thổ Tang tiếp tục phát triển mở rộng ra khu Đông, khu Bắc, khu Nam và Phương Viên ngày nay. Người Thổ Tang, trời phú cho cái nhanh nhạy tài giỏi trong kinh doanh, dịch vụ. Họ nắm bắt nhu cầu của thị trường rất nhanh, và biết cách đáp ứng nhu cầu đó để vun đắp cuộc sống. Hồi mùa xuân năm 1975, theo sau các đoàn quân Giải phóng, ai ngờ rằng lại có cả những thanh niên Thổ Tang, lưng đeo ba lô chất đầy cờ cách mạng và ảnh Bác Hồ! Giải phóng đến đâu, dân chúng cần cờ, ảnh đến đó. Thương vụ ấy, người Thổ Tang vừa phục vụ được nhu cầu chính trị, vừa thu lãi kinh tế không ít. Còn bây giờ, đường làng Thổ Tang sầm uất như phố hàng Ngang hàng Đào ở Hà Nội. Hàng hóa miên man. Nếu cần 100 tấn gạo một lúc, người Thổ Tang cung cấp được ngay! Đã có nhiều bài báo ca ngợi lối làm ăn năng động của người Thổ Tang. Nhưng cũng có bài báo nói về tình trạng làm hàng giả và buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, giá rẻ bất ngờ ở nơi này. Đây cũng là điểm mà lãnh đạo Vĩnh Phúc cần lưu tâm, để vừa phát huy được truyền thống linh hoạt, năng động, vừa ngăn chặn tình trạng gian dối, làm ăn bất chính thời kinh tế thị trường.
 


 
Là vùng đất cổ, Vĩnh Phúc có gần 967 di tích các loại, trong đó có 92 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 223 di tích xếp hạn cấp tỉnh – theo thống kê trong sách “Văn hóa dân gian Vĩnh Phúc”, Sở VHTT Vĩnh Phúc xuất bản năm 2007. Thổ Tang lại là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng hơn nhiều nơi khác. Đến Thổ Tang, rẽ khỏi con phố rộn ràng buôn bán, ngổn ngang hàng hóa, vào các đình, đền, chùa, lại được sống trong không khí chay tịnh, êm đềm. Hình như muốn tạo một vành đai ngăn cách không gian vật chất với không gian tâm linh, người dân Thổ Tang đóng góp tới dăm trăm triệu đồng làm tường đá bao bọc quanh khu đình. Còn khu chùa thì đã được ngăn cách với phố thị bởi cổng, tường theo lối truyền thống. Những nơi này sạch sẽ, tĩnh lặng, mát mẻ, làm cho cơ thể được thanh lọc, tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Được giới thiệu để chiêm ngưỡng pho tượng Phật Ngọc lớn mới được công nhận kỷ lục Việt Nam, nhưng chúng tôi lại quan tâm hơn tới những bức tượng Phật được đặt ở những vị trí khiêm nhường. Với niên đại mấy trăm năm, những bức tượng giầu thần sắc ấy mới thật sự là báu vật của nơi này. Liên tưởng tới bức tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ở Hưng Yên vừa bị trộm nẫng đi rồi bỏ lại, chúng tôi lưu ý các vị có trách nhiệm việc bảo vệ những báu vật bình dị này. 
 
