Vương triều nhà Ngô trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Năm Mậu Tuất 938, với chiến thắng Bạch Đằng vang dội, dân tộc ta thực sự đã đè bẹp được ý chí xâm lược của kẻ thù. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938, được ghi vào sử sách như một chiến công hiển hách, bất diệt, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt ách đô hộ hơn 1000 năm của các triều đại phong kiến phương Bắc (Triệu- Hán-Ngô-Lương-Tùy-Đường…) mở ra một kỷ nguyên mới độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của dân tộc ta.



Ảnh minh họa Internet

Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, Ngô Quyền, người anh hùng dân tộc đã lên làm vua, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), đặt ra các quan văn, võ, đặt ra nghi lễ triều đình, thể hiện nền độc lập tự chủ của đất nước ta. Vương triều nhà Ngô tồn tại đến năm Ất Sửu 965 thì sụp đổ, và trong 27 năm tồn tai đó, nhà Ngô truyền nối được 3 đời đế vương, thế thứ cụ thể như sau:
 
1.Ngô Quyền (897-944)
 
Ngô Quyền sinh năm Đinh Tỵ 897, người đất Đường Lâm (ngày nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Thân sinh là Ngô Mân, là một hào trưởng địa phương có tài có đức, Ngô Quyền lớn lên trên quê hương có truyền thống bất khuất, nơi đây đã từng sinh ra và nuôi dưỡng người dân tộc Phùng Hưng.
 
Lớn lên Ngô Quyền thông minh có thân thể cường tráng, lại thường xuyên luyện tập võ nghệ, nên tiếng tăm của ông vang dội cả một vùng. Ngô Quyền sớm tỏ rõ khí phách phi thường hiếm thấy, lúc bấy giờ Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết Độ Sứ (năm Tân Mão 931), nghe tiếng Ngô Quyền là người có tài, Dương Đình Nghệ liền gã con gái là Dương Như Ngọc cho Ngô Quyền và giao cho Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu (Thanh Hóa). Trong thời gian trấn giữ Ái Châu, Ngô Quyền đã đem lại sự yên vui cho nhân dân và tỏ rõ là người có tài, có đức.
 
Tháng 3 năm Đinh Dậu 937, Dương Đình Nghệ bị một kẻ phản phúc giết hại, kẻ phản phúc đó là Kiều Công Tiễn. Khi đó Ngô Quyền nghe tin nhạc phụ bị giết hại, vua Nam Hán lại lợi dụng cơ hội đó sai con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để trừ nội phản, diệt ngoại xâm, Ngô Quyền đã nhanh chóng đem quân ra Bắc giết chết tên phản bội Kiều Công Tiễn và chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán.
 
Biết được quân Nam Hán sẽ chia làm hai đường thủy, bộ để tiến vào nước ta, mà chủ yếu là bằng đường thủy, quân Nam Hán sẽ tiến vào cửa biển sông Bạch Đằng. Để chống lại quân giặc, Ngô Quyền đã đưa ra kế sách độc đáo, ông cho bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sát cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi quân giặc tiến đến lãnh địa của trận mai phục, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi giả đò thua chạy, nhử cho chiến thuyền của giặc tiến vào bãi cọc vào trận địa mai phục của quân ta. Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy chiến trận, cầm cự chiến đấu với quân giặc, đợi cho nước thủy triều xuống, Ngô Quyền bắt đầu ra lệnh cho quân ta tấn công dữ dội đánh vỡ mặt và hai bên sườn, làm cho thuyền giặc tháo chạy và va vào bãi cọc nhọn, chiến thuyền của địch bị đắm gần hết, quân giặc chết quá nửa. Vạn Vương Hoằng Tháo bị chết tại trận, quân giặc tan tác, vua Nam Hán đang trên đường đem quân đi tiếp ứng cho con, nghe tin khiếp sợ vội kéo quân về nước không dám xâm phạm vào bờ cõi nước ta nữa.
 
Sau chiến thắng Bặch Đằng vĩ đại, Ngô Quyền liền bãi bỏ chức Tiết Độ Sứ, tự xưng Vương, đóng đô ở Cổ Loa, đặt ra nghi lễ triều đình, thể hiện nền độc lập tự chủ của đất nước ta. Đất nước ta thực sự trở lại là một quốc gia độc lập hoàn toàn sau thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng cả ngàn năm. Một thời kỳ mới bắt đầu trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
 
Nhưng Ngô Quyền chỉ ở ngôi vua được có 5 năm thì mất, vào năm Giáp Thìn 944 Ngô Quyền mất, hưởng dương được 47 tuổi. Sau Ngô Quyền mất, em vợ ông là Dương Tam Kha, phụ lời ủy thác của ông, cướp quyền của con ông là Ngô Xương Văn, gây nên cuộc nội chiến ở nước ta, nhưng cuối cùng con của Ngô Quyền đã giành thắng lợi.
 
