Di tích xuống cấp, hiện vật 'kêu cứu'

Nghệ An hiện có hơn 1400 di tích, trong đó có 358 di tích đã được xếp hạng. Tuy nhiên, cùng với thời gian rất nhiều di tích đã trở thành phế tích hoặc hư hỏng nặng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc bảo quản, gìn giữ hiện vật ở các di tích gặp nhiều khó khăn, trong đó, không ít hiện vật quý đã bị hư hỏng...

Chùm ảnh do PV Báo Nghệ An ghi lại tại một số di tích trên địa bàn tỉnh:



Đền Xuân Hòa, nằm ở xã Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai là một công trình lịch sử văn hóa được công nhận là di tích Lịch sử Quốc gia năm 1997. Tuy nhiên, sau nhiều năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp, công tác tu bổ được thực hiện một cách chắp vá (Trong ảnh: Xung quanh đền bụi rậm che kín, khu vực nhà chờ được người dân dựng lại theo kiến trúc mới không đúng với nguyên bản)



Trong Đền hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật bằng gỗ quý, thể hiện sự tinh xảo tài hoa của những người thợ xưa. Thế nhưng, dù đã có tuổi đời hàng trăm năm nhưng các hiện vật này chưa được bảo quản tu bổ thường xuyên khiến cho không ít hiện vật bị nấm mốc hoặc mối mọt.



Đền hiện cũng đang lưu giữ rất nhiều sắc phong và các sách cổ bằng chữ nho quý. Nhưng hiện tại, không còn hiện vật nào còn nguyên vẹn dù ban quản lý đền đã cố gắng cất giữ trong hộp cẩn thận.



Ban quản lý Đền cho biết: Nguyện vọng lớn nhất hiện nay là được hỗ trợ để số hóa toàn bộ các phong sắc đang còn lưu giữ.  Điều này, cũng cần phải thực hiện sớm vì chỉ một vài năm tới, tất cả các sắc phong có nguy cơ sẽ không còn lưu giữ được.



Ngoài ra, một số bức thảm được thêu công phu cũng đã bị rách nát, không còn thấy được giá trị nghệ thuật.



Đền thờ Đinh Bạt Tụy cũng là một di tích lịch sử quốc gia có giá trị ở xã Hưng Trung, Hưng Nguyên. Trong đó, chiếc cổng tam quan của Đền là một trong những cổng tam quan hiếm hoi còn giữ được lại ở địa phương.



Đền hiện có nhiều hiện vật quý nhưng rất nhiều trong số đó đang bắt đầu bị hư hỏng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là những chiếc áo quan và mũ quan có tuổi đời gần 500 năm đã bị hư hỏng nặng. Từ khi xây dựng đền đến nay, các hiện vật này vẫn chưa một lần được can thiệp xử lý theo đúng quý trình.



Chiếc kiệu gỗ cũng là một hiện vật quý nhưng trong điều kiện ẩm thấp, chật chội việc gìn giữ cho nguyên vẹn rất khó khăn. Nấm mốc làm biến dạng màu sắc của hiện vật.



Cũng nằm tại xã Hưng Trung, chùa Bùi Ngọa là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Thế nhưng, hiện tại việc tu bổ chùa còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hạng mục xuống cấp. Trước và trong khuôn viên chùa được người dân địa phương tu bổ một cách chắp vá với nhiều lối thiết kế khác biệt. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục còn mang tính chất tạm bợ.



Đình Chợ Sy cũng là một di tích có giá trị của huyện Diễn Châu. Nơi đây, đã từng là nơi buôn bán sầm uất của nhân dân trong vùng.



Thế nhưng, hiện đây là nơi tập kết rác thải của các tiểu thương đang kinh doanh ở Chợ Sy.



Bia đá ở Đền Trung Cần xã Nam Trung, huyện Nam Đàn đã bị hư gãy thành phế tích. Thống kê hiện nay trên toàn tỉnh hơn 50% trong tổng số khoảng 1.400 di tích đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho việc bảo quản gìn giữ các di tích và hiện vật gặp nhiều khó khăn.


(Theo Báo Nghệ An)

Mỹ Hà

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-tich-xuong-cap-hien-vat-39keu-cuu39-a6552.html