Toàn cảnh khu thành Cha (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định) - Ảnh: Dantri
Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định để giữ gìn, bảo quản; Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật chậm nhất 03 tháng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.
Được biết, Thành Cha đã được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật Quốc gia năm 2003. Năm 2015, di tích thành Cha đã được khai quật lần đầu tiên. Kết quả khai quật đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng xung quanh thành Cha và kinh đô Vijaya, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu tiếp.
Theo các nhà nghiên cứu, trong hệ thống thành cổ Champa trên đất Bình Định, thành Cha là một trong những tòa thành lớn của vương quốc này còn lại, dân gian gọi thành với nhiều tên gọi khác nhau: thành Cha, thành Bắc, thành Cư hay thành Phật Thệ.
Trong lần đầu tiên khai quật với phạm vi 440 m², các nhà khảo cổ phát hiện 3 tầng lớp kiến trúc nằm chồng xếp lên nhau. Từ dưới lên trên cũng là từ sớm đến muộn. Trong đó, di vật thu được là 6.691 di vật, bao gồm, vật liệu kiến trúc 2.872 viên gạch vỡ, 3.065 hiện vật mảnh gói vỡ; trang trí kiến trúc bằng đất nung, đồ đá; đồ sinh hoạt bằng đất nung: 751 dị vật, bao gồm: 426 vò, 15 kendi, 3 hũ… Đặc biệt, các nhà khảo cổ phát hiện một di vật bằng kim loại vàng được làm rất tinh xảo.
(Theo chinhphu.vn)