Chiếc ô
Ô che là vật dụng quen thuộc của người Mông. Ô theo con gái đi hội, đến các phiên chợ khiến khung cảnh thêm náo nhiệt và sặc sỡ sắc màu. Trẻ em trên đường đến lớp, cha mẹ địu con đi rẫy cũng không quên mang theo để che nắng mưa. Điều này cũng ít thấy ở các cộng đồng dân tộc khác như Thái, Khơ mú.
Theo quan niệm của người Mông, chiếc ô còn là nơi nương náu của hồn vía vợ chồng.
Trong đám cưới, khi đi rước dâu, người Mông mang theo chiếc ô bởi nó cũng quan trọng chẳng kém sính lễ. Người Mông ở nhiều dòng họ cho rằng, chiếc ô là nơi nương náu của hồn vía vợ chồng. Ông mối là người đại diện cho nhà trai đi rước cả người và hồn vía cô dâu về nhà. Nhà trai mang ô đến treo trước cửa buồng ngủ cô gái, khi rước dâu sẽ mang theo về.
Nếu không may để mất ô coi như vía của hai vợ chồng còn lạc đâu đó, chưa về cùng nhau nên nhà trai phải đi tìm cho bằng được. Trong cuộc vui, họ gái thường tìm cách giấu ô đi cho nhà trai đi tìm. Vì vậy suốt đám cưới, nhà trai luôn phải để mắt đến chiếc ô.
Mái đầu
Trong quan niệm của người Thái có tới hàng trăm loại vía. Mỗi loại vía lại ứng với một bộ phận cơ thể từ chân tay, mắt mũi, mạng sườn. Người Thái ở vùng Tây bắc còn có cả vía “chim”, vía “bướm”...
Mái đầu là nơi cư ngụ của 900 trăm hồn vía
Thế nhưng, phần vía quan trọng nhất là ở mái đầu. Người Thái gọi là “văn hua”. Theo bài cúng gọi vía thì mỗi người có đến 900 vía đầu. Nhưng dường như đó chỉ là cách ví von. Theo quan niệm của người Thái trên đầu có vía tóc, đỉnh đầu, hai thái dương, búi tóc…
Chính vì quan niệm này nên mái đầu rất được người ta trân trọng, gìn giữ bởi đó không chỉ là nơi chốn của trí tuệ mà còn có hồn vía con người. Không ít người già vùng cao không cho phép người khác động vào đầu mình, thậm chí tự cắt lấy tóc vì sợ đầu mình bị mạo phạm. Quan niệm này cũng thấy trong văn hóa của một số cộng đồng người Lào.
Đền bản và khu rừng ma
Ở nhiều bản vùng cao có đền thờ bản. Gọi là đền nhưng nhiều khi nó được dựng hết sức sơ sài như một mô hình nhà sàn nho nhỏ bằng tre, nứa, đủ để đặt một mâm cúng. Cũng có nơi người ta dựng kiên cố và một số ít được làm bề thế. Ở Nghệ An có đền Choọng ở xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp hay đền mường Chiêng Ngam (Châu Tiến – Quỳ Châu), đền Vạn (Xá Lượng - Tương Dương). Đây là những điểm tâm linh quan trọng của cộng đồng người Thái miền núi Nghệ An.
Trong quan niệm của người Thái, những ngôi đền bên cây cổ thụ là nơi trú ngụ của các thế lực siêu nhiên như thần linh, ma quỷ canh giữ bản nên ai cũng kiêng sợ.
Những ngôi đền nhỏ ven bản là nỗi sợ của không ít người trong cộng đồng. Người ta chỉ tập trung đến vào dịp lễ hội của cộng đồng để dâng mâm cúng thần linh. Ngày thường, những người nhát gan không dám bén mảng đến gần. Những ngôi đền dựng cạnh cây cổ thụ được cho là nơi cư ngụ của thần linh và những thứ ma quỷ cai quản vùng đất. Ai làm kinh động đến sẽ bị trừng phạt làm cho ốm đau bệnh tật, thậm chí là bị bắt đi.
Khu nghĩa địa hay còn gọi là rừng ma mới thực sự là nơi gieo rắc nỗi sợ. Nhiều cộng đồng người thiểu số sau khi chôn người chết xong không bao giờ bén mảng tới nữa. Chôn cất xong người chết, người ta còn phết nhọ nồi lên mặt để ma không nhận ra mà theo về.
Căn bếp ma nhà
Trong ngôi nhà người Khơ mú có 2 căn bếp. Một bếp nấu ăn, còn bếp kia chỉ dùng trong ngày cúng cho tổ tiên, mỗi năm làm một lần. Căn bếp này được cho là nơi cư ngụ của ma nhà. Nghi lễ lớn nhất của cộng đồng người Khơ mú là cúng trâu cho tổ tiên cũng được thực hiện trong căn bếp này.
Người Khơ mú có tục cấm người lạ bén mảng đến căn bếp ma nhà của họ.
Người Khơ mú cũng cấm bất kỳ người lạ nào bén mảng đến căn bếp ma nhà. Con gái đã đi lấy chồng cũng không được vào bếp nữa. Người nào vì vô tình hay tò mò mà vào đó sẽ bị phạt vạ bằng cách mua lợn về cúng ma nhà cho gia chủ.
Về phong tục này có truyền thuyết do một cao niên ở xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn kể rằng: Xưa người Thái thường mổ trâu cúng tổ tiên. Người Khơ mú cũng muốn làm vậy nhưng phong tục của các dòng họ trong cộng đồng không cho phép làm vậy. Thế là họ bàn nhau đi ăn trộm họ của người Thái về giấu trong căn bếp, mổ trâu cúng bái. Người Thái tìm đến hỏi tất cả đều bảo là “không nhìn thấy”. Người Khơ mú thương tình, cho người Thái một vài dòng họ thờ cúng gà đem về thờ phụng. Đó là nguyên nhân phong tục cúng tế của người Thái ít khi mổ trâu, bò.
(Theo Báo Nghệ An)