Đến Thổ Tang, còn được nghe chuyện tuẫn tiễn của một liệt nữ mà tên của bà đã được đặt thành tên phố ở nhiều thị thành, đó là Cô Giang, người bạn đời của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái chống Pháp thất bại, Nguyễn Thái Học bị bọn thực dân đưa ra xử tử, thì Cô Giang và các đồng chí đã bàn kế hoạch cướp pháp trường cứu tù nhân, nhưng bất thành. Chứng kiến người chồng yêu quý bị xử tử, Cô Giang nuốt hận về Thổ Tang viết một bài thơ cùng hai bức thư tuẫn tiết rồi tự giã từ cuộc sống bằng chính khẩu súng lục do Nguyễn Thái Học tặng. Bây giờ, phần mộ của Cô Giang còn đó, nằm khiêm nhường nơi đất ruộng, nhưng tinh thần quả cảm của Cô vẫn có sức cổ vũ mãnh liệt lòng yêu nước trong nhân dân. Người nhà và chính quyền nơi đây đang mong muốn được thực hiện dự án xây nhà lưu niệm Nguyễn Thái Học và chỉnh trang phần mộ Cô Giang, mong được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cách thị trấn không xa, là đình – chùa Diệm Xuân và các di tích liên quan đến nhà Mạc. Những di tích tọa lạc trên một gò đất cao nhất khu vực là Diệm Xuân, nhân dân gọi là “Gò Chùa”. Theo các dấu tích và truyền thuyết, thì nơi này có 3 ngôi mộ cổ được xác định là của họ Nguyễn gốc Mạc. Một ngôi mộ được coi là của con trai Thái tử Nguyễn Hữu Pháp (con trưởng của vua Mạc Kính Vũ) là Nguyễn Hữu Nhẫn. Ngôi mộ thứ hai, được phát hiện vào năm 1964, được truyền khẩu là mộ công chúa Mạc Chính Lan, con gái vua Mạc Kính Vũ. Ngôi mộ thứ 3 ở trong vườn chùa, theo truyền ngôn từ lời cúng “Cao cao tổ Chính Kính Mạc cải Nguyễn” của chi họ, có thể hiểu, đó là mộ vua Mạc Kính Vũ. Tất cả đang được bảo vệ chu đáo. Cùng với những giá trị văn hóa vật thể, chùa Diệm Xuân còn ẩn chứa, gắn với những truyền ngôn về vị vua cuối cùng của triều Mạc – Mạc Kính Vũ. Có tài liệu ghi: “Sau khi thất thủ ở Cao Bằng. Mạc Kính Vũ cùng gia đình xuôi theo sông Hồng về đây ẩn cư chờ thời. Mạc Kính Vũ đã xây dựng chùa Trống và tu ở chùa, lấy chùa Trống làm bình phong che chở ẩn thân của hoàng thất, cải họ thành họ Nguyễn. Để đề phòng sự truy sát của chính quyền Lê – Trịnh, ông đã cho con trai là Nguyễn Hữu Pháp theo dòng Phó Đáy về vùng Lập Thạch. Nguyễn Hữu Pháp đã chọn đất Tiên Lữ - Lập Thạch để định cư, xây chùa Tiên Lữ (chùa Sùng Phúc), nương vào đó mà mai danh ẩn tích. Về sau Nguyễn Hữu Pháp sinh được 4 người con trai: Người con cả ở lại Tiên Lữ nối tiếp sự nghiệp tổ tiên, người con thứ hai lánh cư sang chùa Sùng Lâm (xã Văn Quán – Lập Thạch), người con thứ ba lánh cư sang chùa Đông Minh (làng Đông Mật, xã Sơn Đông – Lập Thạch), người con thứ tư là Nguyễn Hữu Nhẫn được phân công trở lại chùa Trống (Xuân Sơn tự) để trông coi mồ mả tổ tiên an táng tại nơi này. Hậu duệ họ Mạc cải Nguyễn ở đây thường được gọi nôm na là họ Nguyễn “chùa” để phân biệt với các họ Nguyễn khác trong làng”. Vào thời điểm này, tại đây, một ngôi chùa lớn đang được xây dựng bằng nguồn lực xã hội để tưởng nhớ các bậc tiên hiền.
 




 
Ít ai ngờ Vĩnh Phúc xanh một mầu xanh nông nghiệp như thế mà lại có nguồn thu lớn từ công thương nghiệp. Với cơ chế thoáng, sạch, Vĩnh Phúc thu hút các nhà đầu tư khá mạnh, trong đó có các hãng Honda, Coca Cola. Các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện hoạt động thuận lợi. Mới 6 tháng qua, mức thu ngân sách của Vĩnh Phúc đã đạt 14 nghìn tỉ đồng, vượt kế hoạch đã đề ra, là mức thu kỷ lục từ trước tới nay. Nhưng, cái đáng khích lệ hơn, là đầu tư công nghiệp như thế, mà Vĩnh Phúc không bị mắc tội hủy hoại môi trường, và làm ăn kinh tế như thế, mà Vĩnh Phúc vẫn dành phần ưu ái cho văn hóa, trong đó dành những khu vực ở trung tâm thành phố cho các công trình văn hóa, các nơi sinh hoạt công cộng phục vụ đời sống tinh thần của đông đào nhân dân. Văn hóa ở đây thực sự được coi trọng và văn hóa đang tác động tích cực giúp Vĩnh Phúc vượt lên tầm cao mới.

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-thoang-xanh-vinh-phuc-a6878.html