Nhà văn Lê Văn Thảo (bên phải) trò chuyện thân mật với Nhà văn Triệu Xuân
Nhà Văn Lê Văn Thảo làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh hai nhiệm kỳ, từ 2000 đến 2005. Trong hai nhiệm kỳ ấy, Triệu Xuân ở trong Ban Chấp hành, phụ giúp với anh công việc ở Hội đồng Văn xuôi và đối ngoại… Anh Thảo sống giản dị, đầy chân tình với Triệu Xuân, với bạn bè…
Anh Lê Văn Thảo bị ung thư giai đoạn cuối, vẫn biết sẽ đến ngày anh ra đi mãi mãi... nhưng nghe hung tin sáng nay, tôi bàng hoàng lặng đi…
Vô cùng thương tiếc nhà văn Lê Văn Thảo!
Xin chia buồn cùng gia đình, xin cầu mong hương hồn nhà văn Lê Văn Thảo sớm siêu sinh tịnh độ, phiêu diêu miền cực lạc!
Vài nét về nhà văn Lê Văn Thảo là con trưởng cụ Dương Văn Diêu, Nhà giáo nổi tiếng. Anh Thảo có tên khai sinh là Dương Ngọc Huy. Sinh ngày mồng một tháng Mười năm 1939 tại Thủ Thừa, Long An, Hội viên Hội Nhà văn từ năm 1977. Lê Văn Thảo là một trong những gương mặt điển hình của thế hệ sinh viên Sài Gòn lên rừng tham gia kháng chiến. Hai mươi ba tuổi đầu, đang học năm thứ ba ban Toán, Lý (MP) của Đại học Khoa học Sài Gòn, Lê Văn Thảo cùng em trai là nhà văn Lê Văn Duy, lúc đó đang học trường Quốc gia Hành chánh, bỏ lại đằng sau cuộc sống sung sướng giữa Sài Gòn hoa lệ… để lên rừng. Thời kỳ đó, giới trí thức, sinh viên, thanh niên vô R (căn cứ cách mạng, ở rừng) chưa nhiều. Các anh hăng hái làm những công việc mà tổ chức giao cho, trước hết là làm rẫy! Trong khi các nhà văn quê gốc Nam Bộ lúc đó đã thành danh như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Vĩnh Hòa… thì mãi đến năm 1965, Lê Văn Thảo mới tập tọng bước vào nghề viết văn. Tác phẩm của Lê Văn Thảo thời kỳ ấy là những bút ký chiến trường, những truyện ngắn về vùng quê Long An, Đồng Tháp Mười và những chiến sỹ, đơn vị quân Giải phóng miền Nam ở miền Đông Nam bộ. Sau giải phóng, về công tác tại báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Lê Văn Thảo tiếp tục viết truyện ngắn. Mãi đến năm 1988, Lê Văn Thảo mới cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình.
Tác phẩm: Ngoài mặt trận (truyện và ký, Nxb. Văn học giải phóng, 1969); Từ thế cao (ký sự, Nxb. Giải phóng, 1970); Đêm tháp mười (tập truyện ngắn, Nxb Giải phóng, 1972); Bên lở bên bồi, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1978); Chuyện xã tôi (truyện vừa, Nxb. Kim đồng, 1980); Cửa sổ màu xanh (tập truyện ngắn, Nxb. Tác phẩm mới, 1981); Câu chuyện 20 năm (tập truyện ngắn, Nxb. Mũi Cà Mau, 1985); Buổi chiều và sáng hôm sau (tập truyện ngắn, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1986); Ngôi nhà có hàng rào song sắt (tiểu thuyết, Nxb. Tác phẩm mới, 1988); Chuyện nhỏ tình yêu (tập truyện ngắn, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1992); Con đường xuyên rừng (tiểu thuyết, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1995), Ông cá hô (tập truyện ngắn, Nxb. Hội nhà văn, 1995); Một ngày và một đời (tiểu thuyết, Nxb. Văn học, 1999); Cơn giông (tiểu thuyết, Nxb. Trẻ, 2000); Truyện ngắn chọn lọc (Nxb. Hội Nhà văn, 2003); Tuyển tập Lê Văn Thảo. NXB Văn học, 2007. Lên núi thả mây, truyện ngắn, NXB Văn học 2011; Tuyển truyện ngắn Lê Văn Thảo. NXB Văn học, 2012; Sóng nước Vàm Nao (tiểu thuyết); Những năm tháng nhọc nhằn (tiểu thuyết - 2012); Nhỏ con, có chịu thôi đi không? (truyện ngắn - 2016).
Trong số 16 tác phẩm đã xuất bản, có 6 tiểu thuyết, (không cuốn nào dài quá 350 trang, khổ sách 13 x 19 cm; có cuốn như Con đường xuyên rừng chỉ 138 trang), còn lại là 12 tập truyện ngắn. Có vẻ như Lê Văn Thảo sở trường về truyện ngắn. Thế nhưng những giải thưởng lớn mà anh đạt được lại chính là từ tiểu thuyết: Một ngày và một đời, giải A của Hội nhà văn Việt Nam, 1997; Cơn giông, giải B của Hội nhà văn Việt Nam, 2003. Lê Văn Thảo được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á (ASEAN) năm 2006 cũng là từ tiểu thuyết Cơn giông. (Trích Lời tựa của Nhà văn Triệu Xuân, in trong Tuyển tập Lê Văn Thảo. Triệu Xuân sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu. NXB Văn học, 2007).
Nhà văn Lê Văn Thảo được tặng nhiều giải thưởng, Huân huy chương, trong đó nổi bật:
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2007.
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, 05-2012.
Xuân Vũ