Ứng dụng công nghệ chống mối mới cho di tích

Đó là giải pháp diệt mối tận gốc bằng cách dùng bả Xterm (Nhật Bản).

Theo công nghệ này, sau khi ăn bả, mối thợ mang thức ăn về tổ và truyền thức ăn có chứa độc tố cho mối vua, mối chúa và mối lính trong tổ. Khi bị nhiễm thuốc, mối sẽ không thể thay vỏ đúng cách, cuối cùng là chết.


Kiểm tra hộp thuốc diệt mối ở lăng Tự Đức

Quần thể di tích Cố đô Huế có gần 500 hạng mục công trình, chủ yếu làm từ gỗ, đó là “mảnh đất màu mỡ” cho các loại mối tấn công. Một khảo sát của các cơ quan chuyên môn cho biết, có 41 loài mối xuất hiện tại các công trình kiến trúc lăng tẩm di tích Cố đô Huế, trong đó có 11 loài thường xuyên tấn công, phá hoại. Thậm chí, chúng không chỉ tấn công các công trình bằng gỗ mà còn phá hoại cả các kiến trúc bằng đá, đất nung. Việc bảo quản, chống mối mọt và các loại côn trùng gây hại là một trong những vấn đề rất quan trọng được xác định sớm trong công cuộc bảo tồn kiến trúc di sản Quần thể di tích Cố đô Huế. Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với các viện và các trường đại học để nghiên cứu, áp dụng thí điểm công nghệ mới tại một số công trình để tìm biện pháp thích hợp nhất phòng trừ mối, đảm bảo an toàn môi trường và không ảnh hưởng đến con người.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Việc phòng chống mối ở các công trình kiến trúc di sản Huế gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện liên tục. Sau một thời gian phòng chống mối mọt ban đầu, các loại thuốc hết tác dụng, công trình có nguy cơ bị xâm nhập rất lớn. Con đường xâm nhập của chúng cũng muôn hình vạn trạng: qua lòng đất, qua vật tiếp xúc với mầm bệnh; bằng đường không, đối với loại có cánh bay…

Từ năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ Tài Nguyên - Môi trường Toàn Cầu ứng dụng công nghệ diệt mối bằng bả Xterm có tác dụng ngăn chặn sự hình thành bộ xương ngoài (vỏ) của nó, khiến mối không thể thay vỏ đúng cách, dần rồi chết. Sau khi ăn loại thức ăn này, mối thợ mang thức ăn về tổ và truyền thức ăn có chứa độc tố cho mối vua, mối chúa và mối lính trong tổ. Cả tập đoàn nhà mối nhiễm thuốc rồi chết dần.

Trình tự diệt mối bằng bả sinh học không phức tạp. Sau khảo sát hiện trạng về mối, tìm các điểm mối tập trung đông nhất để đặt bả Xterm. Mức độ dùng bả nhiều hay ít phụ thuộc vào mật độ mối xâm nhập. Sau 1 tuần, kiểm tra hộp thuốc, nếu thấy mối ăn hơn 50% mồi trong hộp thì tiến hành đặt thêm. Sau khoảng 3-4 tuần, nếu thấy mối ít, mối bị đổi màu, mất phản xạ thì tổ mối có dấu hiệu đang bị tiêu diệt.

So với phương pháp truyền thống là khoan và bơm hoá chất ở bên trong và bên ngoài công trình, phương pháp này sử dụng những hộp nhựa đặt quanh công trình cần xử lý. Bên trong những hộp này có 1% là thuốc điều hòa sinh trưởng và 99% là thức ăn của mối. Nguồn thức ăn này đặc biệt hấp dẫn, khi mối thợ tiếp cận, chúng sẽ báo cho các thành viên trong tổ tới ăn. Sau khi ăn bả có chứa chất điều hòa sinh trưởng, mối không chết ngay lập tức mà có đủ thời gian để trở về tổ và truyền thức ăn có chứa độc tố cho các con mối khác trong tổ.

Hỗ trợ công nghệ này, Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ Tài Nguyên - Môi trường Toàn Cầu đầu tư thêm máy rada dò sóng mối, dùng sóng siêu âm và cảm biến nhiệt để dò mối trong độ dày 0,5m tính từ mặt đất. Chỗ nào có nghi vấn, đặt rada dò, nếu có mối hoạt động sẽ phát hiện ngay. Khống chế được tổ mối càng sớm thì càng đỡ thiệt hại cho công trình, còn đến mắt thường đã có thể nhìn thấy thì công trình gần như đã bị tiêu hao hết.

Bảo vệ công trình khỏi bị mối phá hoại bằng công nghệ Xterm đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế áp dụng ở nhiều điểm di tích Cố đô Huế. Ưu điểm của công nghệ này là không sử dụng hóa chất độc hại nên không lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe du khách và người lao động. Anh Nguyễn Văn Phúc, Chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết: “Vẫn cần thời gian tiếp tục đánh giá, nhưng với những công trình áp dụng từ năm 2014, như: Đại Nội, lăng Tự Đức, lăng Gia Long… kiểm tra thấy hiệu quả rõ rệt. Mối không trở lại và cũng không thấy xuất hiện những tổ mới trong vùng lân cận”.

(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Đồng Văn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ung-dung-cong-nghe-chong-moi-moi-cho-di-tich-a6845.html