Không gian văn hóa đền Đuông

Trong các vùng quê cùng thờ thánh Bạch Hạc thì di tích đền Đuông, xã Bồ Sao (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có ý nghĩa khá đặc biệt.

Không gian cảnh quan di tích đền Đuông

Di tích đền Đuông (hay còn gọi là đền Bồ Sao), sở dĩ có tên gọi là “Đuông” vì xưa kia có bến Đông ở gần đồi cây Đuông, nơi di tích tồn tại. Nhưng vì kiêng không được phép nhắc đến tên huý của đức thánh Bạch Hạc tức Đông Hải Long vương nên đã đọc Chệch từ “Đông” thành “Đuông”. Đồng thời, người dân đã lấy tên di tích gắn liền với tên một loại cây “Đuông” đã từng có mặt phổ biến ở vùng đất bán sơn địa này. Ngày nay, đền Đuông thuộc địa phận xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Xưa kia, vị trí của đền nằm ở khu vực trung tâm của làng xã và mang trong mình đặc điểm nổi bật, đó là “Nhất cận lộ, nhị cận giang, tam cận thị”, nghĩa là đền Đuông nằm ngay cạnh con đường kinh lý từ Thăng Long lên chốn Tổ Vua Hùng ở Phú Thọ; đồng thời lại nằm ngay cạnh nga ba của hợp lưu sông Hồng và phía sau là không gian văn hóa chợ (đây là một trong các chợ lớn của phủ Vĩnh Tường xưa). Vì vậy, di tích này đã được người dân xa gần biết tới từ rất sớm. Hiện nay, di tích nằm cách đường quốc lộ 2 khoảng 200m, cách ngã ba Bạch Hạc khoảng 1km. Đây là điều hết sức thuận lợi cho việc du khách thập phương đi đến di tích bằng nhiều cách khác nhau, nhưng thuận tiện nhất là đi ô tô theo đường quốc lộ 2 đến chợ Bồ Sao rẽ vào; hoặc có thể đi đường thuỷ, đường sắt từ Việt Trì Xuống (cách khoảng gần 3 km).



 
Toàn cảnh di tích đền Đuông.
 
Về không gian cảnh quan, mặt bằng tổng thể cũng như quy mô kiến trúc: Cốt lõi của tôn giáo, tín ngưỡng là niềm tin của con người vào một lực lượng siêu nhiên nào đó bảo trợ cho cuộc sống của họ, đó là niềm tin thể hiện sự ngưỡng vọng vào một thế giới thần linh huyền bí so với thế giới trần tục. Việc xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, đặc biệt là kiến trúc các ngôi đình, đền, chùa cũng bị chi phối bởi niềm tin thiêng liêng ấy.

Không nằm ngoài quy luật đó, trong kiến trúc cổ và dân gian Việt Nam: Kinh đô của một triều đại phong kiến, chùa chiền nhà Phật, lăng mộ của người đã chết, những ngôi nhà ở dân gian của người đang sống và đặc biệt là những kiến trúc của các ngôi đền thờ… cha ông chúng ta đã biết tìm và lựa chọn vị trí, thế đất để công trình kiến trúc dựng lên vừa thoả mãn nhu cầu sử dụng của đời sống, lại vừa có giá trị thẩm mỹ nhất định tuỳ theo từng loại hình. Những di tích điển hình như: đình Tây Đằng, đình Thuỵ Phiêu, đình Thanh Lũng, đình Ngọc Than, đình Xuân Dục, đền Hùng, đền Kiếp Bạc… Ngoài cái đẹp bản thân của kiến trúc còn có cái đẹp từ vị trí, nơi công trình kiến trúc tọa lạc có thể phóng xa tầm mắt ngắm nhìn non xanh, nước biếc, cây cỏ tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên sẵn có để công trình kiến trúc dựa vào góp phần tôn thêm vẻ đẹp, tô điểm cho bức tranh phong cảnh thêm phần hoa mỹ; còn có những cây cổ thụ xum xuê, hồ nước trong xanh với bóng mái đền cổ kính đã làm cho mối tương quan giữa kiến trúc với cảnh quan và môi trường thiên nhiên càng thêm gắn bó và có sự tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Những giá trị văn hóa trường tồn

Di tích đền Đuông nằm trên một diện tích khá rộng (trên 10.000m2), di tích này có bố cục mặt bằng chính theo kiểu “Tiền chữ Khẩu, hậu chữ Công”, bao gồm: Tiền tế, Lầu trống (dạng nhà vuông), hai dãy Hành lang, Đền chính (bao gồm ba dãy nhà nhỏ liên kết với nhau thành hình chữ Công), phía ngoài có hai Tả - Hữu mạc, cổng đền (cổng Nội và cổng Ngoại). Với bố cục như vậy, đền Đuông là một công trình có quy mô lớn và tạo ra sự hòa hợp với môi trường tự nhiên và xã hội của vùng đất.



 
Không gian văn hóa đền Đuông.
 
Hiện nay, trong di tích đền Đuông đang lưu giữ một số pho tượng thờ có giá trị cao về mặt nghệ thuật như: tượng thánh Bạch Hạc (tức Đông Hải Long vương), vợ, con và bộ hạ của thánh. Có thể nói, trải qua thời gian lịch sử, các tượng thờ này luôn mang giá trị phổ quát cao và mang tinh thần nhân văn, ý nghĩa tâm linh cao cả. Hiện ở Hậu cung của đền Đuông còn lưu giữ 03 pho tượng chân dung, đó là: Đức thánh Bạch Hạc, Cung phi nhân Hoàng bà (vợ thánh), Mục sinh nhân Công chúa (con thánh). Ba pho tượng này được đặt trong một khám thờ bằng khung kính có kích thước lớn, dưới đây là một số những mô thuật về ba pho tượng này và bước đầu đưa ra niên đại tạo tượng hiện đang thờ phụng trong di tích.

(Theo langvietonline.vn)

Tố Oanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khong-gian-van-hoa-den-duong-a6624.html