Điệu múa chèo thuyền của người Dao (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn) tái hiện lịch sử, đời sống sinh hoạt của người Dao.
Cư trú chủ yếu trên địa bàn các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập. Người Dao ở Phú Thọ có tỷ lệ dân số đứng thứ ba sau hai dân tộc Kinh và Mường gồm hai dòng chính là Dao quần chẹt (Dao chít hay Dao Nga Hoàng) và Dao đeo Tiền (Dao tiền). Với mỗi nhóm Dao lại có các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng khác nhau nhưng tựu chung đều phản ánh những giá trị giống nhau. Theo quan niệm của người Dao, người đã qua Cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng, được cúng bái, mới đích thực là con cháu Bàn Vương. Lễ Cấp sắc thường được tiến hành vào dịp cuối năm. Nghi lễ được thực hiện trong 2-3 ngày với các nghi thức chính là trình diện và thụ đèn, việc cấp sắc trong gia đình cũng được tuân thủ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Cha đến con; anh đến em. Khi có lễ Cấp sắc diễn ra, gia chủ phải làm cơm, rượu cúng báo tổ tiên và khoản đãi dân làng. Sau lễ Cấp sắc, người thụ lễ sẽ được cấp pháp danh cho người thụ lễ, tên âm và đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện mang ý nghĩa răn dạy về đạo lý làm người, nhắc nhở con người làm việc thiện tránh xa cái ác, cái xấu, giáo dục con cháu sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội, hòa thuận với thiên nhiên và gìn giữ phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc...
Các già làng, thày cúng truyền dạy các đạo sắc, lịch sử, truyền thống dân tộc Dao cho cộng đồng trong lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập) - Ảnh: Đinh Vũ
Nói đến Cấp Sắc là nhắc đến các nghi thức đặc sắc như múa chuông, đội đèn, hát Páo Dung... Chứng kiến tận mắt một lễ đặt tên, người xem như được khoản đãi mọi giác quan. Từ màu sắc sặc sỡ trên trang phục truyền thống của người Quần Chẹt, những đường nét sáp ong uyển chuyển của người Dao Tiền. Âm thanh lúc nhộn nhịp rền vang, lúc lảnh lót xa gần của chiêng, của trống và những chiếc chuông đồng, hòa cùng điệu ngân nga của những bài dân ca, đến nghệ thuật tạo hình thể hiện qua tranh cắt giấy, tranh thờ phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như tín ngưỡng tâm linh của người Dao hội tụ cả trong lễ Cấp Sắc, tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng độc đáo.
Sự duy trì bền vững qua hàng nghìn năm là minh chứng rõ nét nhất cho một tín ngưỡng văn hóa đặc sắc, một môi trường sinh hoạt, giáo dục văn hóa, sợi dây gắn kết cộng đồng. Được xem như bức tranh phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống của đồng bào Dao ở Phú Thọ. Nghi lễ độc đáo này đã góp phần không nhỏ trong kho tàng văn hóa phi vật thể trên quê hương Đất Tổ cần được gìn giữ, phát huy.
(Theo Báo Phú Thọ)