Khúc ca của người lao động
Nằm ở phía Nam của Quảng Bình, ôm trọn dòng Kiến Giang thân thương, trìu mến với những tinh hoa của ruộng đồng, làng quê, Lệ Thủy đã sản sinh ra văn hóa tinh thần trên dòng sông thơ mộng trong xanh bao đời. Đứa con nuôi dưỡng bao tâm hồn, với những con người đi vào lịch sử dân tộc, đi vào thơ và nhạc.
Làn điệu dân ca Lệ Thủy, là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người, gồm có chín làn điệu (chín mái): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi).
“Hò khoan Lệ Thủy” trong lao động sản xuất.
Trước đây, người ta hò mái chè, mái nện lúc cất nhà, quết vôi nện cươi (nện sấn) và nện móng xây dựng đền chùa với ngụ ý cầu mong cho cuộc sống vững chãi, bốn bề gia thất yên ổn, quê hương gia đình ấm no. Mái nhì hò lúc cày ruộng, xay lúa, làm đồng, nhằm an ủi mình trước cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mong ước cuộc sống no ấm, sung túc. Hò mái ba lúc chèo đò, chèo nôốc đưa đám để cầu mong cho đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc, con đàn cháu đống. Hò khơi khi đánh cá và hò lĩa trâu khi làm nương, làm rẫy, khi kéo gỗ. Vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) hai bên nam thanh, nữ tú thôn quê mộc mạc đêm đêm hát đối đáp thi giữa các làng, có khi là cùng một làng nhằm kết tình hữu hảo, có khi là tìm bạn tình. Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị, mà cũng rất gần gũi, trìu mến, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc.
Xứng đáng là di sản của dân tộc
Đoàn quảng bá “Hò khoan Lệ Thủy” đã giới thiệu nét độc đáo “Hò Khoan Lệ Thủy” tới đông đảo nhân dân cả nước, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiến tới đề nghị UNESSCO công nhận “Hò khoan Lệ Thuỷ” là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
13 làn liệu độc đáo của “Hò khoan Lệ Thuỷ” như: Hát mái xắp, hò sáu mái, hò khơi, nậu xăm, hát mới, hò đối đáp, vè mẹ Suốt, xuống đò đi hội chùa Quang, đêm hè nhớ Bác, Đại tướng về thăm quê, Quảng Bình trong câu hát, hò đưa linh chè cạn, Quảng Bình quê ta ơi… đã được giới thiệu đến người dân Thủ đô.
Ông Dương Ngọc Liên, Trưởng đoàn lưu diễn dân ca “Hò khoan Lệ Thuỷ”, giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Quảng Bình là mảnh đất có đủ loại hình văn học dân gian như truyền thuyết, chuyện kể, giai thoại, dân ca, song nổi trội vẫn là dân ca, đặc biệt là hò khoan. Hò khoan có mặt ở mọi ngóc ngách của cuộc sống từ việc lớn đến việc nhỏ. Chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, đạp nước, kéo gỗ, nện đất, giã vôi, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền… tất tần tật việc gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được”.
Các nghệ nhân đến từ Quảng Bình trong buổi giao lưu “Hò khoan Lệ Thủy” tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ngày 26/9/2016.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ, từ trong cuộc sống lao động sản xuất, “Hò khoan Lệ Thủy” thể hiện 9 mái đã có từ xa xưa truyền nối như Mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, hò khơi, hò nậu xăm, hò lỉa trâu. Trong số gần 1.000 câu hò lời cổ sưu tầm được thấy rằng, cái tôi trữ tình mà hò khoan đề cập là rất phong phú. Có những cái to tát như nhân tình, thế thái, sự đời, chuyện quan trường, quốc sự. Cho đến tình cảm, trao duyên, thậm chí là một chút trách cứ, than phiền. Nhưng trong đó bao trùm lên cả vẫn là tình yêu đất nước, quê hương sâu nặng, nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, trung, nhân, nghĩa, đặc biệt là tình yêu lứa đôi.
“Trong một lần tôi được trò chuyện với GS. TS Trần Quang Hải, con trai cố GS.TS Trần Văn Khê, ông có nói rằng nếu như chỉ riêng một điệu dạ cổ hoài lang cũng đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại, thì đến “Hò khoan Lệ Thuỷ” khó có thể nói lên hết được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của nó, nhưng chỉ cần một điệu hò “mái xắp” cũng sẽ làm nên được điều kì điệu đó. Tôi tin là như thế. Tuy nhiên, việc “Hò khoan Lệ Thuỷ” có làm được điều kì diệu như nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng khác hay không điều đó phụ thuộc vào trách nhiệm của không chỉ những người làm văn hoá Quảng Bình mà còn có sự chung tay, ủng hộ của các ngành, các cấp, đặc biệt là những người làm văn hoá”, ông Vĩ cho biết thêm.
Trong những ngày cuối tháng 9/2016, đoàn quảng bá “Hò khoan Lệ Thủy” (Quảng Bình) gồm 21 thành viên, trong đó có 4 nghệ nhân dân gian và 4 nghệ nhân ưu tú đã có những ngày giao lưu với người dân Thủ đô để giới thiệu về di sản “Hò khoan Lệ Thủy”.
(Theo langvietonline.vn)