Về Năng Gù và Vàm Nao
Năng Gù (hay Năng Cù), sách viết tên chữ là Năng Gù Châu. Trương Vĩnh Ký trong Petit cours de géographie de la Base Cochinchine, 1ère édition, S., Imp. Gouvernement, 1875, viết Nang Gù. Vương Hồng Sển cho rằng: viết như vậy là có ý giữ âm "snèn kô" (tiếng Cơ Me dịch là sừng con bò). Hai bản dịch mới đều dùng chữ "Năng Cù"cũng được nhưng không đúng tiếng thường dùng của người địa phương". Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, tr. 72, cũng lý giải không xa lời dẫn giải của Trương Vĩnh Ký như trên.
Lý luận như vậy là có cơ sở, là một cách hiểu. Tuy nhiên xin ghi chép lại những gì thu lượm từ dân gian, là tư liệu được không chỉ nhân dân, chính quyền mà cả nhà văn, nhà viết sử trước nay thống nhất thừa nhận.
Trước hết, về tiếng "Năng": Năng có thể do "nàng" nói trại ra (tiếng Khmer là nen). Tại địa phương (phía tả ngạn sông Hậu, thuộc xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, An Giang) nhân dân vẫn còn bảo lưu một địa danh cổ: doi "Nàng Éc" (nơi này, một khúc quanh trên đường bộ bà con gọi cua "Nàng Éc"). Vậy Năng là gốc từ Nàng mà ra.
Còn "Gù" là do trại ra từ Cù. Lần theo các bộ sách sử như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… đều viết là Năng Cù. Cù là một con vật cổ, thuộc loài rồng, đầu nhỏ, không sừng, có một gạc, là loài thú linh trưởng trong thần thoại, hiểu là con sấu sống lâu năm, rất dữ. Dân gian tưởng tượng rằng sấu ấy rất to lớn, ẩn mình sẵn dưới đất, chừng nào nó "dậy" (trở mình) thì nơi ấy sẽ hóa thành sông– thủy mạch thông suốt. Ở đầu cồn Bình Thủy (nay thuộc huyện Châu Phú), trước năm 1975 nhân dân vẫn còn bảo lưu một địa danh mang tên ấp Hóa Cù và thủy danh nơi ấy có thời từng mang tên Hóa Cù Đà, vì tại đây có một con rạch ("đà") được hình thành do hiện tượng "hóa cù". Ở hữu ngạn Vàm Dưới của sông Vàm Nao (thuộc địa bàn xã Tân Trung, huyện Phú Tân nay) cũng có một địa danh mang dấu ấn vùng đất hóa cù, đó là ấp Mỹ Hóa 1 (Mỹ lấy gốc từ tên làng/thôn Mỹ Lương, thời mới dựng đặt đầu triều Nguyễn; Hóa tức "hóa cù"– hai ấp Mỹ Hóa 2 và Mỹ Hóa 3 thuộc xã Tân Hòa, giáp ranh với xã Tân Trung, đều từ xã Hòa Hảo cũ chia tách ra).
Người dân thả cá nhỏ bị mắc lưới về lại sông Vàm Nao - Ảnh: mytour.vn
Liên hệ thực tế, địa hình vùng đất Năng Gù thuở xưa không như ngày nay, vì nó đã trải hiện tượng thủy xâm, do sự phân cấp nước từ thượng nguồn đổ về hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang không đều. Mực nước thượng nguồn sông Tiền cao hơn sông Hậu (khoảng cả thước trong mùa nước nổi), hình thành độ dốc, nên chảy rất xiết. Xuống đến huyện lỵ Phú Tân (nói theo ngày nay) dòng chảy sông Tiền một mặt theo thủy mạch chính của mình xuống Chợ Thủ, Cái Tàu, Cao Lãnh… ; một mặt dồn sức nạo phá, lâu ngày ăn thông với hồ Chủ Bó (xã Tân Trung, nay gọi Lòng hồ) tạo thành một con rạch nhỏ, gọi kinh/rạch Vàm Nao.
Thủy danh thì vậy, nhưng nếu cụ thể thì Vàm Nao ở đâu? Khoảng đầu thập niên 1980 còn lưu lại dấu vết từ thời Pháp, đó là một cột mốc cây số bằng đá xanh rất kiên cố (nay không còn, do mở rộng lộ giới), ở phía trên Chợ Đình (xã Hòa Hảo cũ, nay là thị trấn Phú Mỹ) bên lề đường cặp mé sông, khắc mấy chữ «Vàm Nao 1km». Nhờ đó người ta biết rõ Vàm Nao đích thị là vùng đất chỗ vàm trên sông ấy. Tuy nhiên nếu cho rằng Vàm Nao là vùng đất chỗ Vàm Dưới cũng không sai, vì nơi đây có bến đò Vàm Nao, phía tả ngạn có chợ Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông); phía hữu ngạn (xã Tân Trung) là ấp Vàm Nao (mới đặt). Nói cách khác, từ sau ngày vàm trên được đặt gọi bằng những tên mới hiền hơn, thì hai tiếng Vàm Nao dịch chuyển xuống vàm dưới, rồi định danh luôn đến nay.
Vì sao Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà?
