“Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An" vừa tìm thấy một tư liệu liên quan đến sự có mặt của người Triều Tiên ở đô thị cổ Hội An, Đàng Trong nói riêng, Việt Nam nói chung vào thế kỷ XVII. Đó là cuốn sử của triều đình phong kiến Triều Tiên “Trú Vĩnh Biên”.
“Trú Vĩnh Biên” ghi lại câu chuyện vào tháng 10 năm Đinh Mão (1687), một số người dân đảo Tế Châu, Triều Tiên trên đường làm nhiệm vụ bằng thuyền bị gió bão đánh dạt đến một địa phương xa lạ mà sau này xác định là Hội An nước Đại Việt. Nơi mà thuyền của những người Tế Châu tấp vào chính là Cù Lao Chàm. Họ được những cư dân xứ đảo này cứu giúp, hỗ trợ nước uống, lương thực và đưa vào trình diện quan sở tại ở Hội An.
Tư liệu cho biết: “Lúc đó, gió lớn lại nổi lên, phải khó khăn lắm những người dân địa phương mới đưa họ lên được bờ. Tất cả được dẫn vào làng thuộc phủ Minh Đức, quận Hội An, được đưa đến trước viên quan mặc áo đen, đội mũ làm bằng đuôi lông ngựa. Sau cuộc tiếp xúc đó những người Tế Châu được đưa trở lại hòn đảo mà họ đã đến lúc đầu là Cù Lao Chàm ngày nay”.
Tư liệu này cũng cho biết, đoàn bị nạn gồm 24 người, được người dân địa phương cũng như chính quyền giúp đỡ tiền, gạo, được đi lại tự do các nơi, do vậy có điều kiện chứng kiến tận mắt cảnh vật nơi đây và đã ghi chép lại trong Trú Vĩnh biên.
Sau gần 10 tháng ở lại Hội An, vào tháng 7 năm 1688, nhờ sự giúp đỡ của một thương nhân cùng với sự bảo hộ của triều đình chúa Nguyễn ban cho 600 lạng bạc và cử Minh Đức hầu làm thư gửi chính quyền phong kiến Triều Tiên thông báo sự việc xảy ra, những người Triều Tiên bị nạn đã được lên thuyền về nước sau gần nửa năm lênh đênh trên biển.
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-hien-tu-lieu-co-cua-trieu-tien-viet-ve-hoi-an-a682.html