Cái duyên với nghề thổ cẩm
Hà Thị Phương Vân kể, cũng như bao cô gái Thái khác lớn lên là đôi bàn tay chị đã quen với se màu, căng khung, dệt vải. Đầu những năm 90, nghề dệt gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, lúc đó mới 13 tuổi chị đã theo mẹ ra Hà Nội để tìm các nhà đầu tư, tiêu thụ sản phẩm của quê nhà. Học hết cấp 3 cơ duyên theo nghiệp làm văn hóa - du lịch đến với chị khi Trung tâm Văn hóa huyện Mai Châu cử chị đến Khu du lịch Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh 5 tháng vừa làm vừa học và cũng chính trong khoảng thời gian ở đây chị đã tìm được nhiều mối đầu ra cho sản phẩm dệt truyền thống.
Năm 2005 chị kết hôn, chồng chị cũng là người Thái quê ở Con Cuông, Nghệ An. Vào miền Trung quê chồng nhận thấy đồng bào Thái không có nghề thủ công truyền thống, sẵn có nghề từ trước chị và chồng mạnh dạn mở xưởng dệt thổ cẩm Thái truyền thống. Bước ngoặt đến với chị là năm 2007 khi tham gia Hội chợ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An được giải Nhì gian hàng tiêu biểu đã tạo nền tảng để năm 2008 HTX Dệt may thổ cẩm Hải Vân của hai anh chị ra đời.
Chị Hà Thị Phương Vân bên khung cửi dệt vải.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh Nghệ An, HTX của chị lập ra không chỉ đạt mục đích kinh tế mà còn góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 200 lao động nữ tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ nghèo, tàn tật có cơ hội làm việc. Năm 2013 tận dụng lợi thế địa lý là tỉnh giáp biên, chị đã mang sản phẩm dệt của người Thái sang nước bạn Lào. Sản phẩm của HTX đã đến tay bạn bè quốc tế và nhiều lần tham dự Hội chợ triển lãm tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Gắn bó với nghề dệt nhưng chị luôn ấp ủ được làm gì đó để có thể giới thiệu bản sắc văn hóa Thái của mình thông qua làm du lịch và cơ hội đó đã đến.
Cơ hội mới để phát triển
Cột mốc rẽ sang làm du lịch văn hóa của chị là vào ngày 22/9/2015 qua giới thiệu chị được Ban Quản lý Khu các làng Dân tộc thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam liên hệ mời ra hoạt động tại chính khuôn viên ngôi nhà sàn Thái tại “Làng” với mô hình vừa bảo tồn, giới thiệu văn hóa, sản phẩm truyền thống đến du khách khi tới tham quan “Làng”. Chị kể, lúc đầu chồng chị phản đối dữ lắm, ấy vậy nhưng không hiểu sao cái đam mê làm du lịch văn hóa nó như có sẵn trong mình vậy, bằng mọi cách thuyết phục và cuối cùng đã được chấp nhận ra hoạt động tại “Làng”.
Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu tiên từ Nghệ An đặt chân đến “Làng”, cơ sở hạ tầng tại nhà Thái chưa hoàn thiện. Với sự nỗ lực của bản thân, sự nhiệt tâm yêu nghề và đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời của Ban Quản lý Khu các làng Dân tộc từ chỗ ăn, ở ổn định bước đầu. Một tháng sau, không gian nhà sàn Thái nơi chị làm nghệ nhân đại diện đã có 5 nghệ nhân sinh hoạt thường ngày, ngôi nhà với những hiện vật cổ truyền của người Thái được chị lặn lội lên tận Mai Châu tìm mua đã trở nên sinh động, ấm cúng. Du khách đến thăm “Làng” qua nhà sàn Thái ngày một đông.
Ngoài giới thiệu văn hóa truyền thống, dân ca, dân vũ, sản phẩm thủ công, chị phục vụ thêm ẩm thực Thái truyền thống. Đến tham quan làng Thái, được xem các chị dệt vải, chơi ném còn, tó má lẹ và được thưởng thức những món ăn dân tộc mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Những chiếc khăn thổ cẩm do chị làm ra.
Anh Thế Long (du khách ở Hà Nội) chia sẻ: “Biết Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có những ngôi nhà của 54 dân tộc nhưng khi đến đây qua nhà sàn đồng bào Thái thấy có nghệ nhân sinh sống, nghe họ giới thiệu rồi ăn bữa cơm đậm chất núi rừng do chính tay đồng bào làm ra mình thấy thú vị lắm”.
Thành công bước đầu là vậy nhưng để níu chân du khách trở lại thì còn nhiều khó khăn lắm. Hỏi chị về dự định sắp tới chị cho biết sang thu khi thời tiết mát hơn nhà sàn Thái sẽ trồng thêm nhiều rau, cây ăn quả, nuôi thêm lợn, gà, dê vừa tạo cảnh quan đẹp mắt vừa là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sạch để phục vụ du khách. Mong muốn gắn bó với “Làng” lâu dài, chị hy vọng tương lai được đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu du lịch của khách một cách hiệu quả nhất.
Tôi biết thành công đến không bao giờ là dễ dàng nhưng tôi tin với sự tâm huyết chân thành việc giữ gìn giới thiệu bản sắc văn hóa quê hương chị sẽ thành công trong việc “giữ lửa” cho ngôi nhà sàn Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
(Theo Làng Việt - Ảnh: Nguyễn Hoa)