Chếch dưới, phía bờ xã Kiến An dài xuống, ngày trước do sông Hậu xâm thực mạnh một khu vực khá rộng tạo thành "búng" (như búng Bình Thiên ở An Phú nhưng nhỏ hơn nhiều) gọi Xẻo Búng. Lâu ngày dòng chảy của rạch Vàm Nao với tốc độ mạnh xoi phá miết, cho đến khi hội thủy được với Xẻo Búng (phía trên chợ Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới), con rạch nhỏ Vàm Nao trở nên sâu và rộng, thành sông cái. Sông Vàm Nao nối Tiền Giang và Hậu Giang, tuy ngắn nhưng do sự cấu tạo của địa hình cộng với tốc độ dòng chảy mạnh nên nhiều nơi ở hai cửa sông quanh năm hình thành những xoáy nước rất dữ, đã nhận chìm không biết bao nhiêu ghe xuồng. Vì vậy, dân thương hồ không thể không phân biệt hai đầu sông vô cùng hiểm nguy ấy là Vàm Trên và Vàm Dưới, sách viết là Vàm Nao Thượng và Vàm Nao Hạ, để nhắc nhau mỗi khi phải đi ngang qua. Xẻo Búng dần mất dấu. Nó chỉ tồn tại trong ký ức của những người dân cố cựu ở địa phương.
Vàm Nao Hạ hội thủy với sông Cái Đầm (sách viết Đàm Giang– theo cách gọi ngày trước, đó là một nhánh của sông Hậu) tạo thành doi Nàng Éc ở hữu ngạn. Ngày trước mực nước sông Tiền cao hơn sông Hậu gần nửa thước nên như đã có nói ở trên, dòng chảy sông Vàm Nao không thể không liên tục xoi phá phía tả ngạn làm cho bờ xã Kiến An lở sụp từng mảng lớn. Hiện tượng thủy xâm ngày càng mạnh thêm hơn nên Vàm Nao vốn chỉ là con rạch nhỏ trở thành sông to, dòng chảy không còn bí tức, do đó như nguyên tắc "bình thông nhau", sự chênh lệch của mực nước giữa hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang tất nhiên cũng thấp dần, dẫn đến cân bằng, ổn định.
Xưa, các ghe thương hồ miệt Cái Vừng, Chợ Vàm, từ phía sông Tiền muốn qua Bình Thạnh Đông, Cái Dầu, bên sông Hậu, để đỡ phải "chèo chống mỏi mê", người ta đã biết lợi dụng dòng chảy, chờ con nước ròng thả xuống, qua hết sông Vàm Nao khoảng 6,5km thì vừa lúc triều cường. Nước lớn, dòng sông Hậu chảy ngược lên hướng Châu Đốc. Vậy là ghe thương hồ vẫn đi được một mạch "nước xuôi", tức không phải mất thời gian cả buổi trời cặm sào chờ con nước. Do đó người ta có cảm nhận rằng đây là "con sông nước chảy vòng cầu", nên có người đã nhân đó mà Hán hóa là "hồi oa thủy" (chứ không phải là tên sông như sông Hồi Oa ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp như có khá nhiều người đã lầm).
Sự bứt phá phần đất ở Vàm Dưới của sông Vàm Nao, tạo thành một thủy mạch nối liền hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang, dân gian gọi "hóa cù". Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, phần Châu Đốc (1909) mô tả Vàm Nao: "Sông quanh uốn khúc tợ cù", ta hiểu, đó không chỉ nói về hình thể (lúc ấy sông chưa lớn, cũng chưa thẳng như ngày nay) mà còn có hàm ý về sự "hóa cù" của một con sông thuộc diện địa của vùng đất Châu Đốc tân cương rộng lớn ngày xưa, như đã có nói ở trên.
Do biết rất tường tận hiện tượng hóa cù nên Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có làm bài thơ "Thuyền qua Núi Sập/Thoại Sơn":
Một thuyền cầm hạc một mình ta,
Đường hiểm gian nan khắp trải qua.
Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi,
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà.
Văn chương mới thử năm hay bảy,
Võ lược chưa truyền sáu với ba.
Gà gáy học đòi người dậy múa,
Luống e năm tháng để ta đà.
Ông viết: "Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà" thật chí đúng! Thay vì nói "cù", nhà thơ đã văn nghệ hóa là "xà" (rắn)– cũng là chữ dùng của Đại Nam nhất thống chí: "Giang lưu xà vỉ đoạn" để làm bật lên tính "dữ" nổi tiếng của một con sông có nhiều cá sấu luôn chực hại người.
Nhưng đó là chuyện thuở xa xưa, bởi dần về sau sông dữ đã hóa hiền, nên có thêm mấy thủy danh mới rất đáng yêu: Thuận Vàm, hay Thuận Cảng, Thuận Phiếm, cuối cùng là Thuận Giang tồn tại đến ngày nay.
Cũng cần nói thêm về địa danh có tiếng Cù, theo cách hiểu "nước chảy đứt đuôi xà" như vừa nói không phải là cá biệt chỉ ở vùng này mà, ở một số nơi khác cũng có những thủy tính tương tự như thế. Chẳng hạn ở vùng chợ Tân An, xưa gọi Vũng Cù, hoặc cù lao Tân Cù ở phía Bắc sông Hàm Long. Tóm lại, viết "Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà" tác giả muốn nói sự chảy xiết của dòng sông, gây hiện tượng thủy xâm, khiến đứt mất hẳn một phần đất liền làm cho nơi ấy biến thành sông, tạo một nhát cắt mạnh như "chặt đứt đuôi rắn" vậy.
(Theo Báo Cần Thơ)