2. Nam Sách Vương (?-954)
 
Nam Sách Vương tên là Ngô Xương Ngập, chưa rõ năm sinh, Ngô Xương Ngập chính là con trưởng của Ngô Quyền, thân mẫu là Dương Như Ngọc. Năm 944, Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha không thục hiện lời trăn trối của Ngô Quyền là phù tá cho Ngô Xương Ngập. Dương Tam Kha liền cướp ngôi của cháu, tự xưng là Bình Vương, Ngô Xương Ngập sợ bị Dương Tam Kha sát hại, liền chạy về Nam Sách (Hải Dương) lánh nạn. Năm Canh Tuất 950, em trai của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn, đoạt được quyền từ tay Bình Vương Dương Tam Kha, lên làm Nam Tấn Vương.
 
Nam Tấn Vương liền cho người về Nam Sách đón Ngô Xương Ngập về cùng trị nước. Ngô Xương Ngập xưng làm Thiên Sách Vương, như vậy nước ta lúc đó một nước có hai vua là Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương.
 
Nhưng sau khi lên làm vua, Thiên Sách Vương lại có ý đoạt hết quyền hành về tay mình, nhờ có Nam Tấn Vương khôn khéo không để cuộc chiến tranh đẫm máu xảy ra. Ba năm sau, vào năm Giáp Dần 954, Thiên Sách Vuong bị bệnh mất, ở ngôi được 3 năm, quyền hành lúc bấy giờ lại nằm hết trong tay Nam Tấn Vương.
 
3. Nam Tấn Vương (?-965)
 
Nam Tấn Vương tên là Ngô Xương Văn, chưa rõ năm sinh, là con thứ của Ngô Quyền, thân mẫu là Dương Như Ngọc. Năm 944, Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha đoạt ngôi của Ngô Xương Ngập, lên làm vua, tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn, sợ bị cậu sát hại, phải chạy về Nam Sách (Hải Dương). Bình Vương Dương Tam Kha cho quân về Nam Sách truy lùng, bắt được Ngô Xương Văn, nhưng không giết chết mà còn nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi.
 
Đến năm Canh Tuất 950, nhân có loạn ở vùng Sơn Tây, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn và hai tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi dẹp loạn. Đến Từ Liêm  (Hà Nội), Ngô Xương Văn mưu với hai tướng đem quân trở về bắt sống Dương Tam Kha. Ngô Xương Văn nghĩ tình cậu cháu nên tha chết cho Duong Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương Công, và phong cho thực ấp.
 
Sau khi lật đổ được Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn tự xưng là Nam Tấn Vương, và năm sau, năm Tân Hợi 951, Nam Tấn Vương cho người về Nam Sách đón huynh trưởng là Ngô Xương Ngập cùng về triều trông coi việc nước. Năm Giáp Dần 954, Ngô Xương Ngập mất, quyền hành lúc bấy giờ hoàn toàn nằm trong tay Nam Tấn Vương. Nhưng lúc bấy giờ tình hình chính trị nước ta rối loạn , thổ hào nổi lên ở khắp mọi nơi, đua nhau chiếm giữ đất đai, tự xưng là Công hoặc Chế, mỗi người làm chủ một vùng. Trong đó đáng chú ý hơn cả là lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh.
 
Nam Tấn Vương phải tự mình đem quân đi đánh dẹp, nhưng dẹp yên được chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Nam Tấn Vương xin thần phục nhà Nam Hán, có ý muốn nhờ lực lượng nước ngoài giải quyết cuộc hỗn chiến quyền lực ở trong nước, nhưng vua Nam Hán không giúp được, bởi vì thực tế lúc đó nhà Nam Hán đã suy yếu rất nhiều và đang có nguy cơ bị nhà Bắc Tống tiêu diệt.
 
Năm Ất Sửu 965, Nam Tấn Vương lại phải đem quân đi dẹp loạn tại hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình, không may bị trúng tên chết trận. Các tướng tá tranh nhau làm vua, con của Thiên Sách Vương (Ngô Xương Ngập) là Ngô Xương Xí nối ngôi. Trên danh nghĩa lúc bấy giờ Ngô Xương Xí lên nối ngôi vua, nhưng thực lúc bấy giờ quá yếu, cũng chỉ là một sứ quân trong thời loạn, chỉ đủ sức thu thập tàn quân chạy về Ái Châu (Thanh Hóa) - đây là nơi căn cứ cũ của họ Ngô, giữ một vùng Bình Kiều (ngày nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), tồn tại được 3 năm thì bị sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ép cho phải đầu hàng.
 
Như vậy, sau khi Nam Tấn Vương chết, đất nước ta rơi vào tình trạng chia cắt hỗn loạn, nổi lên 12 vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu, sử cũ gọi là “loạn 12 sứ quân”.
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vuong-trieu-nha-ngo-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-a6597.html