Thực trạng một số di tích lịch sử, văn hóa nói chung mai một, xuống cấp, không được tu bổ kịp thời hoặc bị nhà dân lấn chiếm… là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” không chỉ riêng ở Bạc Liêu mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác, mặc dù xét về cơ sở pháp lý, có hẳn một “hàng rào” nghiêm ngặt bảo vệ, phát huy các di tích, đó là Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và nhiều quy định chi tiết liên quan ban hành sau đó. Bởi luật là luật mà thực tế thực thi ở nhiều địa phương lại là vấn đề khác. Sự quan tâm, vào cuộc của từng tỉnh, thành phố không giống nhau, tùy thuộc vào sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, điều hành, sự tham mưu tới nơi tới chốn của chính ngành chức năng quản lý, ngân sách địa phương và ý thức tôn trọng, bảo vệ, sự nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của di tích nói chung của người dân… Tất cả đều là những nhân tố quan trọng quyết định hồi kết đẹp hay không đẹp cho câu chuyện gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích!
Với ý nghĩa vinh danh một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, “Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu” (hiện là di tích cấp quốc gia) xứng đáng được đề cử là di tích quốc gia đặc biệt trong dịp tổng kiểm kê này - Ảnh: C.T
Việc tổng kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố 5 năm/lần đã được Bộ VH-TT&DL quy định nhằm mục đích đánh giá cụ thể thực trạng quản lý, sử dụng bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đối với tỉnh Bạc Liêu, việc tổng kiểm kê di tích lần đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ông Phạm Văn Tắc cho biết: “Một thực trạng trong việc quản lý di tích đã qua gây khó khăn cho Bảo tàng tỉnh, đó là một số di tích giao hẳn cho địa phương quản lý, không có sự phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng nên di tích xuống cấp không được tu bổ kịp thời. Một số địa điểm có dấu hiệu di tích, nếu không đưa vào danh mục kiểm kê theo thời gian sẽ không còn giữ nguyên vẹn gốc tích, hoặc những người hiểu biết về địa điểm đó qua đời thì sẽ gây khó khăn trong công tác sưu tầm tư liệu liên quan… Với việc tổng kiểm kê này, chúng tôi sẽ có cơ sở khoa học và pháp lý để tiến tới xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Bạc Liêu. Những di tích xuống cấp, có dấu hiệu bị mai một sẽ được cấp kinh phí để kịp thời trùng tu, những địa điểm có dấu hiệu di tích sẽ kịp thời được lập hồ sơ đề nghị… Tất nhiên khi đã có đề án hẳn hoi thì việc đầu tư kinh phí để bảo tồn, trùng tu di tích của tỉnh cũng sẽ cụ thể, rõ ràng, đúng lộ trình, khắc phục được tình trạng mỗi lần hư hỏng di tích lại lập tờ trình xin kinh phí, chờ kinh phí, ảnh hưởng đến tiến độ bảo vệ di tích”.
Đợt tổng kiểm kê này, Bảo tàng tỉnh sẽ tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng của các di tích, công tác bảo tồn, quản lý, khai thác và phát huy giá trị của 13 di tích xếp hạng quốc gia và 33 di tích xếp hạng cấp tỉnh; qua đó lựa chọn di tích quốc gia có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia đề nghị Bộ VH-TT&DL cho lập hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, lựa chọn di tích cấp tỉnh có giá trị (đáp ứng theo tiêu chí tại điều 28 Luật Di sản văn hóa được sửa đổi, bổ sung) đưa vào kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia; đồng thời đợt này Bảo tàng tỉnh cũng tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng tại 7 địa điểm du lịch của tỉnh để có phương án đề xuất phát huy giá trị… Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh cũng tiến hành rà soát, kiểm kê 46 công trình xây dựng (đình, chùa, miếu, nhà cổ), địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị tiêu biểu của tỉnh đưa vào kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh…
Tin rằng, với tâm huyết của những người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm kê, sự hợp tác tích cực phía chính quyền địa phương nơi có di tích, đợt tổng kiểm kê lần đầu tiên này sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp. Một đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh từ đợt tổng kiểm kê này sẽ là “hồi kết có hậu” cho câu chuyện bảo tồn di tích ở Bạc Liêu. Những di tích được nâng cấp xếp hạng sẽ giúp kho tàng di tích ở tỉnh thêm phong phú, làm giàu giá trị văn hóa cho Bạc Liêu, những địa danh xứng đáng, đủ tiêu chí mà chưa được công nhận sẽ được công nhận kịp thời, đặc biệt là những địa điểm gắn với lịch sử cách mạng…
(Theo Báo Bạc Liêu)