Nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Đi theo tiếng gọi non sông khi tuổi đời còn khá trẻ, ông cùng nghĩa quân từng làm nên chiến công vang dội: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”. Đến hôm nay, chiến công ấy vẫn còn lưu truyền và người dân ở Xóm Nghề, Nhựt Tảo luôn tạc dạ ghi lòng, tưởng nhớ công ơn Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.



Ông Nguyễn Thanh Liêm thờ di ảnh và thắp hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mỗi ngày

Xóm Nghề, Nhựt Tảo nhớ công ơn!

Trở lại ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Xóm Nghề năm nào giờ đổi thay! Người dân xóm nghề không còn mưu sinh bằng nghề chài lưới, bắt cá, làm mắm như thuở xưa. Cuộc sống thay đổi nhưng lòng người trước sau vẫn vẹn. Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, 69 tuổi ở ấp 1, xã Thạnh Đức, dù cảnh vật, đời sống khác xưa nhưng hễ nhắc đến Xóm Nghề thì ai cũng biết, cũng nhớ và tự hào vì đây là nơi Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh ra và sống thời niên thiếu.

Cháu đời thứ 6 của Anh hùng Nguyễn Trung Trực - Nguyễn Văn Đậm chia sẻ: “Ngoài việc bà Nguyễn Thị Lược - cháu đời thứ 5 đến thắp hương, dọn quét bia tưởng niệm mỗi ngày thì đến kỷ niệm ngày mất của cụ, con cháu trong dòng tộc đều tổ chức lễ giỗ tại bia tưởng niệm ở ấp 1, xã Thạnh Đức. Dịp này, có hơn 1.000 lượt khách đến dự, tưởng nhớ công ơn bậc tiền nhân ngày trước”.

Không chỉ có gia tộc, người dân xóm nghề và người dân Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) cũng dành lòng thành kính sâu sắc với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ông Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ: “Đến ngày giỗ, tôi đều sắp xếp công việc đến dự để dâng lên bàn thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nén hương tỏ lòng thành kính. Không chỉ vậy, ở nhà, tôi thờ di ảnh Anh hùng Nguyễn Trung Trực và mỗi ngày đều thắp hương như tổ tiên, ông bà của mình vậy”.



Nhà trưng bày tại Khu Di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công oai hùng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Cũng như ông Liêm, trong những gian nhà dọc theo hai bên đường vào bia tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở xã Thạnh Đức và đường vào Khu Di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, người dân đều thờ di ảnh vị anh hùng dân chài như một tín ngưỡng tâm linh và thể hiện niềm tưởng nhớ.

Ngoài ra, đến ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực tổ chức vào ngày 11, 12 tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân ở những nơi này đều lập hương án phía trước nhà thờ cúng ông. Một bàn hương án dù chẳng có lễ vật cao sang, chỉ một ít trái cây, một nén hương dâng lên người anh hùng có công với quê hương, đất nước nhưng cũng đủ tỏ lòng thành kính.

Nơi ghi dấu chiến tích oai hùng

Nép mình bên dòng Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo, Khu Di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo là nơi ghi dấu chiến công vang dội đốt tàu Pháp của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong phong trào vũ trang kháng Pháp cuối thế kỉ XIX, nghĩa quân đánh chìm được một tàu chiến của địch.

 
Chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo” còn là minh chứng cho tinh thần dũng cảm, sự thông minh, mưu trí của nghĩa quân chỉ với vũ khí thô sơ mà đánh bại được tàu to súng lớn của kẻ thù. Với ý nghĩa này, Vàm Nhựt Tảo được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1996. Khu di tích hiện tọa lạc tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ với diện tích 6,1ha; có tổng kinh phí phục dựng hơn 50 tỉ đồng, được khởi công xây dựng năm 2003 và khánh thành tháng 10/2010.
 

 
Dâng nén hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong ngày lễ húy kỵ tại xã Thạnh Đức

Tại Khu di tích, Đền tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được xây dựng, bày trí theo lối kiến trúc đình làng Nam bộ, bao gồm gian thờ chính và hai gian thờ phụ. Gian thờ chính, thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, gian phụ bên phải thờ các tướng lĩnh, gian phụ bên trái thờ các nghĩa quân vong trận. Nhà trưng bày được chia thành 6 chuyên đề: Thời niên thiếu của Nguyễn Trung Trực; Nguyễn Trung Trực kháng chiến chống Pháp dưới quyền Trương Định; Diễn biến trận Nhựt Tảo; Hoạt động của Nguyễn Trung Trực từ sau trận Nhựt Tảo đến 1867; Hoạt động kháng chiến của Nguyễn Trung Trực tại Phú Quốc và Hậu thế ghi ân”.

“Dòng Nhựt Tảo nước xanh biêng biếc, lượn sóng nào dìm tàu giặc năm xưa/ Vàm Cỏ Đông dìu dặt câu hò, đâu rồi tiếng quân reo ngựa hí/ Vận nước đang hồi hưng thịnh, không quên thời Tổ quốc điêu linh/Bao anh hùng vì nước hy sinh, để gấm vóc giang sơn bền vững mãi/ Lòng kính ngưỡng xây đền tưởng niệm, đáp thâm ân người nghĩa sĩ dân chài/ Dạ chân thành dựng đá làm bia, ghi chiến tích lưu truyền vạn đại” – từng câu từng chữ của văn bia tại khu di tích cũng là lời tri ân, tấm lòng ghi nhớ công ơn của hậu thế hôm nay đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực có tên khai sinh là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Từ năm 1861-1868, ông mưu trí chiến đấu với kẻ thù, để lại 2 chiến công hiển hách ở Nam bộ. Đó là chiến thắng lẫy lừng trên vàm Nhựt Tảo khi ông đốt cháy tàu Ésperance của Pháp vào ngày 10/2/1861 và trận đánh chiếm thành Kiên Giang khiến quân Pháp hoảng hốt chạy ra ngoài, bị nghĩa quân cùng với dân chúng chém giết. Ông hy sinh ngày 27/10/1868 (12 tháng 9 âm lịch), để lại cho đời câu nói bất hủ:“Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Năm 2016, là dịp kỷ niệm 148 năm ngày ông hy sinh và hoạt động tưởng niệm được tổ chức vào ngày 11/10/2016 (nhằm ngày 11 tháng 9 âm lịch) tại Khu Di tích Lịch sử Vàm Nhựt Tảo).

(Theo Báo Long An)

Thùy Hương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nho-anh-hung-dan-toc-nguyen-trung-truc-a6651.html